28/05/2019 - 10:02

Kiên quyết sàng lọc, đưa ra khỏi Đảng những cán bộ, đảng viên “xanh lòng”, “hai mặt”

Lịch sử cách mạng Việt Nam gần 90 năm qua chưa có giai đoạn nào Đảng ta lại xử lý nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm như hiện nay. Dư luận cho rằng, việc làm đau xót ấy là hết sức cần thiết để giữ gìn uy tín của Đảng, tăng niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. 

Hơn 30 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng đất nước ta đã thu được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Một trong những nguyên nhân quan trong có được thành công ấy là do Đảng ta đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên trí tuệ, giàu nhiệt huyết, mẫn cán và trách nhiệm. Đội ngũ cán bộ của Đảng ở các cương vị công tác khác nhau đã phát huy trách nhiệm, trí tuệ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong đó, đội ngũ cán bộ cơ sở không chỉ tích cực củng cố, xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh mà còn chuyên tâm tìm hướng phát triển kinh tế - xã hội mới và hiệu quả. Đáng chú ý là việc nâng cao dân trí, văn hóa, xây dựng các mô hình kinh tế mới bền vững, đem lại thu nhập cao, ổn định cho người dân. Hiện nay, thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) do Chính phủ triển khai, chỉ riêng TP. Hà Nội đã có hàng nghìn sản phẩm được người tiêu dùng trong nước đón nhận và hướng ra xuất khẩu. Tại Triển lãm quốc tế Mỗi xã một sản phẩm và Hội chợ quốc tế hàng thủ công mỹ nghệ và quà tặng (Lifestyle) 2019 vừa được tổ chức, TP. Hà Nội đã có hơn 30 doanh nghiệp tham gia, giới thiệu gần 500 dòng sản phẩm thuộc các lĩnh vực thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải may mặc, lưu niệm, trang trí nội thất... Trong đó, nổi bật là các sản phẩm mây tre đan Chương Mỹ, sơn mài Thường Tín, gốm sứ Bát Tràng, tơ lụa Hà Đông, tơ sen Mỹ Đức…

Có thể nói, những thành công trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và nhiều lĩnh vực khác có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ cán bộ, đảng viên từ Trung ương đến cơ sở. Đó là minh chứng cho con đường phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn là hoàn toàn đúng đắn; đang tiếp tục được các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân nỗ lực thực hiên, đưa lên một tầm cao mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, trong Đảng, trong các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương đã xuất hiện nhiều vụ việc tiêu cực, làm thất thoát ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng. Những vụ việc được phát hiện, đưa ra công luận và được cơ quan chức năng điều tra, xử lý ngày càng nhiều và tỷ lệ thuận với mức độ nghiêm trọng. Câu hỏi đặt ra là nguyên nhân từ đâu? Có phải do chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng tham quyền, tham danh vọng và cầu vinh, hưởng lạc đã khiến cho những cán bộ, đảng viên vốn được coi là “hạt giống đỏ”, những “đầu tàu” trong phong trào cách mạng mất đi tính tiền phong gương mẫu? Điều này đã và đang làm giảm sút niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho biết: Năm 2018, các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành 3.441 cuộc kiểm tra, phát hiện 443 vụ việc cùng 382 người vi phạm, kiến nghị xử lý kỷ luật 89 người, kiến nghị thu hồi và bồi thường 92,9 tỷ đồng (đã thu hồi 74,08 tỷ đồng, đạt 79,7%). Kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp tại 5.396 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã xử lý 97 người. Có 56 người đứng đầu đã bị xử lý hoặc đang được xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó 5 người bị xử lý hình sự, 45 người đã bị xử lý kỷ luật. 

Theo kết quả thống kê của Thanh tra Chính phủ, năm 2018 đã phát hiện số đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng: qua tự kiểm tra nội bộ phát hiện 25 vụ, 27 đối tượng (giảm 43,2% số vụ); qua thanh tra phát hiện 78 vụ, 106 đối tượng (tăng 14,7% số vụ so với năm trước); qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 40 vụ, 87 đối tượng (tăng 66,7% số vụ).

Kết quả thanh tra trên cho thấy một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên “suy thoái” đã quên đi trách nhiệm “cống hiến và phục vụ”, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tư lợi cá nhân, bòn rút của công. Cá biệt, có những cán bộ, đảng viên vẻ ngoài đạo mạo, luôn tuyên truyền cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, rao giảng đạo đức và khích lệ đồng chí ý chí tiến thủ, tinh thần chiến đấu, hy sinh vì lợi ích của cộng đồng nhưng lại “ngã ngựa” chỉ vì “đạn bọc đường”. Nhiều cán bộ, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo tham nhũng, tiếp tay cho tham nhũng và thúc đẩy nhanh quá trình “chín ép” của cán bộ, đảng viên. Họ coi Đảng là một bức bình phong, điểm tựa để tiến thân, làm giàu. Vì cái lợi cá nhân, họ sẵn sàng làm giả hồ sơ để đạt tiêu chí, mua bằng cấp, đạo luận án, chạy quyền, chạy chức, chạy khen thưởng... để cuối cùng là có được một “chiếc ghế” và sau đó là thực hiện dã tâm vơ vét khi thời cơ đến. Dư luận cho rằng, đó là những kẻ “đỏ vỏ, xanh lòng” và “hai mặt”, là những con sâu, con mọt làm cho căn bệnh dối trá phát triển, lây lan nhanh chóng trong tổ chức; cần phải xử lý, loại ra khỏi đội ngũ của Đảng càng sớm càng tốt. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” đã chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”. Và nguyên nhân của tình trạng đó đã được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ rõ: “Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng còn thấp, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu. Công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ, đảng viên còn yếu kém”.

Mở cửa, đổi mới, trong đó đổi mới tư duy về kinh tế là một hướng đi đột phá và hết sức đúng đắn trong chiến lược cách mạng của Đảng. Chủ trương ấy là động lực để dân tộc Việt Nam đoàn kết và tăng tốc trên con đường đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Từ chỗ là nước chậm phát triển và thường xuyên phải nhận viện trợ nhân đạo thì nay Việt Nam đã vươn lên trở thành nước có thu nhâp trung bình trong khu vực và thế giới. Hiện nay, ngoài nhiệm vụ lãnh đạo thực hiện các chỉ tiêu kinh tế, xã hội mà đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định, cấp ủy đảng các cấp đang tích cực tiến hành công tác chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Dư luận và nhân dân mong tổ chức đảng các cấp nghiên cứu, xem xét xét đến hiện tượng “xanh lòng” và “hai mặt” để lựa chọn chính xác người có tâm - tài, đức - trí để đảm nhận các chức vụ lãnh đạo. Cần rà soát chặt chẽ số cán bộ nguồn ở các vị trí công tác cả về bản lĩnh chính trị, học vấn, phẩm chất đạo đức, năng lực và đặc biệt là uy tín và khả năng vận động quần chúng. Nhân dân chỉ tin vào những cán bộ, đảng viên có tâm cống hiến, hết lòng hết sức phục vụ vì lợi ích của cộng đồng, của quốc gia, dân tộc; những cán bộ, đảng viên miệng nói, tay làm, biết “lo trước thiên hạ và hưởng sau thiên hạ”.

Trong cuốn “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, quần chúng là lực lượng to lớn của cách mạng, mục đích cách mạng là phục vụ lợi ích của quần chúng. Để hoàn thành sự nghiệp cách mạng phải có đội ngũ cán bộ. Và Người khẳng định: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định”. Thế nên, trong giải đoạn hiện nay, khi công tác xây dựng đảng đang có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là trong công tác cán bộ, Đảng càng tăng cường kiểm tra, giám sát, kiên quyết đưa ra khỏi đội ngũ những cán bộ, đảng viên “xanh lòng” và “hai mặt”. Đây là giải pháp quan trọng để niềm tin của Nhân dân với Đảng được bền vững, trường tồn. 

Theo Tạp chí Xây dựng Đảng

Chia sẻ bài viết