29/03/2017 - 20:28

Khóc cười cùng “Dạ cổ hoài lang”

Được chuyển thể từ vở kịch nổi tiếng cùng tên, bộ phim "Dạ cổ hoài lang" của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả từ khi quay cho đến lúc ra rạp. Giữ nguyên tinh thần của vở kịch và thêm một số chi tiết mới, phim mang đến nhiều cảm xúc cho người.

Phim đang chiếu tại các cụm rạp của Lotte Cinema và CGV tại Cần Thơ.

Ông Tư Lành (Hoài Linh) và ông Năm Triều (Chí Tài) co ro trong giá rét nơi xứ người. 

Năm 1994, dựa vào bản cổ nhạc nổi tiếng của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, tác giả Thanh Hoàng viết vở kịch "Dạ cổ hoài lang" về cuộc sống nơi đất khách quê người của hai cụ già người Việt định cư tại Mỹ. 23 năm qua, với hàng nghìn suất diễn trong- ngoài nước được sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả, vở kịch trở thành kinh điển. Do đó, việc đưa "Dạ cổ hoài lang" lên màn ảnh rộng không tránh khỏi sự kỳ vọng, quan tâm và so sánh giữa kịch và phim. Phim ra rạp, khán giả đồng tình với nhận xét: Đạo diễn và ê kíp sản xuất đã nỗ lực bảo tồn vẹn nguyên giá trị của nguyên tác, vừa có sự sáng tạo hợp lý cho phiên bản điện ảnh của "Dạ cổ hoài lang".

Bối cảnh phim diễn ra tại thành phố New York (Mỹ) mùa đông lạnh giá năm 1995. Sau khi vợ mất, ông Tư Lành (Hoài Linh) sang Mỹ sống cùng con cháu. Sự bận rộn của con cháu và cuộc sống xa lạ nơi đất khách quê người khiến ông cô đơn, lạc lõng. Ông chỉ tìm thấy niềm an ủi khi trò chuyện, tâm sự cùng người bạn thân cũng đang sống ở Mỹ là ông Năm Triều (Chí Tài). Vào ngày giỗ của vợ, ông Tư Lành trốn khỏi Viện dưỡng lão để về nhà nhưng xảy ra những mâu thuẫn, xung đột với cháu gái Tammy (Trish Le). Sự xa cách giữa hai ông cháu vì khác biệt về suy nghĩ, nếp sống, văn hóa đã trở nên rạn nứt trầm trọng. Đỉnh điểm của bi kịch là ông Tư rời khỏi nhà, trút hơi thở cuối cùng bên người bạn già giữa tuyết trắng nơi xứ người, khi vẫn đau đáu ước mơ được một lần trở về quê nhà.

Có thể nói, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã xử lý tác phẩm một cách chỉn chu và tinh tế. Hai vấn đề chính của câu chuyện là nỗi nhớ quê khắc khoải và xung đột văn hóa giữa các thế hệ, được truyền tải trọn vẹn. Sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ giữa ông Tư Lành và cháu gái tạo ra những tình huống trớ trêu khiến khán giả lúc cười, lúc khóc. Hình ảnh ông Tư co ro trong tuyết lạnh trốn viện về nhà, cảnh hai ông già chấp nhận ngồi đợi trong giá rét chỉ để mong nhìn thấy chữ S trên một tòa nhà hay những câu hát mang nặng nỗi nhớ quê hương của ông Tư... như những nhát dao cứa vào lòng người xem đầy xót xa.

Điểm mới của phim chính là những phân cảnh quá khứ của Tư Lành, Năm Triều và Út Trong (vợ ông Tư Lành) từ thời thơ ấu đến lúc trưởng thành được tái hiện sinh động, càng tô đậm tình bạn, tình yêu và nỗi nhớ quê của họ. Hình ảnh làng quê Nam bộ tươi sáng, đẹp đến nao lòng đối lập với màu tuyết trắng lạnh lùng, u buồn nơi đất khách càng làm nổi bật tâm tư của ông Tư Lành. Âm nhạc trong phim, với bản "Dạ cổ hoài lang" nguyên bản và những khúc hòa âm hiện đại, đều đẩy cảm xúc của người xem hòa cùng tâm trạng của nhân vật.

Bên cạnh diễn xuất xuất thần NSƯT Hoài Linh và Chí Tài, các diễn viên trẻ như Đình Hiếu, Will, Oanh Kiều, Trish Le đều tròn vai. Để rồi khi rời khỏi rạp, những câu hát của "Dạ cổ hoài lang" và tâm tình của nhân vật in dấu đậm nét trong lòng khán giả.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết