28/07/2020 - 07:59

Doanh nghiệp Tây Đô

Kiến tạo, xung kích biến "nguy" thành "cơ"
Bài 2: Khát vọng đưa Tây Đô lên tầm vóc mới 

Đội ngũ doanh nghiệp (DN) của TP Cần Thơ không ngừng phát triển thể hiện qua số lượng và chất lượng hoạt động ngày một cải thiện. Dù trong hoàn cảnh khó khăn, khi nền kinh tế lao dốc do đại dịch COVID-19, thành phố vẫn có những DN tiếp tục khẳng định được thương hiệu với bề dày thành tích và cũng có những DN trẻ mới nổi với ý tưởng kinh doanh sáng tạo, thổi luồng gió mới vào cộng đồng DN thành phố.

Quy trình chế biến món cá thát lát rút xương Kim Sa tại Công ty CP Thực phẩm Phạm Nghĩa. Ảnh: MỸ THANH

►Ươm những mầm xanh

Từ một cơ sở nhỏ quy mô gia đình, chị Nguyễn Kim Nhiên, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến nông sản Kim Nhiên (huyện Cờ Ðỏ), khởi nghiệp thành lập DN vào tháng 7-2019 với sản phẩm trà mãng cầu. Tôi gặp chị lần đầu tại Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam năm 2019. Sau khi uống thử ly trà thoảng hương vị trái cây quen thuộc, tôi mới biết người tất bật pha trà mời khách tham quan chính là giám đốc của một công ty chế biến nông sản vừa được thành lập chưa lâu. Chị Nhiên bảo: "Mình có trực tiếp gặp gỡ mới đo lường được mức độ hài lòng hay chưa hài lòng của người dùng với sản phẩm. Từ đó nghiên cứu phát triển sản phẩm, biết cách tiếp cận khách hàng và thị trường sao cho phù hợp".

Ðó là câu chuyện của năm trước, còn hiện tại, hậu COVID-19, gặp tôi chị Nhiên trải lòng: Dịch bệnh bùng phát, doanh thu bán hàng của công ty sụt giảm khoảng 30% trong tháng 3 và tháng 4, nhưng chị vẫn lạc quan và linh động chuyển hướng sang kênh bán hàng online. Tiếp đó, chị kết nối lại hoạt động quảng bá sản phẩm, mở rộng kênh phân phối trong tháng 6 và 7. "Ðối với những DN non trẻ, chinh phục thị trường là hành trình vô cùng gian nan. Là người con của vùng đất Tây Ðô, tôi chỉ mong muốn xây dựng một sản phẩm mang thương hiệu địa phương và vươn xa trên thị trường như một cách trả nợ vùng đất nơi mình sinh ra và khôn lớn" - chị Nhiên bộc bạch.

Năm 2015, cái tên cá thát lát Phạm Nghĩa lần đầu xuất hiện trên thị trường Cần Thơ. Nhưng ít ai biết rằng, thời điểm ấy diện tích nhà xưởng công ty chỉ vỏn vẹn chưa đầy 50m2, nhân viên chưa đến 20 người và sản lượng cá thát lát chế biến mỗi ngày chỉ từ 50-60kg. Ðến năm 2019, Công ty CP Thực phẩm Phạm Nghĩa (quận Cái Răng) đã có một nhà máy sản xuất với diện tích 1ha, vùng nuôi hơn 30ha, trên 200 nhân sự và sản lượng bình quân 20 tấn/ngày. Không chỉ vậy, Phạm Nghĩa còn có hơn 32 món ăn chế biến từ chả cá thát lát. Ðặc biệt, mặt hàng chủ lực cá thát lát rút xương Kim Sa của Phạm Nghĩa được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Dòng sản phẩm chế biến từ cá thát lát của Phạm Nghĩa luôn có mặt tại nhiều hội chợ uy tín trong nước và gần đây ghi dấu ấn tại Hội chợ Thaifex diễn ra tại Thái Lan.

Lùi mốc thời gian về xa hơn, người dân TP Cần Thơ và các tỉnh miền Tây không còn xa lạ gì với thương hiệu May Tây Ðô. Bởi thương hiệu này đã có mặt trên thị trường hơn 30 năm. Chuyển mình phát triển, công ty đã dần thay đổi chuyển sang áp dụng phương pháp quản trị sản xuất tinh gọn (Lean Manufacturing) giúp nâng cao năng suất lao động và tiền lương của cán bộ - công nhân viên. Ông Ngô Văn Chơn, Giám đốc điều hành Công ty CP phần May Tây Ðô (quận Ninh Kiều), chia sẻ: "May Tây Ðô đang góp phần giải quyết việc làm cho hơn 1.400 công nhân và đã xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường trong khu vực như: Malaysia, Singapore, Ðài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, đặc biệt là khách hàng khó tính Nhật Bản và thâm nhập vào thị trường EU, Canada, Hoa Kỳ… Do dịch bệnh, doanh thu 6 tháng đầu năm của công ty chỉ đạt 70% so với cùng kỳ. Thế nhưng công ty chưa cắt giảm lao động hay giảm giờ làm, ngưng việc ngày nào. Mục tiêu quan trọng nhất của May Tây Ðô hiện nay là tìm mọi cách để duy trì việc làm, thu nhập cho người lao động".

"Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển nhận định: Những thành quả phát triển kinh tế - xã hội của thành phố có sự đóng góp to lớn từ phía cộng đồng DN. Không có DN sẽ không có tăng trưởng kinh tế; kinh tế phát triển kéo theo nhiều tác động đến văn hóa - xã hội, quốc phòng an ninh cùng tiến lên. Cần Thơ còn thiếu những DN đầu tàu mang tính dẫn dắt nền kinh tế nhưng dù với quy mô ra sao, mỗi DN đều là một tế bào của nền kinh tế. Chính sự phát triển đi lên của cộng đồng DN sẽ góp phần đưa Cần Thơ lên một tầm vóc mới."

Không kém cạnh May Tây Ðô, với slogan "Thép Tây Ðô-Thép của người miền Tây", sau 25 năm hình thành và phát triển, thép Tây Ðô đã hòa mình vào những công trình, dự án làm thay đổi diện mạo của thành phố trẻ Tây Ðô cũng như các tỉnh ÐBSCL: công trình mở rộng cảng Cần Thơ, Bệnh viện Ða khoa Trung ương Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, hệ thống cầu trong Dự án Quản lộ Phụng Hiệp…

►Niềm tin và hy vọng

Một nền kinh tế khỏe mạnh đòi hỏi từng "tế bào" DN phải khỏe mạnh. Và trong giai đoạn thiết lập "trạng thái bình thường mới" TP Cần Thơ tiếp tục ươm mầm, nuôi dưỡng những "tế bào" khỏe mạnh đó. Dù quy mô còn nhỏ, nhưng chị Kim Nhiên, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến nông sản Kim Nhiên (huyện Cờ Ðỏ) đã chủ động sản xuất theo quy trình khép kín từ đầu vào đến đầu ra. Khu nhà xưởng sản xuất trà mãng cầu đặt giữa vùng nguyên liệu là vườn mãng cầu xanh mướt mắt canh tác theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt. Tháng 12-2019, sản phẩm trà mãng cầu Kim Nhiên được UBND thành phố công nhận Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố năm 2019. Riêng cá nhân chị Nhiên cũng vừa nhận Bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố vì đã có ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tiêu biểu năm 2020 vào cuối tháng 6 vừa qua.

Là DN đầu tiên tốt nghiệp từ Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc với sản phẩm cá thát lát rút xương Kim Sa, anh Phạm Trọng Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Phạm Nghĩa, chia sẻ: Quá trình ươm tạo tiếp thêm động lực cho Công ty ứng dụng khoa học công nghệ để tạo ra những sản phẩm giá trị gia tăng cao. Ðó là những sản phẩm tạo sự khác biệt bởi chính độ tươi ngon, đa dạng và thuận tiện khi chế biến. Chúng tôi không chỉ mong muốn bán được sản phẩm để tăng doanh số mà còn kỳ vọng cá thát lát Phạm Nghĩa sẽ trở thành một sản phẩm mang thương hiệu địa phương để du khách gần xa có dịp thưởng thức và mua về làm quà. Chính vì điều này nên trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng, công ty phải đóng cửa Nhà hàng đối chứng ở đường Trần Văn Hoài, quận Ninh Kiều nhưng công tác quảng bá, đa dạng kênh phân phối để mang sản phẩm đến tay người tiêu dùng trong và ngoài nước vẫn được duy trì và phát triển.

Khẳng định vị thế trên thị trường bằng chất lượng sản phẩm và uy tín DN là mục tiêu dài hạn mà Công ty Thép Tây Ðô hướng đến. Ðặc biệt, sau dịch COVID-19, nỗ lực và quyết tâm của công ty càng tăng lên gấp bội. Ông Huỳnh Trung Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Thép Tây Ðô (quận Bình Thủy), khẳng định: "Thép Tây Ðô liên tục đầu tư mới, áp dụng công nghệ tiên tiến trên dây chuyền hiện đại. Không chỉ vậy, chúng tôi còn thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, xã hội bằng việc chuyển từ sử dụng nguồn nguyên liệu chính từ dầu FO, dầu vỏ điều sang khí thiên nhiên nén CNG để giảm thiểu khí độc thải ra môi trường và đang xúc tiến đầu tư lò luyện thép trong năm 2020 để gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm".

Mỗi lần bước chân vào phân xưởng sản xuất của Thép Tây Ðô, tôi đều cảm nhận được sức nóng hầm hập tỏa ra từ những thanh thép nguyên liệu đang được nung chảy, những cuộn thép thành phẩm đỏ rực chạy đều đặn trên băng chuyền. Thế mà những người công nhân vẫn ngày ngày miệt mài làm việc giữa tiếng ồn của máy nâng, máy cán thép, bên dòng phôi thép nóng chảy với đôi bao tay dày cộm, trang phục lấm lem dầu nhớt. Nhịp sống công nghiệp của thành phố có lẽ cũng nóng hôi hổi, tuôn chảy đều đặn như thế và dòng chảy đó mang sức sống bền bỉ của cộng đồng DN Tây Ðô. Ðại dịch COVID-19 đi qua để lại không ít tổn thất, khó khăn, nhưng với bản lĩnh, nhiệt huyết, cộng đồng DN Tây Ðô sẽ vượt qua cơn bão lớn mang tên COVID-19 cũng như đã từng vượt qua những lần khủng hoảng kinh tế trong quá khứ!

Bài 3: Ðổi mới, sáng tạo   và linh hoạt trước  rủi ro thị trường

MINH HUYỀN-MỸ THANH

Chia sẻ bài viết