15/12/2017 - 16:13

Kiểm soát căng thẳng giảm nguy cơ béo phì và tiểu đường 

* Chế độ ăn từ thực vật đẩy lùi biến chứng thần kinh do tiểu đường

Lần đầu tiên, các nhà khoa học thuộc Viện Tâm thần học Max Planck (Đức) chứng minh rằng một prôtêin liên quan đến căng thẳng tinh thần (stress) hiện diện trong mô cơ làm tăng nguy cơ tiểu đường và béo phì. Tin vui là rủi ro mắc bệnh có thể được ngăn chặn bằng cách kiểm soát prôtêin này.

Khi rơi vào tình huống căng thẳng, cơ thể sẽ giải phóng hoóc-môn gây stress cortisol để có phản ứng đương đầu hoặc né tránh. Trong đó, prôtêin FKBP51 được xác định liên quan đến cơ chế ứng phó với stress này. Tuy nhiên, những đột biến nào đó của FKBP51 có thể thay đổi hoạt động đáp ứng stress, làm trầm trọng thêm một số bệnh tâm lý như lo lắng, trầm cảm và rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD).

Đau buốt bàn chân là một trong những cảm giác thường gặp ở người bị biến chứng thần kinh tiểu đường.

Trong nghiên cứu mới, các chuyên gia ở Viện Max Planck phát hiện FKBP51 không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, mà sự hiện diện của prôtêin này với nồng độ cao còn có thể dẫn đến tình trạng không dung nạp glucose. Theo đó, khi cơ thể tiêu thụ nhiều chất béo, hệ thống đáp ứng stress tiếp tục coi đây là tín hiệu căng thẳng và giải phóng thêm nhiều FKBP51. Về lâu dài, khả năng chuyển hóa glucose của cơ thể ngày càng suy giảm, đồng nghĩa tăng nguy cơ béo phì và bệnh tiểu đường típ 2.

Từ phát hiện trên, các nhà khoa học còn cho biết họ đã khám phá ra phương pháp mới để điều trị tiểu đường và những bệnh liên quan đến cơ chế chuyển hóa. Trong đó, kiểm soát prôtêin FKBP51 được cho là giúp phòng ngừa bệnh tiểu đường ngay cả khi cơ thể tiêu thụ nhiều chất béo hoặc đang bị stress. Hiện tại, các chuyên gia cho biết họ đã phát triển một hợp chất có khả năng ức chế prôtêin FKBP51 và đang hoàn thiện nó để có thể sớm áp dụng trong các thử nghiệm lâm sàng.

* Cũng liên quan đến bệnh tiểu đường, nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Michael Greger tại Đại học Cornell (Mỹ) dẫn đầu cho biết, chế độ ăn uống chủ yếu từ thực vật giúp giảm đáng kể bệnh thần kinh do tiểu đường. Đây là biến chứng phổ biến ở người bệnh nhưng rất khó điều trị, thường gây cảm giác tê buốt chân tay, ngứa ran hay bỏng rát, đau đớn hoặc bị chuột rút, lâu dần có thể dẫn đến mất cảm giác hoàn toàn.

Các chuyên gia tập trung phân tích kết quả từ một nghiên cứu cách đây 20 năm, trong đó phát hiện 17/21 bệnh nhân tiểu đường bị biến chứng thần kinh từ vừa đến nặng khoảng 10 năm đã giảm đau rất nhiều sau khi được yêu cầu áp dụng chế độ ăn gồm thực phẩm chưa qua chế biến, nhiều rau quả và đi bộ 30 phút/ngày. Tiếp tục theo dõi sức khỏe của những bệnh nhân này, nhóm nghiên cứu đã làm sáng tỏ mối liên hệ giữa chế độ ăn kể trên với khả năng đẩy lùi biến chứng thần kinh do tiểu đường. Cụ thể, sau nhiều năm kiên trì với lối sống được khuyến nghị, 17 bệnh nhân không còn cảm giác đau đớn, tê buốt, ngứa ran. Chỉ số đường huyết của họ cũng dần ổn định và nhu cầu tiêm insulin giảm đi một nửa.  Đặc biệt, có 5 bệnh nhân không chỉ giảm biến chứng thần kinh mà chỉ số đường huyết của họ cũng trở về mức bình thường, tức không cần điều trị với thuốc nữa. Tình trạng cao huyết áp và mỡ trong máu cũng đều thay đổi tích cực.

Theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân có thể do chế độ ăn từ thực vật cải thiện lưu thông máu trong cơ thể, nhờ đó đảo ngược tình trạng tổn thương các mạch máu thần kinh. Ngoài ra, thực phẩm có nguồn gốc thực vật còn giúp cơ thể loại bỏ dần chất béo chuyển hóa vốn gây ra phản ứng viêm, đồng thời kéo giảm nồng độ IGF-1 (yếu tố tăng trưởng giống insulin) trong mắt, qua đó ngăn ngừa tổn thương võng mạc – cũng là một biến chứng thần kinh ở bệnh nhân tiểu đường.

ĐƯỜNG THẤT (Theo Max Planck Institute)

Chia sẻ bài viết