04/05/2012 - 21:40

Khu kinh tế ven biển - mô hình đột phá phát triển kinh tế vùng

Khu kinh tế (KKT) ven biển được Đảng và Nhà nước ta xác định là mô hình phát triển mới có tính đột phá cho phát triển kinh tế vùng, hỗ trợ những vùng, lãnh thổ có điều kiện khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế và chính trị để phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Đồng thời huy động tối đa nguồn nội lực, tìm kiếm và áp dụng những thể chế và chính sách kinh tế mới để chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, kết hợp phát triển kinh tế với giữ vững an ninh, quốc phòng.

* Những kết quả đạt được

Kể từ khi KKT ven biển đầu tiên là KKT Chu Lai được thành lập vào năm 2003, đến nay cả nước đã có 15 KKT có tổng diện tích mặt đất và mặt biển 662.249ha. Bao gồm 2 KKT thuộc đồng bằng sông Hồng là Vân Đồn-Quảng Ninh và Đình Vũ-Cát Hải thuộc Hải Phòng; 10 KKT ở vùng Duyên hải miền Trung là Nghi Sơn-Thanh Hóa, Đông Nam Nghệ An, Vũng Áng-Hà Tĩnh, Hòn La-Quảng Bình, Chân Mây-Lăng Cô thuộc Thừa Thiên-Huế, Chu Lai-Quảng Nam, Dung Quất-Quảng Ngãi, Nhơn Hội-Bình Định, Vân Phong-Khánh Hòa, Nam Phú Yên; 3 KKT ở miền Nam là Phú Quốc và cụm đảo Nam An Thới-Kiên Giang, Định An-Trà Vinh và Năm Căn-Cà Mau. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung thêm 3 KKT vào Quy hoạch phát triển các KKT ven biển Việt Nam đến năm 2020, đó là KKT Đông Nam Quảng Trị, KKT ven biển Thái Bình và KKT Ninh Cơ-Nam Định.

Hiện có 9 KKT ven biển đã cơ bản hoàn thành công tác quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết các phân khu chức năng, đồng thời cũng đang tiến hành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật-xã hội, xây dựng các khu tái định cư. Còn các KKT khác trong giai đoạn xây dựng quy hoạch, chuẩn bị và hoàn thiện bộ máy nhân sự, các điều kiện tiền đề cho việc lập dự án và vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, triển khai công tác đền bù giải phóng mặt bằng các khu chức năng.

Kiên Giang là tỉnh có điều kiện phát triển mô hình khu kinh tế ven biển. Ảnh: P.S.LỘC. 

Riêng trong năm 2010, đã có 32 dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trong KKT đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 15.600 tỉ đồng, trong đó vốn đầu tư nước ngoài chiếm hơn 75%. Với môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thuận lợi, các KKT ngày càng tạo giá trị sản xuất công nghiệp lớn hơn, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển của địa phương và đất nước. Chỉ tính đến hết tháng 12-2010, các KKT cả nước đã thu hút được gần 700 dự án trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư gần 33 tỉ USD và 330.000 tỉ đồng.

Các KKT nhờ có không gian kinh tế rộng lớn, với nhiều doanh nghiệp sản xuất đã tạo ra kênh rất hiệu quả thu hút cả lao động tại chỗ và lao động nhập cư, với khoảng 27.000 lao động. Một số KKT đã hình thành khu nghỉ dưỡng, du lịch. Về lâu dài, các khu này sẽ trở thành đô thị với cư dân có trình độ cao làm việc trong KKT.

Đặc biệt, các KKT ven biển nhờ có những chính sách ưu đãi và điều kiện thuận lợi hơn về hạ tầng kinh tế-kỹ thuật nên đã thu hút được các dự án có quy mô lớn, có tính trọng điểm để phát triển các ngành công nghiệp đang là thế mạnh của đất nước. Điển hình như Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Nhà máy thép Doosan, Khu liên hợp thép Vũng Áng, Cảng nước sâu Vân Phong, Nhà máy nhiệt điện tại KKT Vũng Áng... Các KKT ven biển còn có lợi thế về cảng biển nước sâu, với vị trí thuận lợi tạo điều kiện cho việc giao thương quốc tế qua đường biển, đã và đang góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế biển của Việt Nam, đưa nền kinh tế nước ta hội nhập sâu với thế giới.

* Giải pháp phát triển

Theo phân tích của Thạc sĩ Trần Duy Đông, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT - Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Nhằm đẩy mạnh hơn nữa vai trò của các KKT trong sự nghiệp phát triển đất nước, cũng như phát huy được lợi thế tiềm năng phát triển các KKT, trước hết cơ chế, chính sách áp dụng cho phát triển các KKT ven biển phải được xây dựng nhất quán, chính sách ưu đãi đặc thù riêng và có tầm nhìn lâu dài, có tính đột phá để kích thích thu hút đầu tư. Cần tạo lập mối quan hệ liên kết, tương hỗ trong quá trình hoạt động của các KKT, nhằm chia sẻ vị trí địa lý và các điều kiện thuận lợi về hạ tầng giao thông và sự nghiệp để cùng phát triển.

Bên cạnh việc chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ trong Ban Quản lý các KKT có chuyên môn chuyên sâu để quản lý tốt các tài nguyên trong KKT, cũng cần quy hoạch nguồn nhân lực gắn với ngành nghề thu hút đầu tư, gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội đồng bộ để tạo sự hấp dẫn lao động có tay nghề cao và chuyên gia trong và ngoài nước đến làm việc.

Theo kế hoạch, đến năm 2015 các KKT ven biển sẽ thu hút được từ 1.000-1.200 dự án, trong đó có 450-500 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 45-47 tỉ USD và 250-270 tỉ đồng, đóng góp khoảng 10% vào tổng GDP của cả nước, tạo việc làm cho 300-500 nghìn lao động. Để mục tiêu này trở thành hiện thực, trong thời gian tới cần tập trung nguồn lực xây dựng các tuyến giao thông ven biển nối liền các KKT làm cơ sở để tạo sự kết nối, tương hỗ lẫn nhau giữa các KKT.

Mặt khác nghiên cứu điều chỉnh hoạt động của các KKT gắn với chuyên môn hóa một số ngành nghề, lĩnh vực là lợi thế so sánh của từng khu, song song với việc ban hành cơ chế chính sách đặc thù để tạo bước đột phá phát triển. Trước mắt, lựa chọn 1-2 KKT có đủ điều kiện và khả năng tạo sức phát triển lan tỏa mạnh để thực hiện thí điểm.

Giải pháp cần thiết nữa là huy động tổng hợp các nguồn vốn ODA, FDI, ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ để tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, quan trọng trong các KKT, làm tiền đề cho việc hình thành cơ bản các khu chức năng thu hút các nhà đầu tư khác. Nghiên cứu đề xuất bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về KKT cả ở cấp Trung ương và địa phương, phù hợp với thực trạng và khả năng phát triển của các KKT. Đồng thời xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia cho các KKT ven biển Việt Nam tại nước ngoài vào thời điểm thích hợp, trước mắt có thể xây dựng trang Web chung cho các KKT để quảng bá thương hiệu KKT ven biển Việt Nam...

VĂN HÀO (TTXVN)

Chia sẻ bài viết