02/07/2008 - 08:01

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6:

Kiềm chế lạm phát vẫn là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội

* Chỉ số lạm phát đã có xu hướng giảm

Ngày 1-7, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Chính phủ tập trung thảo luận các giải pháp thực hiện mục tiêu: kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững trong các tháng cuối năm 2008.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù nền kinh tế nước ta gặp rất nhiều khó khăn và chịu tác động trực tiếp về biến động bất lợi của nền kinh tế thế giới, nhất là giá dầu, 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng GDP của nước ta đạt 6,5%; tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 16,5%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đạt 4,5%; kim ngạch xuất khẩu đạt 29,7 tỉ USD, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 265,4 nghìn tỉ đồng (VND); đầu tư xã hội so với GDP đạt 42%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới và tăng thêm (FDI) đạt 31,6 tỉ USD; thu ngân sách nhà nước đạt 195,8 nghìn tỉ đồng, đạt 60,6% so với dự toán...

Kết quả trên cho thấy, 6 tháng đầu năm, sản xuất nông nghiệp vượt qua nhiều khó khăn, đạt được kết quả tốt, nhất là được mùa lúa vụ đông- xuân, với sản lượng thóc đạt trên 18 triệu tấn, tăng 1 triệu tấn so với vụ trước. Kim ngạch xuất khẩu đạt cao, trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỉ USD, bước đầu thu hẹp nhập siêu. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng cao cả số vốn thực hiện và vốn đăng ký cấp mới, thể hiện môi trường đầu tư ở nước ta tiếp tục hấp dẫn, các nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào tương lai đầu tư trung và dài hạn của Việt Nam. Thu ngân sách nhà nước tăng cao, bảo đảm nhu cầu chi, nhất là bảo đảm cấp đủ kinh phí thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Chỉ số lạm phát đã có xu hướng giảm, với chỉ số giá tháng 6 chỉ tăng 2,14%- mức thấp nhất trong 6 tháng qua. Lĩnh vực văn hóa, thông tin tiếp tục phát triển. Giáo dục và đào tạo có chuyển biến tích cực. Chính trị, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững.

Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm, kinh tế- xã hội nước ta gặp phải nhiều khó khăn, hạn chế. Trước hết, tăng trưởng kinh tế tăng chậm lại (quý II, tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,85%). Đáng chú ý là tỷ lệ nhập siêu vẫn ở mức cao: gần 14,8 tỉ USD, bằng 49,8% kim ngạch xuất khẩu trong khi thị trường tiền tệ còn diễn biến phức tạp, thị trường chứng khoán chưa ổn định, giá cả tiếp tục tăng ở mức cao. Khối lượng thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ đều chậm so với tiến độ đề ra. Các ngành sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn do giá nguyên vật liệu tăng cao, lãi suất ngân hàng cho vay tăng cao...

Các thành viên Chính phủ và lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội và UBND thành phố Hồ Chí Minh thảo luận các giải phát nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững; trong đó xác định kiềm chế lạm pháp vẫn là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu trong phát triển kinh tế- xã hội. Các ý kiến phát biểu cho rằng, để thực hiện tốt Nghị quyết 02/2008/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2008, Nghị quyết số 10/2008/NQ-CP về các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững, Quyết định số 390/2008-QĐ-TTg về việc điều hành kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản và chi tiêu ngân sách năm 2008, từ Trung ương đến các địa phương cần phải tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ nhưng linh hoạt trong điều hành để vừa góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Điều hành tỷ giá linh hoạt theo đúng cung cầu của thị trường để khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập siêu; đồng thời chống tình trạng đầu cơ và lũng đoạn thị trường ngoại tệ trong hệ thống các tổ chức tín dụng cũng như trên thị trường tự do. Thực hiện chính sách tài khóa theo hướng tiết kiệm chi tiêu thường xuyên, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước; đồng thời với tăng các nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Các Bộ, ngành, địa phương cần kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; giải quyết có hiệu quả một số vấn đề xã hội bức xúc và đẩy mạnh hoạt động xóa đói giảm nghèo. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đầy đủ, chính xác, kịp thời tình hình kinh tế vĩ mô của đất nước và công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương tới người dân, các doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế để có những nhìn nhận đúng đắn về tình hình kinh tế- xã hội Việt Nam, tránh gây ra các dư luận và tin đồn thất thiệt, gây tâm lý hoang mang cho nhân dân...

Hôm nay 2-7, phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6 tiếp tục thảo luận các giải pháp để thực hiện mục tiêu kinh tế- xã hội 6 tháng cuối năm và cả năm 2008.

QUANG LIÊN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết