Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện có 50% các đại học, học viện, trường đại học tổ chức cuộc thi về khởi nghiệp cấp trường hằng năm, nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong học sinh (HS), sinh viên (SV). Hằng năm, mỗi trường đại học, học viện có khoảng từ 10-20 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của HS, SV tham dự các cuộc thi. Các hoạt động khởi nghiệp góp phần giáo dục kỹ năng, kiến thức căn bản về khởi nghiệp, giúp HS, SV nắm bắt cơ hội khởi nghiệp, tạo ra việc làm cho chính mình và cho nhiều người khác.

Nhóm SV Trường Đại học Cần Thơ với các sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo trong một ngày hội thanh niên.
Huỳnh Văn Mến, SV ngành Tài chính - Ngân hàng (Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ), đã tham gia 4 cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp, trong đó có cuộc thi “SV kinh doanh số”, do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức vào cuối năm 2024, tại Hà Nội. Tại cuộc thi này, Mến trình bày dự án kinh doanh sản phẩm khởi nghiệp thông qua nền tảng trực tuyến. Mến chia sẻ: “Kinh doanh trực tuyến đang là xu thế và chắc chắn còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Trong khi nhiều người tạo ra sản phẩm, em muốn lập một dự án kết nối tiêu thụ sản phẩm”. Dù chỉ là ý tưởng, nhưng qua cuộc thi, Mến được các chuyên gia tư vấn, gợi ý về phương pháp lập kế hoạch kinh doanh, khai thác các tiện ích từ các sàn thương mại điện tử, cách kết nối và tìm hiểu thị trường để xây dựng kênh bán hàng trực tuyến hiệu quả. “Cuộc thi là trải nghiệm bổ ích để em có kiến thức thực tế và kỹ năng mềm làm hành trang trong quá trình khởi nghiệp trong tương lai”, Mến bày tỏ.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Viện, Phó Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế - Phát triển chiến lược, Bí thư Đoàn trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, trường đã đưa học phần “Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp” vào chương trình đào tạo các ngành. Ngoài ra, hằng năm, trường tổ chức cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”. Theo đó, trường phân công giảng viên hướng dẫn SV viết ý tưởng, dự án và kỹ năng thuyết minh để tham gia tốt cuộc thi. Đối với các dự án có tính khả thi, trường tạo điều kiện hoặc kết nối các tổ chức, doanh nghiệp để hỗ trợ phát triển thành dự án kinh doanh.
Nhằm hỗ trợ HS, SV, Trường Đại học Cần Thơ đã thành lập Trung tâm tư vấn - hỗ trợ SV. Đây là đầu mối tập trung, liên kết, phối hợp, hỗ trợ với các đơn vị tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho HS, SV; tổ chức hoạt động đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn về kỹ năng sống, kỹ năng mềm và các hoạt động: hội chợ việc làm, giao lưu, hội thảo, hội nghị liên quan đến khởi nghiệp. Hằng năm, trường cũng tổ chức cuộc thi “Dự án khởi nghiệp tiềm năng - CTU Startup mở rộng” (đối tượng dự thi bao gồm SV các trường đại học, cao đẳng ở khu vực ĐBSCL). Qua đó, tạo môi trường thuận lợi để HS, SV hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho HS, SV sau khi tốt nghiệp.
Các trường Đại học Tây Đô, Đại học Nam Cần Thơ cũng triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ SV tham gia các cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp, nghiên cứu khoa học, cùng với việc thành lập nhiều câu lạc bộ học thuật và kỹ năng mềm, tạo môi trường giúp SV học tập và rèn luyện. Điển hình như Đoàn trường Đại học Tây Đô, với các mô hình: “Ngày hội tư vấn hướng nghiệp”, “Ngày hội tuyển dụng thực tập viên tiềm năng”, “Ngày hội việc làm”. Trong khi đó, Đoàn trường Đại học Nam Cần Thơ thành lập Câu lạc bộ “Khởi nghiệp DNC” với các nhiệm vụ tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp, khởi nghiệp HS, SV, đồng thời thường xuyên phối hợp tư vấn và giới thiệu việc làm cho SV sau khi tốt nghiệp.
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thực hiện Đề án “Hỗ trợ HS, SV khởi nghiệp đến năm 2025” của Thủ tướng Chính phủ, đến cuối năm 2024, đã có 60% các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thành lập câu lạc bộ khởi nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên dựa trên thế mạnh của các cơ sở đào tạo; có 110 cơ sở đào tạo đã bố trí không gian chung hỗ trợ khởi nghiệp dành cho HS, SV, tăng 20 cơ sở đào tạo so với năm 2023; có khoảng 50 cơ sở đào tạo đã thành lập trung tâm hỗ trợ SV khởi nghiệp, tăng 5 cơ sở đào tạo so với năm 2023. Đã có 10 cơ sở đào tạo đã thành lập Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp cho SV, trong đó đa phần là để hỗ trợ các hoạt động ươm tạo, sản xuất thử nghiệm.
Các cuộc thi, hoạt động giáo dục khởi nghiệp không chỉ mang lại cơ hội để HS, SV thể hiện đam mê, hiểu biết, tinh thần khởi nghiệp mà còn giúp các dự án khởi nghiệp của HS, SV tiếp cận cơ hội đầu tư, cùng những kiến thức thực tế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản trong hoạt động khởi nghiệp của HS, SV như số lượng dự án khởi nghiệp được kết nối, hỗ trợ triển khai vào thực tế còn khiêm tốn; hoạt động ươm tạo, nhất là các dự án về công nghệ cần nguồn vốn lớn, vượt quá khả năng của HS, SV. Các hoạt động giáo dục từng lúc, từng nơi chỉ dừng lại ở mức truyền cảm hứng, chưa gắn với nhu cầu bức thiết của HS, SV. Đây là những “nút thắt” cần được tháo gỡ kịp thời để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong trường học ngày càng thực chất, hiệu quả.
Bài, ảnh: QUỐC THÁI