26/04/2009 - 07:35

Kinh doanh sàn vàng - "Miếng bánh ngon"?

Không như thị trường vàng vật chất, giao dịch trên các sàn giao dịch vàng hầu như luôn sôi động khi giá vàng có biến động tăng hoặc giảm. Mặc dù trong 2 tuần qua giá vàng chủ yếu đi ngang, giao dịch trên sàn trầm lắng, nhưng với các nhà kinh doanh dịch vụ đây là “miếng bánh ngon”. Có thể thấy điều này qua việc ngày càng có nhiều ngân hàng “tấn công” vào thị trường kinh doanh vàng và đua nhau mở sàn giao dịch vàng. Các công ty kinh doanh vàng, công ty chứng khoán cũng không đứng ngoài cuộc...

Chạy đua phát triển mạng lưới

Chỉ với mức thu phí giao dịch 2.000 đồng/lượng, chưa kể các khoản thu từ các dịch vụ khác, các sàn vàng có lượng giao dịch lớn vài trăm ngàn lượng có nguồn thu hàng tỉ đồng một ngày. Đây là lĩnh vực kinh doanh “béo bở” nên tính từ khi Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) là đơn vị đầu tiên mở sàn giao dịch vàng, đến nay đã có trên 10 sàn giao dịch vàng hoạt động. Trong đó, về phía ngân hàng, có các đơn vị như: ACB, DongA Bank, Sacombank, VietA Bank, Eximbank, VPBank, Southern Bank...

 Khách hàng giao dịch tại đại lý nhận lệnh sàn giao dịch vàng phố Wall của PVFC chi nhánh Cần Thơ.

Với các công ty chứng khoán và một số ngân hàng chưa có điều kiện thành lập sàn giao dịch vàng, thì giải pháp đang được lựa chọn nhiều là hợp tác mở đại lý nhận lệnh vàng. Đây còn là cuộc “chạy đua” phát triển mạng lưới của các sàn giao dịch vàng. Chẳng hạn như: Công ty cổ phần vàng phố Wall kết hợp với Công ty chứng khoán APEC và Tổng Công ty Tài chính cổ phần dầu khí Việt Nam (PVFC) mở đại lý nhận lệnh giao dịch vàng. Trong tháng 3-2009, Maritime Bank ký kết hợp tác cùng Công ty cổ phần Vàng châu Á (AGC). Theo đó, Maritime Bank sẽ thực hiện cho vay tiền/vàng; chi trả/ nhận tiền gửi cho khách hàng giao dịch tại sàn giao dịch của AGC và sẽ làm đại lý nhận lệnh giao dịch cho AGC. Cùng thời gian này, Trung tâm giao dịch vàng Sacombank - SBJ đồng loạt khai trương thêm điểm giao dịch vàng tại các chi nhánh Sacombank Đồng Tháp, Kiên Giang, Huế, Gia Lai và Bình Định, nâng tổng số điểm giao dịch lên 18. Đồng thời, Sacombank-SBJ còn ký kết hợp tác với Công ty Chứng khoán Sacombank-SBS mở các điểm giao dịch vàng trên hệ thống 8 văn phòng của Sacombank-SBS trên toàn quốc...

Ở TP Cần Thơ, trong tháng 4-2009, vừa có thêm 1 đại lý nhận lệnh giao dịch vàng khai trương tại PVFC chi nhánh Cần Thơ (đại lý sàn vàng phố Wall). Trước đó, ACB chi nhánh Cần Thơ đã mở 3 điểm nhận lệnh giao dịch vàng; Eximbank có 2 điểm, VietA Bank chi nhánh Cần Thơ có 1 điểm và SouthernBank chi nhánh ĐBSCL có 1 điểm. Ông Huỳnh Quốc Huy, Phó phòng phụ trách Phòng Giao dịch Trung tâm PVFC chi nhánh Cần Thơ, phụ trách đại lý nhận lệnh giao dịch vàng, cho biết: “Hiện tại, PVFC đã kết hợp với sàn vàng phố Wall mở hơn 10 đại lý nhận lệnh. Với công nghệ hiện đại và đội ngũ giao dịch viên nhiệt tình, tận tâm, thời gian giao dịch từ 8-23giờ, chúng tôi luôn nỗ lực cung cấp những điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, ở TP Cần Thơ, hoạt động đầu tư vàng trên sàn chưa sôi động, do đó, để phát triển khách hàng chúng tôi cần phải nỗ lực nhiều”.

Hiện nay, các điểm nhận lệnh giao dịch vàng của sàn vàng ACB ở Cần Thơ có khoảng 100 nhà đầu tư với lượng giao dịch khoảng 5.000 lượng/ngày, lúc cao điểm lên đến 10.000 lượng/ngày - những con số “mơ ước” của các đại lý nhận lệnh giao dịch vàng khác trên địa bàn. Ông Vũ Hoàng Nam, Giám đốc ACB chi nhánh Cần Thơ, cho biết: “Những nhà đầu tư vàng tại ACB chi nhánh Cần Thơ đều đã qua thời gian “thử lửa” trên sàn nên vừa có kinh nghiệm giao dịch vừa có kỹ năng thu thập và phân tích thông tin. Theo tôi, trong tương lai, vàng vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn do thị trường chứng khoán vẫn còn bấp bênh và vì nhà đầu tư trên sàn vàng vẫn chưa bị đánh thuế thu nhập”.

Ông Lê Văn Tám, Giám đốc VietA Bank chi nhánh Cần Thơ, cho biết: “Đại lý nhận lệnh giao dịch vàng của chi nhánh khai trương chưa lâu nên chưa có nhiều nhà đầu tư, lượng giao dịch cũng còn ít. Đa số nhà đầu tư chưa chuyên nghiệp nên bị lỗ. Hiện nay, các chủ tiệm vàng là những nhà đầu tư lớn mà nhiều đại lý sàn giao dịch vàng cạnh tranh thu hút. Những nhà đầu tư này có trình độ chuyên môn cao, thậm chí có tiệm vàng thành lập riêng các tổ kinh doanh vàng và ngoại tệ. Những nhà đầu tư này thông qua người thân ở nước ngoài, tham gia đầu tư vàng trên sàn giao dịch quốc tế và đặt lệnh mua bán song song trên sàn vàng trong nước và quốc tế để giảm thiểu rủi ro. Theo tôi, nhu cầu đầu tư vàng trên sàn sẽ còn phát triển, nhưng để các sàn giao dịch vàng trong nước phát triển mạnh và chuyên nghiệp hơn cần phải có khung pháp lý về quy chế hoạt động của các sàn vàng”.

Bắt đầu đưa vào khuôn khổ

Theo giới chuyên môn, tình trạng các ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty kinh doanh vàng đua nhau mở sàn vàng và hợp tác mở rộng mạng lưới đại lý nhận lệnh giao dịch vàng khi chưa có một quy chế hoạt động chính thức và đầu mối quản lý sàn vàng không thống nhất tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thực tế là hiện nay do chưa có khung pháp lý rõ ràng về hoạt động của các sàn giao dịch vàng, nên nhà đầu tư ký hợp đồng giao dịch với những điều khoản mà chủ sàn tự soạn thảo. Với lượng giao dịch lên đến hàng trăm ngàn lượng vàng 1 ngày ở một sàn vàng, khi có sự cố tranh chấp xảy ra, người chịu thiệt đầu tiên sẽ là nhà đầu tư.

Ngoài vấn đề về quy định vốn pháp định của chủ sàn vàng, ràng buộc trách nhiệm của chủ sàn vàng với nhà đầu tư, còn có ý kiến cho rằng cần quy định tài khoản tiền, vàng của nhà đầu tư trên sàn vàng phải do các ngân hàng quản lý và ngân hàng sẽ là người chịu trách nhiệm với nhà đầu tư về tài khoản. Tương tự như trước đây Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã có quy định các công ty chứng khoán hợp tác với các ngân hàng và chuyển tất cả tài khoản của nhà đầu tư chứng khoán sang ngân hàng quản lý. Một bất cập khác là hiện nay, việc quản lý hoạt động của sàn vàng có sự tham gia của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Công thương tùy từng loại hình và pháp nhân của sàn vàng.

Để hạn chế tình trạng các sàn giao dịch vàng phát triển tự phát, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã yêu cầu các công ty chứng khoán không mở sàn vàng mới cho tới khi có hướng dẫn cụ thể. Các trường hợp đã mở sàn vàng phải báo cáo về hoạt động. Nội dung báo cáo bao gồm: thời gian mở sàn vàng, hình thức pháp lý, phạm vi hoạt động, phương thức giao dịch, cách thức quản lý rủi ro, lượng khách hàng, doanh số giao dịch... Tiếp sau đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cấm các thành viên mở thêm sàn giao dịch vàng mới, đồng thời các ngân hàng có sàn vàng đã được mở phải báo cáo thông tin về sàn vàng, nội dung hoạt động, vai trò của ngân hàng trong hoạt động sàn vàng, đối tác cùng kinh doanh sàn vàng... Những nội dung này sẽ là cơ sở để phục vụ cho việc soạn thảo quy chế hoạt động của các sàn vàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang thực hiện.

Bài, ảnh: KIM XUYẾN

Chia sẻ bài viết