27/07/2020 - 10:00

Doanh nghiệp Tây Đô

Kiến tạo, xung kích biến "nguy" thành "cơ"
Bài 1: Phép thử COVID-19 

Khởi đầu năm mới luôn là thời điểm mang đến nhiều kỳ vọng tăng trưởng cho cộng đồng DN. Thế nhưng, đại dịch COVID-19 thực sự là một cơn sóng lớn, "hút" các thành phần kinh tế vào guồng xoáy khủng hoảng. Cộng đồng DN tại TP Cần Thơ cũng đối mặt với hàng loạt những khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ trước đó. COVID-19 như là một phép thử bất ngờ, buộc DN phải thích ứng bằng mọi giá để tồn tại và tiếp tục phát triển.

Sau đại dịch COVID-19, cộng đồng doanh nghiệp (DN) TP Cần Thơ quyết tâm vượt qua thách thức, tận dụng thời cơ để tái khởi động, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, trong "trạng thái bình thường mới", phục hồi kinh tế không phải là để trở về hôm qua, tái khởi động không phải là làm theo cách cũ. Mỗi DN phải chọn cho mình giải pháp để biến "nguy" thành "cơ", biến thách thức thành động lực tăng trưởng mới. Qua giai đoạn khó khăn, sức đề kháng của mỗi DN Tây Đô được nâng lên sẽ góp phần củng cố thêm sức khỏe của từng "tế bào" trong nền kinh tế.

Ngay và sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, UBND TP Cần Thơ đã tổ chức nhiều cuộc họp nhằm nắm bắt thông tin, đưa ra giải pháp phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong ảnh:  Hội nghị Gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và DN trên địa bàn tổ chức trong tháng 6-2020. Ảnh: MỸ THANH

►Linh hoạt thích ứng

Thời điểm ký được hợp đồng 4.000 tấn thép tiêu thụ nội địa và 3.000 tấn thép xuất khẩu sang Campuchia trong tháng 4-2020 khiến Ban lãnh đạo Công ty Thép Tây Ðô thở phào nhẹ nhõm. Ðiều này cũng đồng nghĩa với việc gần 200 công nhân của công ty quay trở lại nhà máy làm việc sau hơn 2 tuần nghỉ giảm việc vào cuối tháng 3. Giữa tháng 4, tôi gặp anh Ðào Hoàng Phong, công nhân Công ty Thép Tây Ðô, sau giờ cơm trưa giữa ca. Xen lẫn giữa âm thanh ồn ào của dây chuyền cán thép đang vận hành, anh Phong phấn khởi chia sẻ: "Dù phải nghỉ giảm việc do không có đơn hàng trong tháng trước nhưng công ty vẫn trích quỹ lương dự phòng để hỗ trợ cho công nhân viên nên mọi người đều yên tâm. Khi công ty thông báo quay lại làm việc, anh em trong nhà máy ai cũng vui mừng".

Việt Nam là một trong số các nước kiềm chế được dịch bệnh sớm và đây là thời cơ vàng để DN cả nước nói chung và TP Cần Thơ nói riêng tái khởi động và phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ông Trần Yên Vinh, Giám đốc Khách sạn Mường Thanh Cần Thơ (quận Ninh Kiều), chia sẻ: Dịch bệnh trong nước được kiểm soát, lệnh giãn cách xã hội được dỡ bỏ, cuộc sống người dân dần trở lại bình thường, tình hình hoạt động của Khách sạn Mường Thanh dần ổn định. Ðể kích cầu, khách sạn áp dụng siêu ưu đãi giảm giá phòng, đưa ra hàng loạt chính sách, chương trình giảm giá kích cầu cho hội nghị, hội thảo, tiệc cưới và các dịch vụ khác. Mặc dù chưa có khách du lịch quốc tế nhưng lượng khách du lịch nội địa, khách công vụ về Cần Thơ đã tăng trở lại.

Nắm bắt xu thế tiêu dùng mới là cách mà nhiều DN trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ của thành phố đánh dấu sự trở lại của mình. Ông La Minh Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ, đúc kết: "Sau đợt dịch vừa qua, xã hội có sự thay đổi rõ rệt về hành vi sinh hoạt và tiêu dùng. Ðó là tránh xa những đám đông không cần thiết. Từ thực tế đó, công ty đã thay đổi cách làm việc: tận dụng tối đa việc giao dịch trực tuyến, sử dụng thư điện tử, các mạng xã hội (Zalo, Viber) trong giao dịch để hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp, giúp tiết kiệm thời gian, tăng hiệu quả công việc".

Với mạng lưới khách hàng, chuỗi cung ứng được hình thành nhiều năm, ngành công nghiệp chế biến của TP Cần Thơ thể hiện được ưu thế khôi phục lại nhanh chóng sau dịch. Ông Nguyễn Ngọc Trãi, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP BJ&T (quận Bình Thủy), cho biết: Các đơn hàng xuất khẩu nông sản tươi sang Úc và châu Âu của công ty đã tăng trở lại từ đầu tháng 5. Ðầu năm 2020, công ty có kế hoạch phát triển thị trường xuất khẩu cho dòng sản phẩm mới là bánh hỏi và bún sấy khô nhưng tạm gián đoạn do ảnh hưởng dịch COVID-19. Nay thị trường xuất khẩu dần khôi phục lại nhưng vẫn còn chậm nên công ty đang có hướng phát triển thị trường nội địa cho 2 sản phẩm mới này.

Vòng xoáy COVID-19 khiến các DN TP Cần Thơ phải đối mặt với 2 gọng kìm: thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, giảm mạnh thị trường đầu ra tiêu thụ hàng hóa và xuất khẩu. Song, nhiều DN không thụ động, chờ đợi, nỗ lực duy trì sản xuất, triển khai nhiều sáng kiến như: áp dụng giờ làm linh hoạt, cắt giảm chi phí sản xuất, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thay thế, ứng dụng công nghệ số trong phát triển thị trường...

►Đồng hành vượt bão

Từ thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát và sau khi dịch đã được kiểm soát, UBND TP Cần Thơ lần lượt tổ chức 2 cuộc họp để tìm hiểu, đánh giá thiệt hại của DN. Ngày 18-2, thành phố họp bàn giải pháp giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN với nhóm DN trong ngành dịch vụ du lịch, thương mại, vận tải… Ngày 18-6, UBND TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị Gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và DN trên địa bàn nhằm nắm bắt thông tin, đưa ra giải pháp phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch COVID-19. Tại hội nghị đã có 31 ý kiến thuộc 12 nhóm vấn đề được đề xuất như: tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên; hoạt động giãn, giảm lãi vay, cơ cấu lại nợ vay; cải cách thủ tục hành chính; tiếp cận thông tin, kết nối thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm…

Dây chuyền sản xuất bánh hỏi sấy khô của Công ty CP BJ&T (quận Bình Thủy). Ảnh: MINH HUYỀN

Giai đoạn khó khăn, chính quyền thành phố, các sở, ngành, đều quan tâm đến tình trạng "sức khỏe" DN, kịp thời "vào cuộc" hỗ trợ tùy theo chức năng của ngành mình. Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, chia sẻ: "Trong thời điểm thực hiện cách ly toàn xã hội, Sở Công Thương đã chủ động cập nhật thông tin số điện thoại giao hàng tận nơi của các siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn đến người dân. Ngành Công Thương cũng đồng hành với DN gỡ khó cho xuất khẩu, giải quyết lượng gạo ứ đọng tại các cảng trong thời điểm diễn ra dịch bệnh. Hiện nay, Sở Công Thương đang triển khai các hoạt động kích cầu tiêu thụ nội địa đồng thời vận động, khuyến khích DN quảng bá và bán hàng trên kênh thương mại điện tử. Bởi đây là xu hướng tất yếu và thành phố đang quan tâm mong muốn DN kịp thời ứng dụng, khai thác".

Làm việc ngay với Hiệp hội DN TP Cần Thơ để nắm bắt thông tin về khách hàng vay vốn; công bố thông tin đường dây nóng hỗ trợ khách hàng; duy trì lịch làm việc của Tổ Hỗ trợ DN ngành ngân hàng là hàng loạt giải pháp được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP Cần Thơ, triển khai trong và ngay sau dịch COVID-19. Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP Cần Thơ, cũng đã tiếp, làm việc với 18 DN thuộc các lĩnh vực thủy sản, lúa gạo, du lịch... để hỗ trợ giải quyết vướng mắc trong quan hệ tín dụng với ngân hàng. Ông Trần Quốc Hà chia sẻ: Lũy kế từ ngày 23-1 đến 30-6-2020, đã có 4.491 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được các tổ chức tín dụng cho vay mới với doanh số đạt 16.305 tỉ đồng. Có 2.659 khách hàng bị thiệt hại do dịch COVID-19 được cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ được cơ cấu là 3.986 tỉ đồng. Ðặc biệt, chỉ trong tháng 6 tín dụng khởi sắc tăng 2,69% so tháng 5; số khách hàng bị thiệt hại do dịch COVID-19 được cơ cấu lại thời hạn trả nợ tăng 126% so với cuối tháng 5, tương đương với 1.485 khách hàng.

* * *

COVID-19 là cơn sóng lớn, là cú sốc không mong muốn đối với DN. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách toàn diện và thấu đáo, đây là cơ hội, là phép thử để sát hạch, sàng lọc lại năng lực thực sự, sức chống chịu, thích ứng trước biến cố thị trường của DN trong nước nói chung và DN TP Cần Thơ nói riêng.

“Đồng chí Trần Quốc Trung, Bí thư Thành ủy: Thành phố ghi nhận nỗ lực vượt khó, ý chí vươn lên khôi phục sản xuất, kinh doanh trong "trạng thái bình thường mới" của mỗi DN. Với quyết tâm "chống trì trệ như chống dịch" theo lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo thành phố kỳ vọng mỗi DN Cần Thơ sẽ tiếp tục nỗ lực phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh COVID-19. Đó là những giải pháp, kế hoạch tái cấu trúc toàn diện sau khủng hoảng để tìm lợi nhuận từ thị trường ngách, đón thời cơ khai thác những thị trường mới trên cơ sở tận dụng và phát huy hơn nữa năng lực, lợi thế cạnh tranh sẵn có.”

Bài 2:  Khát vọng đưa Tây Ðô lên tầm vóc mới

MINH HUYỀN-MỸ THANH

Chia sẻ bài viết