15/02/2020 - 21:01

Khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8% năm 2020

Theo kịch bản dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đưa ra, tác động của dịch bệnh do virus Corona chủng mới (COVID-19) đến kinh tế-xã hội Việt Nam là nghiêm trọng, phức tạp và khó lường. Tác động trực tiếp của dịch COVID-19 là kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thủy sản, dệt may, hàng điện thoại và các linh kiện; du lịch giảm mạnh về doanh thu. Dịch bệnh cũng tác động gián tiếp đến các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và đầu tư; nhất là ngành nông nghiệp với nhóm hàng nông, thủy sản phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc.

Cũng theo kịch bản của Bộ KH&ĐT, dự kiến dịch COVID-19 được khống chế trong quý I-2020, ước tăng trưởng GDP năm 2020 của Việt Nam là 6,27% so với năm trước. Trong trường hợp dịch COVID-19 kéo dài sang quý II-2020, thì GDP cả năm 2020 là 6,09%, thấp hơn 0,71 điểm phần trăm so với mục tiêu Nghị quyết 01 của Chính phủ đề ra. Do vậy, khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8% là rất khó trong năm nay. Bộ KH&ĐT cũng đề xuất 2 nhóm giải pháp để ứng phó dịch bệnh, ổn định sản xuất, bảo vệ sức khỏe và ổn định tâm lý người dân. Đó là trong giai đoạn phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh cần chỉ đạo quyết liệt, thực hiện nghiêm túc, không để dịch lây lan rộng và tạo sự đồng thuận trong xã hội, tránh thông tin thất thiệt. Giải pháp thứ hai là giai đoạn sau kiểm soát, dập dịch thành công cần tập trung hỗ trợ khôi phục sản xuất, đảm bảo cung cầu, ổn định giá cả hàng hóa và có các giải pháp kích cầu sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tháng 1-2020, kim ngạch xuất khẩu cả nước giảm 14,3% so với cùng kỳ năm trước và chỉ đạt 19 tỉ USD; chỉ số CPI tăng 1,23% so với tháng 12-2019 và tăng 6,43% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 7 năm qua. Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp cũng giảm 5,5% so với cùng kỳ. Cả nước có 8.276 doanh nghiệp (DN) thành lập mới với số vốn đăng ký là 267,2 nghìn tỉ đồng; số DN thành lập mới giảm 17,9% so cùng kỳ năm trước, còn số vốn tăng đến 76,8% do có 1 DN thành lập mới ở Hà Nội, vốn đăng ký chiếm tới 53,9% tổng vốn đăng ký DN thành lập mới. Trong khi đó, số DN rút lui khỏi thị trường lớn hơn số DN gia nhập thị trường. Và số DN thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, bằng cùng kỳ năm 2019, chỉ có 147 DN, chứng tỏ ngành nông nghiệp đầu tư nhiều rủi ro và cũng chưa thực sự thu hút DN đầu tư; trong khi đây là lĩnh vực Việt Nam có nhiều thế mạnh nhất. Số DN ngành công nghiệp chế biến chế tạo cũng giảm 7%...

Theo lãnh đạo Bộ KH&ĐT, để hỗ trợ sản xuất, các gói hỗ trợ cũng là những phương án cần phải tính đến để khẩn trương phục hồi sản xuất kinh doanh. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng vừa ký ban hành văn bản số 541/NHNN-TD về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19. NHNN yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhất là những ngành, lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng nhiều: du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu,... để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay… theo quy định pháp luật hiện hành. Chính phủ tiếp tục khẳng định nhất quán tinh thần bàn tiến không bàn lùi, chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay; chủ động trong điều hành, vận dụng linh hoạt các chính sách kinh tế vĩ mô để ứng phó kịp thời với những diễn biến bất lợi từ dịch COVID-19 và tránh giảm sút về tăng trưởng kinh tế.

Song Nguyên

Chia sẻ bài viết