28/04/2015 - 21:09

Khó cho xuất khẩu thủy sản

Sau khi thiết lập kỷ lục kim ngạch xuất khẩu 610 triệu USD vào năm 2014, ngay từ những tháng đầu năm 2015, xuất khẩu thủy sản của tỉnh Sóc Trăng lại bước vào giai đoạn khó khăn mới, khiến giá trị xuất khẩu thủy sản giảm khá mạnh.

Không còn hồ hởi như những tháng cuối năm 2014, ông Võ Văn Phục – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, không giấu nỗi lo: “Quý I năm nay, xuất khẩu thủy sản cả nước giảm đến 30% là điều rất đáng lo. Riêng công ty chúng tôi, mặc dù vẫn có doanh số quý I tăng khoảng 5%, nhưng nhìn chung tình hình đang hết sức khó khăn”. Theo ông Phục, sở dĩ công ty ông vẫn giữ được mức tăng doanh số là nhờ tập trung cao vào mặt hàng giá trị gia tăng, nên vẫn được giữ được hợp đồng và giá tốt tại phân khúc thị trường khó tính.

Một trong những nguyên nhân cơ bản nhất làm cho kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm, theo ông Phục chính là sự biến động tỷ giá của một số đồng ngoại tệ, đặc biệt là đồng Euro và đồng Yên (Nhật Bản). Ông Phục phân tích: “Khi đồng Euro và đồng Yên mất giá, người tiêu dùng hạn chế sử dụng tôm nhập khẩu vì giá cao, nên các nhà nhập khẩu cũng hạn chế số lượng và cả giá nhập khẩu. Trong khi đây lại là 2 trong số 3 thị trường xuất khẩu chính của thủy sản Sóc Trăng nói riêng và cả nước nói chung”.

 Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu.

Khó khăn ở 2 thị trường trên là đã rõ, nhưng còn thị trường lớn như Mỹ, với đồng Đô la tăng giá so với Việt Nam đồng phải chăng đang là thuận lợi cho con tôm Việt Nam? Ông Phục lắc đầu cho biết: “Đô-la tăng giá so với Việt Nam đồng đúng là có lợi cho xuất khẩu vào thị trường Mỹ, nhưng ở đâu có lợi nhiều sẽ có nhiều doanh nghiệp tập trung vào nơi đó. Sự cạnh tranh bắt đầu từ đây và các nhà nhập khẩu không bỏ qua cơ hội tìm kiếm được những hợp đồng giá rẻ từ sự cạnh tranh này, nên việc xuất khẩu vào thị trường Mỹ hiện vẫn khó khăn không thua gì những thị trường khác”.

Không chỉ có khó khăn do sự mất giá của một số đồng ngoại tệ, sự thua lỗ của một số nhà nhập khẩu ở thời điểm này năm ngoái cũng khiến họ thận trọng hơn, không còn nhập lượng hàng lớn trữ lại như trước, mà luôn cân đối lượng nhập với sức mua thị trường. Mặt khác, từ năm 2013 đến nay, một số nước cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam, như: Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia nhờ đồng nội tệ của họ thấp, nên họ luôn giành được nhiều hợp đồng (có giá rẻ) hơn so với doanh nghiệp Việt Nam. Trong khi đó, do năng suất tôm nuôi của Việt Nam còn thấp, giá thành cao, làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường.

Chỉ với những khó khăn đến từ khách quan cũng đủ làm doanh nghiệp “mướt mồ hôi”, nhưng hiện tại họ còn phải đối mặt với không ít khó khăn đến từ nội tại. Một trong những khó khăn đó chính là sự chi phối thị trường của một số doanh nghiệp lớn và nhất là sự “làm khó” của một số tổ chức tín dụng. Ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, chia sẻ: “Khi thị trường tôm thế giới xuống thấp, một số doanh nghiệp lớn có tiềm lực tài chính nhập tôm nguyên liệu giá rẻ ồ ạt, khiến cho sự cạnh tranh ngay trong nước càng trở nên gay gắt. Trong khi đó, dù rất muốn nhập hàng nguyên liệu dự trữ chờ giá, nhưng một số doanh nghiệp đành bất lực vì các ngân hàng luôn tìm đủ mọi lý do làm khó doanh nghiệp. Ngay như công ty chúng tôi, dù luôn thực hiện tốt việc vay trả, nhưng cũng gặp không ít khó khăn trong vay vốn”.

Khó khăn hiện tại của doanh nghiệp đang rất cần sự chia sẻ từ phía Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và nhất là các tổ chức tín dụng, để doanh nghiệp có điều kiện tạm trữ hàng trong tình hình thị trường xuống thấp, nhằm giải quyết việc làm cho lao động và góp phần ngăn chặn đà lao dốc giá tôm trong nước cũng như xuất khẩu. Theo ông Hồ Quốc Lực, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta, khi thị trường gặp khó, để quay nhanh đồng vốn và tạo việc làm nhằm giữ chân lao động, một số doanh nghiệp không đủ tiềm lực buộc phải chấp nhận bán giá thấp, tạo hiệu ứng dây chuyền, gây khó khăn cho việc giữ giá.

Hiện tại, tuy đang gặp khó, nhưng theo các doanh nghiệp, chậm nhất là nữa cuối tháng 5 trở đi thị trường sẽ khôi phục trở lại, nên các doanh nghiệp hiện rất cần sự thông thoáng hơn trong chính sách tín dụng, để có thể nắm bắt thời cơ này, còn nếu không, doanh nghiệp đang khó sẽ càng thêm khó. Ông Võ Văn Phục phân tích thêm: “Mặc dù chắc chắn giá tôm gần như sẽ không có sự tăng đột biến như những năm trước, nhưng tình hình sẽ được cải thiện trong thời gian tới do lượng hàng tồn kho của nhà nhập khẩu giảm, trong khi nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng lên tại các thị trường Nhật, Mỹ, nhờ giá tôm tương đối thấp và các siêu thị chuẩn bị đơn hàng cuối năm. Vì vậy, cơ hội vẫn còn rất lớn, nhưng nếu các ngân hàng không nhiệt tình hỗ trợ ngay từ bây giờ, doanh nghiệp chẳng những không vượt qua được, mà còn gặp khó nhiều hơn”.

Bài, ảnh: Xuân Trường

Chia sẻ bài viết