10/07/2017 - 08:51

Không "bần cùng" vẫn làm "đạo tặc"!

Làng giải trí Việt nhiều năm qua vẫn đau đầu chuyện "đạo nhạc", "đạo phim", vi phạm bản quyền… mà chưa có giải pháp căn cơ. Chuyện "đạo" trong nghệ thuật là câu chuyện buồn, khiến những người làm nghề chân chính ngao ngán vì những đứa con tinh thần bị đánh cắp.

Tác phẩm "Đà Nẵng tôi yêu" của nhạc sĩ Quỳnh Hợp không giới thiệu tác giả phần lời và bản phối nhạc. Ảnh: HÀ NHẬT QUỲNH

Phim "Xóm trọ 3D" mới vừa ra rạp hơn tuần qua là điển hình. Bộ phim có sức hút này nhanh chóng bị khán giả dùng điện thoại quay lại và tung lên mạng Youtube. Rất may nhà sản xuất đã phát hiện sớm và thông tin Youtube kịp thời khóa đoạn clip, nếu không sẽ ảnh hưởng doanh thu. "Mọi người ơi để làm ra một tác phẩm cả 100 con người phải vắt kiệt sức lực, đổ mồ hôi thậm chí cả máu và nước mắt!!! Sao bạn lại có thể cướp công sức của bao nhiêu con người bằng hành động quay lén như vậy?"- nghệ sĩ Hồng Vân, nhà đầu tư phim "khóc" trên trang cá nhân. Trước "Xóm trọ 3D", nhiều phim điện ảnh hút khách khác như "Lô tô", "Em chưa 18", "Tấm Cám, chuyện chưa kể"… cũng bị khán giả livestream (truyền hình trực tiếp trên facebook).

Tình trạng vi phạm bản quyền, "đạo" các loại hình nghệ thuật dường như ngày càng phổ biến. Tối 5-7 vừa qua, N.L, một nghệ sĩ trẻ ở Bạc Liêu, đã lên tiếng phản đối một kênh truyền hình uy tín bậc nhất cả nước khi giới thiệu về Bạc Liêu đã lấy hình ảnh quay trên không của đồng nghiệp anh để minh họa. Hay trước đó, nhạc sĩ Quỳnh Hợp (TP Hồ Chí Minh) cũng nhiều lần phản đối việc ban tổ chức, đài truyền hình tổ chức các sự kiện lớn lại "mập mờ" thông tin. Gần nhất, tại đêm chung kết Lễ hội Pháo hoa quốc tế vào tối 24-6, ban tổ chức sử dụng ca khúc "Đà Nẵng tôi yêu" được nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ nhạc từ bài thơ của ông Nguyễn Bá Thanh nhưng không đề tên tác giả lời thơ; ban tổ chức cũng không xin phép nhạc sĩ sử dụng bài hát; ca sĩ thể hiện dùng nguyên bản phối nhạc của nhạc sĩ Quỳnh Hợp để biểu diễn mà không xin phép. Gần và "nóng" nhất là chuyện tác phẩm tranh "Biển chết" của họa sĩ Nguyễn Nhân (Trà Vinh). Những tình tiết, đúng sai chưa bàn đến nhưng chuyện ông vi phạm bản quyền là có thật bởi chỉ cần nhìn tranh và ảnh trên một tờ báo, người không chuyên cũng thấy giống đến trên 90%. Chính ông cũng đã thừa nhận đã "phóng tác" từ ảnh chụp.

Thật khó mà kể hàng chục vụ vi phạm bản quyền xảy ra gần đây, tuy chưa nghiêm trọng song cho thấy sự coi thường pháp luật, coi thường đồng nghiệp và công chúng của một bộ phận thiếu ý thức. Điều đáng buồn là hầu như những vụ vi phạm này đều chưa xử lý đến nơi đến chốn; còn nạn nhân phải mất công, mất của đi tìm công bằng. Thành ra, nhiều người biết mà không nói ra, thậm chí cảm thấy bất lực đành "sống chung với lũ" bởi chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực này còn khá nhẹ. Từ đó, nhiều người đáng lẽ chỉ cần một cuộc điện thoại là đã sử dụng tác phẩm hợp pháp nhưng họ không làm- đúng kiểu không "bần cùng" mà vẫn thích làm "đạo tặc"! Tình trạng này còn cho thấy ý thức công dân và ý thức nghệ thuật của nhiều người còn kém, làm nản lòng những người làm nghề chân chính.

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết