09/10/2016 - 08:42

Khoa học và công nghệ - Động lực trong quá trình phát triển, hội nhập

Năm 2009, TP Cần Thơ được công nhận là đô thị loại I trực thuộc Trung ương (theo Quyết định 889/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), là đầu tàu thúc đẩy kinh tế vùng, trước hết là vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL. Với vai trò là "một cực phát triển và trung tâm vùng", thành phố có những chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế - xã hội. Thời gian qua, ngành Khoa học và Công nghệ (KH&CN) từng bước phát triển, cơ bản đáp ứng mục tiêu, trở thành động lực chính trong phát triển kinh tế -xã hội thành phố theo Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

* Nghiên cứu ứng dụng

Thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, TP Cần Thơ trở thành trung tâm đầu mối KH&CN vùng ĐBSCL theo tinh thần Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX), Sở KH&CN thành phố tham mưu UBND thành phố ban hành "Chương trình xây dựng và phát triển khoa học công nghệ TP Cần Thơ đến năm 2010 và tầm nhìn 2020". Chương trình hình thành để cụ thể hóa các định hướng phát triển về KH&CN của quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP Cần Thơ đến năm 2020, với mục tiêu đưa TP Cần Thơ trở thành trung tâm khoa học, công nghệ vùng ĐBSCL. Bà Nguyễn Ý Nguyện, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật TP Cần Thơ, nhận định: "Từ thực tiễn đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố, các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học giai đoạn 2004-2014 mang lại hiệu quả ứng dụng cao trong sản xuất, đời sống. Các kết quả nghiên cứu và triển khai ứng dụng KH&CN từng bước giúp nâng cao kỹ thuật trong sản xuất, giảm chi phí đầu tư, mang lại lợi nhuận cao. Nhiều đề tài, dự án nghiên cứu hướng đến sự phát triển cộng đồng bền vững, tạo bước chuyển biến trong quá trình phát triển và hội nhập của thành phố".

Cuối tháng 1-2016, Dự án "Ứng dụng kỹ thuật GIS trong quản lý phát triển nông nghiệp - nông thôn", do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ chủ trì báo cáo kết quả và được Hội đồng khoa học thành phố nghiệm thu. Với hệ thống WebGIS quản lý và truy xuất, cơ sở dữ liệu nông nghiệp của thành phố chia làm 7 phân hệ, để phục vụ công tác quản lý và cung cấp thông tin nông nghiệp và phát triển nông thôn của thành phố. Theo đó, cơ quan quản lý có thể dự báo và nắm bắt được thông tin, tình hình dịch bệnh để cảnh báo cho nông dân. Hệ thống còn cung cấp rộng rãi kiến thức về phòng trừ dịch hại trên lúa thông qua hệ thống dữ liệu, giúp nhà nông dễ dàng tiếp cận.

Sở KH&CN cùng các trung tâm, cơ quan quản lý KH&CN tại lễ Khai trương Phòng trưng bày công nghệ của TP Cần Thơ. 

Với đặc điểm vùng lương thực cả nước, những đề tài nghiên cứu về giống lúa mang lại những thành tựu to lớn cho nền kinh tế nông nghiệp như: Đề tài "Chọn tạo giống lúa năng suất chất lượng cao phục vụ sản xuất hàng hóa Cần Thơ", giúp chọn tạo các giống lúa mang tên Cần Thơ gồm: Cần Thơ 1 (OM 7347), Cần Thơ 2 và phục tráng 3 giống lúa: Jasmine 85 (dòng 1, 10 và 25), IR 64 và OM 4900; Đề tài "Nghiên cứu chọn giống và phát triển mạng lưới nhân giống lúa TP Cần Thơ" xây dựng vùng sản xuất hạt giống lúa cấp xác nhận, cung cấp 7 tấn lúa giống tác giả cho thành phố. Những dự án, đề tài giúp người dân tăng thu nhập như: Dự án "Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình lúa, tôm càng xanh tại xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai"; Dự án "Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu quy mô công nghiệp tại TP Cần Thơ". Bên cạnh đó, những nghiên cứu khoa học của thành phố chú trọng yếu tố bảo vệ môi trường như nghiên cứu "Ứng dụng công nghệ sinh học để chuyển hóa đạm và lân trong xử lý nước rỉ rác bằng chế phẩm vi sinh góp phần giảm ô nhiễm môi trường".

Theo Tiến sĩ Trần Thanh Bé, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, giai đoạn 2004-2014, thành phố đạt những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học ứng dụng, đặc biệt là việc khuyến khích ứng dụng KH&CN vào nông nghiệp đối với các địa bàn vùng ven thành phố, nhất là công nghệ sinh học, hướng đến nông nghiệp công nghệ cao, giá trị cao và bảo vệ môi trường bền vững.

* Khai thác hiệu quả tiềm lực KH&CN

Từ năm 2004 đến nay, cơ sở, vật chất kỹ thuật, hạ tầng KH&CN thành phố không ngừng được đầu tư, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố, từng bước nâng cao vai trò và vị thế trung tâm KH&CN vùng ĐBSCL. Bên cạnh đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức hoạt động KH&CN trên địa bàn thành phố ngày càng phát triển về số lượng và nhân lực. Đến năm 2013, thành phố có 72 tổ chức hoạt động KH&CN gồm: 5 trường đại học; viện nghiên cứu lúa; các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, các trung tâm…

Nhà khoa học, nhà sáng chế, doanh nghiệp tham quan sản phẩm công nghệ được trưng bày tại chợ công nghệ TP Cần Thơ.

Các tổ chức KH&CN hoạt động đa ngành trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ, y dược, nông nghiệp và xã hội. Theo ông Trần Giang Khuê, Phó Trưởng văn phòng phụ trách Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP Hồ Chí Minh, các tổ chức KH&CN này góp phần phát triển hoạt động nghiên cứu KH&CN của TP Cần Thơ và cả vùng ĐBSCL. Các chuyên gia, nhà khoa học có những đóng góp tích cực trong nghiên cứu, phản biện, giải quyết các vấn đề phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói riêng và vùng nói chung. Bên cạnh các nhà khoa học tham gia nghiên cứu tại các viện, trường, hiện thành phố có nhiều doanh nghiệp quan tâm tham gia nghiên cứu khoa học, đạt được những giải thưởng KH&CN cấp quốc gia, thành phố.

Giai đoạn 2004-2014, Sở KH&CN TP Cần Thơ tổ chức triển khai thực hiện 155 đề tài, dự án KH&CN cấp thành phố, với tổng kinh phí trên 73 tỉ đồng; trong đó có 139 đề tài, dự án được nghiệm thu thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, bảo vệ môi trường, ứng dụng công nghệ cao… Các nghiên cứu góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc trong sản xuất và đời sống, cải thiện đời sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và môi trường của thành phố theo hướng phát triển bền vững.

Những năm qua, việc đầu tư Dự án "Xây dựng trung tâm kỹ thuật và ứng dụng công nghệ vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ" đã mang lại hiệu quả ứng dụng công nghệ cao cho thành phố. Năm 2012, trung tâm được hoàn thành và đưa vào sử dụng đã hỗ trợ rất lớn trong việc đầu tư trang thiết bị chuyên dùng về kỹ thuật đo lường - chất lượng nhằm cung cấp dịch vụ KH&CN phục vụ công tác quản lý nhà nước, phục vụ đời sống xã hội và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và các tỉnh trong vùng. Hiện nay, qua khâu kiểm nghiệm tại trung tâm có thể đánh giá được chất lượng xăng dầu như: Xăng 83, xăng 92, xăng 95 cho các tỉnh ĐBSCL, không cần phải đến TP Hồ Chí Minh để kiểm nghiệm như trước kia, góp phần giảm chi phí, thời gian. Các phòng thí nghiệm của trung tâm là đơn vị đầu tiên của vùng ĐBSCL được công nhận hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025, liên tục được nâng cao năng lực chuyên sâu, được mở rộng và tái công nhận. Phạm vi hoạt động của trung tâm đã vươn đến một số tỉnh thuộc miền Trung, Tây Nguyên…

Để góp phần khẳng định vai trò quốc sách hàng đầu của khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngành KH&CN thành phố từng bước hoàn thiện hệ thống kết nối thông tin, phục vụ phát triển KH&CN trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt là kết nối các tổ chức KH&CN, các nhà khoa học Việt Nam với cộng đồng nghiên cứu phát triển trên thế giới. Ông Trần Ngọc Nguyên, Giám đốc Sở KH&CN TP Cần Thơ, cho biết: "Đến nay, TP Cần Thơ tham gia thành viên của Mạng nghiên cứu đào tạo Việt Nam - Mạng VinaREN, với đầy đủ các trang thiết bị phục vụ hội thảo truyền hình trực tiếp được lắp đặt tại Trung tâm thông tin KH&CN, có thể liên kết đến 8.000 viện, trường của Việt Nam và trên thế giới. Hiện tại, hệ thống mạng thông tin này có hơn 3 triệu tài liệu đa ngành nghề, đa lĩnh vực và hơn 50 triệu chuyên gia, nhà khoa học tin cậy sử dụng".

Bài, ảnh: Thảo Mộc

Chia sẻ bài viết