16/08/2021 - 12:04

Kim Jung Gi tiên phong trong nghệ thuật thị giác 

Với kỹ thuật vẽ “có một không hai”, họa sĩ Kim Jung Gi (ảnh) sử dụng những từ khóa để trình diễn quá trình sáng tạo một bức tranh trước mắt khán giả. Những buổi trình diễn mỹ thuật của ông luôn thu hút và Kim Jung Gi ngày càng nổi tiếng.

Vào tháng 5-2021, triển lãm “Kim Jung Gi, The Other Side” diễn ra tại Bảo tàng Nghệ thuật Lotte (LMOA), Seoul, Hàn Quốc. Nơi đây trưng bày hơn 2.000 tác phẩm được vẽ suốt ba thập niên qua của Kim Jung Gi. Sức hút không chỉ đến từ những bức tranh tinh tế, đậm chất dữ liệu mà còn từ những màn trình diễn kỹ thuật vẽ bậc thầy của Kim Jung Gi. Tại buổi triển lãm, Kim Jung Gi trải cuộn giấy trắng rộng 10m và có thể vẽ bất cứ gì từ trò chuyện với người xem. Những hình ảnh từ các cuộc trò chuyện tưởng như rời rạc lại được liên kết, tạo ra một bức tranh với chuỗi dữ liệu đầy mê hoặc.

Kỹ thuật vẽ này của Kim Jung Gi được khẳng định từ năm 2011, khi ông lần đầu biểu diễn tại Liên hoan Truyện tranh quốc tế Bucheon, với bức họa phủ kín các mặt tường. Không có một phác thảo nào trước đó, nhưng tác phẩm dần hiện ra qua những ký ức và trí tưởng tượng của ông. Khán giả xem trực tiếp cũng bị cuốn theo nét vẽ thần kỳ của Kim Jung Gi. Những video quay lại cảnh ông sáng tác đã được lan truyền trên Youtube. Từ đó, Kim Jung Gi nổi tiếng, góp phần đưa ông rẽ lối sang phong cách nghệ thuật thị giác mới.

Kim Jung Gi vốn là họa sĩ vẽ tranh châm biếm và minh họa cho các webtoon (truyện tranh mạng Hàn Quốc). Ông cho biết: “Tôi dành nhiều thời gian để xem các tác phẩm, phim ảnh, chương trình truyền hình. Tôi không có chủ ý ghi nhớ nhưng rất tự nhiên, khi cần những hình ảnh đó lại hiện về. Nó trở thành kho dữ liệu lớn”. Hệ thống dữ liệu trong trí nhớ của Kim Jung Gi tự có sức chuyển hóa, giúp ông phân loại và chuyển thành tác phẩm bất cứ lúc nào.

Với hệ thống dữ liệu này, Kim Jung Gi chia sẻ rằng chỉ mất vài giây để định hình và chuyển hóa từ khóa thành những nét vẽ trên giấy. Khoảng 60%-70% hình ảnh ông định vẽ có sẵn trong đầu. Khi vẽ ông chỉ cần di chuyển trên giấy để hình thành bức tranh. Do đó, những bức tranh của Kim Jung Gi được hoàn thành rất nhanh. Với những chủ đề quen thuộc, ông sẽ chỉ mất nửa ngày để hoàn thành bức tranh dài, rộng 1m. Đây là điều không dễ với những nghệ sĩ có thói quen sáng tác ngẫu hứng. Nhưng Kim Jung Gi hoàn toàn thoải mái tương tác cùng khán giả và vẽ trực tiếp dựa trên những từ khóa khi trò chuyện với họ. Những cuộc trò chuyện sẽ diễn ra suốt trong thời gian Kim Jung Gi vẽ, khi kết thúc thì bức tranh cũng hoàn thành. Chính vì thế, những màn trình diễn của Kim Jung Gi luôn có hàng triệu lượt người theo dõi qua YouTube, Instagram, Facebook…

Phong cách nghệ thuật của Kim Jung Gi được các chuyên gia cho rằng sử dụng kỹ thuật khóa không gian, nghĩa là người vẽ định dạng mọi thứ trong không gian ba chiều và định hình những gì muốn vẽ trong không gian ảo đó. Sự xuất sắc của Kim Jung Gi chính là ông có thể định hình cấu tạo bức vẽ một cách chính xác hơn cả lập trình sẵn trên hệ thống máy tính. Mặt khác, Kim Jung Gi còn khiến người khác nể phục bởi sự sắp xếp hài hòa trong tổng thể bức tranh. Đó có thể là sự đối lập giữa truyền thống và công nghệ, quá khứ và hiện đại, sự sống và cái chết… đan xen kết nối một cách tinh tế. Khán giả có thể thấy được điều này qua những tác phẩm nổi bật của Kim Jung Gi, như: “Parasite”, “Stranger Things”, “World of Warcraft: Battle for Azeroth”, “Life_Death, Heading towards a Future Somewhere”… Kim Jung Gi cho biết vẫn sẽ vẽ bằng tay và không ngừng tìm tòi, nghiên cứu để những bức vẽ sáng tạo, lan tỏa về tình yêu nghệ thuật, cuộc sống.

BẢO LAM (Tổng hợp Korea Times, Impakter)

Chia sẻ bài viết