04/11/2010 - 09:38

Đọc “Cậu bé của sông”

Khi tình yêu thương chắp cánh

“Cậu bé của sông” là một trong những tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Tim Bowler. Tác phẩm đã giành được giải thưởng danh giá Carnegie Medal và được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Đây là một câu chuyện cảm động về tình cảm gia đình và đề cao ý chí, nghị lực của con người.

Tiểu thuyết được Dương Kim Thoa dịch sang tiếng Việt, Nhà xuất bản Lao động phát hành quí III- 2010.

 

Jess là một cô bé 15 tuổi bơi lội rất giỏi, luôn được ông nội yêu quí. Khi cả gia đình chuẩn bị về quê thì ông nội Jess phải nhập viện vì đau tim nặng. Tuy sức khỏe chưa hồi phục nhưng ông vẫn một mực đòi xuất viện để về quê hoàn thành bức vẽ “Cậu bé của sông”. Ở thôn quê, Jess bị mê hoặc bởi con sông lớn gần nhà. Cô bé thích thú bơi lội và khám phá nét đẹp hoang sơ, hùng vĩ của con sông. Nhưng Jess luôn có cảm giác có người đang theo dõi mình, khi giáp mặt mới biết đó là một cậu bé trạc tuổi Jess, bơi rất giỏi. Chính cậu bé đã động viên Jess làm được những điều tưởng như không thể: giúp ông nội hoàn thành bức tranh khi đôi tay ông yếu đến nỗi không thể cầm cọ để vẽ, đặc biệt là giúp Jess bơi được một quãng đường dài mấy chục cây số từ sông ra biển.

“Cậu bé của sông” cuốn hút người đọc vì những tình tiết bất ngờ. Độc giả tò mò không hiểu vì sao ông nội Jess cương quyết phải về quê để vẽ cho được bức tranh còn dang dở và thắc mắc cậu bé kia là ai mà có những hành động kỳ lạ, khó hiểu. Lời giải đáp khiến người đọc hài lòng. Ông nội Jess muốn trở về quê vì nơi đây có rất nhiều kỷ niệm thời thơ ấu và ông ấp ủ một ước mơ mà chưa thực hiện được. Cuối đời ông muốn vẽ một bức chân dung tự họa ngay tại con sông quê hương. Bức tranh mang tên “Cậu bé của sông”. Khi Jess nhìn ra những nét vẽ trừu tượng chính là gương mặt của ông thì thật bất ngờ, đó cũng chính là gương mặt của cậu bé bí ẩn mà Jess gặp trên sông. Sự thật là không có cậu bé nào cả mà tất cả chỉ là ảo giác của Jess.

Giữa cô bé và ông luôn có một sợi dây vô hình buộc chặt. Sợi dây đó chính là tình thương yêu mãnh liệt của ông và cháu. Ông nội luôn sát cánh bên cô bé trong những lúc khó khăn, động viên cô bé vượt qua mọi khó khăn, thử thách để thực hiện ước mơ của mình, còn cô bé là người hiểu ông và thương ông nhất. Sức mạnh tình thân đã khiến cả hai làm được những điều phi thường. Jess đã dùng tay của mình cầm tay ông thực hiện nột những nét vẽ cuối cùng của bức tranh. Jess không dám bơi ra biển nhưng khi hay tin ông nội phải cấp cứu và biết ước mơ mà ông chưa thực hiện được chính là bơi ra biển cả, thì cô đã lao xuống sông, bơi một mạch 11 giờ đồng hồ ra tới biển, đến bệnh viện với ông...

“Cậu bé của sông” là một câu chuyện xúc động, ý nghĩa được viết bằng văn phong truyền cảm, giàu hình ảnh, đã và đang chinh phục bạn đọc nhiều nước trên thế giới.

Cát Đằng

Chia sẻ bài viết