CÁT ÐẰNG - LỆ THU
Tuy thầm lặng, nhưng sáng tạo khoa học luôn là một trong những hoạt động then chốt trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19. Tại TP Cần Thơ, những đóng góp của các nhà khoa học, cùng những hoạt động nghiên cứu lan tỏa trong xã hội, minh chứng cho trí tuệ và trách nhiệm cộng đồng của hoạt động khoa học công nghệ.
Góp sức trẻ vào Sách vàng Sáng tạo Việt Nam
Thạc sĩ Hồ Quốc Hùng, 34 tuổi, Trưởng Phòng Thí nghiệm cơ khí tự động hóa vật liệu mới, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ (ƯDTBKH&CN) TP Cần Thơ có những công trình nghiên cứu, giải pháp sáng tạo ứng dụng cao và đạt nhiều giải thưởng. Từ năm 2020 đến nay, anh liên tiếp có những nghiên cứu phục vụ phòng, chống dịch COVID-19. Cuối năm 2021, anh được tôn vinh trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam.
Anh Hồ Quốc Hùng thuyết trình về công nghệ “Tích hợp công nghệ trao đổi electron nâng cao ORP vào hệ thống nước RO”.
Giải pháp hữu ích
Khi TP Cần Thơ thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, Trung tâm UDTBKH&CN TP Cần Thơ đề xuất thực hiện chế tạo buồng lấy mẫu để phục vụ công tác lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng, hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo. Ðề xuất được UBND thành phố phê duyệt và đặt hàng 10 buồng lấy mẫu. Dựa trên mẫu buồng được chuyển giao công nghệ, anh Hồ Quốc Hùng cùng các cộng sự nghiên cứu, cải tiến để tạo sản phẩm tối ưu nhất.
Buồng lấy mẫu áp dụng công nghệ tự động hóa thay vì bán tự động như các buồng khác trên thị trường. Buồng được trang bị hệ thống đèn tia cực tím + ION Âm kết hợp màng bọc HEPA để khử khuẩn và làm sạch không khí bên trong; hệ thống phun dung dịch sát khuẩn dạng hơi sương phía bên ngoài xung quanh, giúp loại bỏ vi khuẩn trên bề mặt các vật liệu và vi khuẩn trong không khí tại vị trí lấy mẫu. Buồng cũng có hệ thống điều hòa nhiệt độ, chiếu sáng, quạt và các ổ điện để cải thiện môi trường làm việc cho nhân viên lấy mẫu. Kích thước buồng nhỏ gọn, tiết kiệm công sức và nguyên liệu vật tư trong chế tạo, thuận lợi di chuyển. 10 buồng lấy mẫu đầu tiên ra đời, được kiểm định đạt chất lượng theo tiêu chuẩn an toàn sinh học NSF49-2018, bàn giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ phục vụ việc lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 của thành phố.
Anh Hùng còn nghiên cứu, chế tạo thành công dung dịch sát khuẩn Anolyte Master Hồ 500ppm, được Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Ðo lường Chất lượng Cần Thơ thử nghiệm và công nhận đạt chỉ tiêu chất lượng theo tiêu chuẩn EN 1276 về chất khử trùng và sát trùng hóa học theo tiêu chuẩn châu Âu. Dung dịch được ứng dụng trong công tác phòng, chống dịch, như phun khử khuẩn phòng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, thay thế cho hóa chất diệt khuẩn đang dùng.
Trước đó, năm 2020, anh Hùng chế tạo máy rửa tay tự động sát khuẩn bằng dung dịch cồn. Ban đầu, các chức năng của máy tương đối đơn giản, chỉ cảm biến phun xịt cồn tự động. Sau đó, anh có những cải tiến: mẫu mã bắt mắt hơn, cảm biến không bị nhiễu dưới ánh sáng ngoài trời, phát ra tiếng “Xin cảm ơn!”... Trung tâm đã sản xuất và cung ứng theo đơn đặt hàng gần 70 máy, đặt ở các trạm y tế, trường học, cơ quan, đơn vị.
Anh cũng là thành viên trong nhóm thực hiện đề tài cấp Bộ: “Nghiên cứu chế tạo hệ thống phát hiện nhanh để sàng lọc chủng virus corona mới 2019 (2019-nCoV)”. Bộ KIT test COVID-19 đã có những đóng góp quan trọng cùng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh trong việc thử nghiệm, phát hiện người nhiễm COVID-19 tại phía Nam. Ðây là bộ KIT test COVID-19 sản xuất tại Việt Nam đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép.
Nghiên cứu gắn liền với thực tiễn
Anh Hồ Quốc Hùng luôn đặt mục tiêu nghiên cứu phải gắn liền với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu thực tế, đơn giản, dễ sử dụng và hiệu quả cao. Những công trình, sản phẩm của anh đều được ngành chức năng công nhận là sáng kiến, giải pháp hữu hiệu và được chuyển giao công nghệ, ứng dụng rộng rãi trong đời sống. Tiêu biểu như: “Cải tiến máy rửa rau quả oxy hóa sâu bằng phương pháp tích hợp thêm buồng phản ứng”, “Tích hợp công nghệ từ trường và công nghệ lọc cải tiến hệ thống xử lý nước cấp, nước uống”, “Mô hình nước tưới nông nghiệp”, “Mô hình xử lý nước thải bằng công nghệ oxy hóa sâu”, “Giải pháp xử lý mùi trong sản xuất, chăn nuôi”, “Tích hợp công nghệ trao đổi electron nâng cao ORP vào hệ thống nước RO”…
Anh Hồ Quốc Hùng với buồng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 do anh và các cộng sự chế tạo.
Trong đó, giải pháp “Tích hợp công nghệ trao đổi electron nâng cao ORP vào hệ thống nước RO” vừa đạt giải Nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật TP Cần Thơ lần thứ 11 năm 2020-2021 và được tham gia cuộc thi cấp toàn quốc. Anh Hùng chia sẻ: “Biến đổi khí hậu ngày càng thể hiện rõ, đặc biệt là hiện tượng xâm nhập mặn đe dọa nguồn nước sạch, nên nhu cầu nước sạch là vô cùng cấp thiết. Giải pháp này phù hợp với nhiều nguồn nước khác nhau bằng công nghệ chế tạo hoàn toàn tại Việt Nam”. Giải pháp kết hợp công nghệ lọc nước RO hiện đã được phổ biến trên thị trường, tích hợp thêm hệ thống trao đổi electron nâng cao ORP- (kháng oxy hóa). Sử dụng rất ít điện năng, chi phí đầu tư thấp nhưng mang lại lợi ích về kinh tế và sức khỏe cao. Bởi khi sử dụng công nghệ thẩm thấu ngược với nhiều lớp màng lọc, nguồn nước uống được đảm bảo đến 99% độ an toàn, giúp làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh liên quan đến đường ruột, trực tràng, bàng quang, ung thư... Nước thải của máy có thể được tái sử dụng để tưới cây. Hiện nay, công nghệ này đã được chuyển giao ứng dụng tại nhiều công ty, đơn vị ở Cần Thơ, Bình Dương, Ðắk Lắk, Ðồng Tháp, Hà Nội, Vũng Tàu…
Một sáng tạo ấn tượng khác là “Thiết bị tạo nước ion nông nghiệp” của anh Hồ Quốc Hùng cùng đồng nghiệp được vinh danh trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2021. Thiết bị này ứng dụng công nghệ cơ lượng tử vào nước tưới nông nghiệp giúp cải tạo nguồn nước tưới đang bị nhiễm mặn, cây trồng hấp thụ dưỡng chất trong đất và phân bón tốt hơn. Mô hình này giúp cải thiện nguồn nước tưới cho nông dân ở các vùng đất bị nhiễm phèn, nhiễm mặn như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau... và một số vùng tại TP Cần Thơ hiện nay. Ðây cũng là giải pháp đạt giải Nhì hội thi Sáng tạo Kỹ thuật TP Cần Thơ lần thứ 10 năm 2018-2019.
* * *
Là một trong những nhà khoa học, trí thức tiêu biểu được thành phố vinh danh, khen thưởng năm 2019 và 2021, anh Hồ Quốc Hùng luôn tâm niệm: nghiên cứu, thực hiện những giải pháp khả thi, hữu ích cho cộng đồng!l
Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng
Trong thời đại số, thầy giáo, sinh viên, công chức, viên chức... của Cần Thơ đã chung sức phòng, chống dịch COVID-19 bằng những sáng tạo hữu ích. Những sản phẩm khoa học ấy đã và đang được ứng dụng rộng rãi, mang lại những hiệu quả tích cực cho ngành Y tế, cho xã hội.
Máy tạo ion âm (CV19) diệt vi khuẩn
Nhà của chị Trần Lan Thanh ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều không chỉ sạch đẹp mà còn có không khí trong lành thư thái. Chị Thanh nói: “Ðược bạn bè giới thiệu máy tạo ion âm khử khuẩn trong không khí, tôi mua thử 1 cái về lắp đặt ở phòng con trai, thấy máy khử mùi rất tốt, không khí dễ chịu. Tôi mua thêm 1 máy lắp ở phòng khách hay bếp vì máy nhỏ gọn, dễ di dời. Trong tình hình dịch bệnh, có máy này khử khuẩn cũng yên tâm hơn”.
Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm (trái) hướng dẫn cách lắp đặt và sử dụng máy tạo ion âm diệt vi khuẩn cho đơn vị được chuyển giao. Ảnh: LỆ THU
Máy tạo ion âm, còn gọi là CV19, là sản phẩm do Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cần Thơ, GS.TS. Trần Văn Tín - Viện Khoa học phát triển tài năng Việt Nam, cùng các cộng sự nghiên cứu, phát triển. Ðiểm mới của CV19 là có công nghệ bảo vệ vi mạch, tạo ion âm liên tục với công suất 50 triệu ion âm/cm3/giây, có thể sử dụng 24/24 giờ. Máy nhỏ, gọn, tiện ích và được tích hợp trên máy tạo sức gió (quạt, máy lạnh, máy hơi nước…) để khuếch tán ion âm trong môi trường được xa, rộng hơn, diệt vi khuẩn virus trong không khí đến 99,99% (có giấy chứng nhận của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương kiểm nghiệm và cho kết quả vào ngày 23-8-2021). Sản phẩm này đạt giải Khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật TP Cần Thơ lần thứ 11 năm 2020-2021.
Theo Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm, ý tưởng có từ năm 2019, đến giữa năm 2020 nhóm hoàn thành nghiên cứu, thương mại hóa sản phẩm từ tháng 4-2021. CV19 hiện nay được sử dụng trong công tác phòng, chống dịch ở nhà riêng, công sở, trường học, bệnh viện, siêu thị, quán ăn... Với mục đích phục vụ cộng đồng là chủ yếu nên giá thành của máy là 600.000 đồng/máy. Tính đến tháng 11-2021 đã tiêu thụ được hơn 20.000 máy. Trong đó, hệ thống ngân hàng Sacombank khu vực Tây Nam Bộ sử dụng khoảng 4.000 máy. Còn có 51 phòng học của Trường Cao đẳng Cần Thơ được lắp hơn 200 máy. Nhóm nghiên cứu đã tặng hàng trăm quạt máy có tích hợp máy CV19 cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ, các bệnh viện, trung tâm y tế, khu cách ly… Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Ô Môn, cho biết: “Trong thời gian trung tâm thực hiện cách ly F1, nhận được 10 quạt máy có gắn máy tạo ion diệt vi khuẩn Trường Cao đẳng Cần Thơ tặng. Chúng tôi phân bổ về 10 phòng trong khu cách ly, góp phần ngăn chặn lây nhiễm chéo”.
Nhóm nghiên cứu vừa phát triển kiểu dáng mới CV192 kết hợp đa năng qua máy tính, ô tô và điện thoại di động qua cổng giao tiếp 5V DC để bảo vệ sức khỏe học sinh, sinh viên khi học tập; hoạt động họp, hội thảo, hội nghị... Hiện nhóm nghiên cứu đang đàm phán với Quỹ Môi trường toàn cầu GEF (Thụy Sĩ) tài trợ sản xuất phục vụ cộng đồng.
Rô-bốt, xe điều khiển phục vụ bệnh nhân
Tại các bệnh viện điều trị cho bệnh nhân COVID-19, mỗi lần vận chuyển vật tư y tế, đồ dùng sinh hoạt, rác thải... đều phải dùng đồ bảo hộ. Chi phí tốn kém, tiêu tốn sức người, nhiều nguy cơ lây nhiễm... Từ thực tế đó, xe điều khiển, rô-bốt chuyên chở vật tư y tế, đồ dùng sinh hoạt của bệnh nhân đã ra đời.
Tại Bệnh viện dã chiến đặt ở Trung tâm Y tế quận Bình Thủy, hiện có 2 xe điều khiển phục vụ bệnh nhân COVID-19 được sử dụng. Thiết kế xe ban đầu gồm 3 bánh xe (2 bánh chuyển động và 1 bánh điều hướng), khung chứa đồ và bộ điều khiển, vận chuyển vật có trọng lượng từ 15-20kg đến từng phòng bệnh nhân, qua bộ điều khiển cầm tay từ xa. Xe được chế tạo với chi phí chỉ khoảng 7 triệu đồng, là sáng tạo của anh Nguyễn Văn Thọ, nhân viên Phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ của Trung tâm Y tế quận Bình Thủy. Anh Thọ chia sẻ: “Sau khi xe thứ nhất hoạt động hiệu quả, đến xe thứ hai tôi đã cải tiến thành 4 bánh để dễ di chuyển hơn, nới rộng khung chứa đồ để tiết kiệm thời gian, công sức”.
Còn rô-bốt do Thạc sĩ Trần Hoài Tâm, Phó Trưởng Khoa Kỹ thuật cơ khí, Trường Ðại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ sáng chế, đã vận hành tại khu cách ly điều trị COVID-19 của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ. Rô-bốt được điều khiển theo 2 cách: qua remote hoặc qua điện thoại di động (thông qua thiết bị phát sóng wifi gắn trên rô-bốt). Qua camera gắn trên rô-bốt, người điều khiển sẽ chỉ dẫn rô-bốt đến đúng vị trí, hỗ trợ thầy thuốc giao tiếp với bệnh nhân.
Nhiều sản phẩm hữu ích
Thầy Trần Hoài Tâm không chỉ chế tạo rô-bốt, mà còn cùng các cộng sự chế tạo hệ thống đo thân nhiệt và sát khuẩn tay tự động. Hệ thống hoạt động dựa trên cảm biến khoảng cách, tự cảm ứng và điều chỉnh lên xuống phù hợp chiều cao người đo. Khi người đo tiếp xúc gần với máy, hệ thống cảm biến nhiệt độ tự động đo, hiển thị nhiệt độ; đồng thời tự động phun dung dịch sát khuẩn. Trường hợp nhiệt độ người đo bất thường (hơn 37,50C), máy sẽ báo bằng loa và đèn đỏ. Từ tháng 8-2020 đến nay, hệ thống này được sử dụng trong nhiều hoạt động của Trường Ðại học - Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ; được chuyển giao sử dụng tại bệnh viện, trường học, nhà sách, doanh nghiệp… tại TP Cần Thơ và một số địa phương khác trên cả nước.
Hệ thống đo thân nhiệt và sát khuẩn tay tự động do Trường Ðại học Kỹ thuật - Công nghệ chế tạo được sử dụng tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: CTV
Ðợt dịch COVID-19 năm 2020, nhóm nghiên cứu Khoa Công nghệ, Trường Ðại học Cần Thơ đã sáng tạo rô-bốt sát khuẩn phòng thí nghiệm bằng tia cực tím, xịt cồn sát khuẩn - đo thân nhiệt từ xa… Năm 2021, nhóm thực hiện Buồng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 được sử dụng trong công tác phòng, chống dịch ở thành phố. Còn tại Trường Ðại học Nam Cần Thơ, từ đầu năm 2020, cán bộ Viện Nghiên cứu và Phát triển Dược liệu, sinh viên ngành Dược đã sản xuất nước rửa tay sát khuẩn cấp phát miễn phí cho cán bộ, nhân viên, sinh viên; tặng cho các hoạt động cộng đồng. Dược sĩ Lê Thị Tố Vi, cán bộ Viện Nghiên cứu và Phát triển Dược liệu, chia sẻ: “Ngoài nước rửa tay sát khuẩn ở dạng khô, lỏng, chúng tôi còn chế tạo xà phòng sát khuẩn. Các nguyên liệu đảm bảo theo hướng dẫn của Bộ Y tế, bằng quy trình khép kín trong phòng thí nghiệm”.
Việc nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm khoa học phòng, chống dịch ngày càng lan tỏa mạnh mẽ ở các viện, trường, trung tâm… Trong đó, cán bộ, giáo viên, sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng đã phát huy năng lực, kiến thức, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, tạo ra những sản phẩm hữu ích cho cộng đồng, góp phần minh chứng cho hoạt động khoa học vị nhân sinh.l