Apple, Google, Microsoft và nhiều công ty công nghệ lớn đã “cách mạng hóa” cách con người giao tiếp, mua sắm, giao lưu và làm việc. Và giờ đây, khi người tiêu dùng, các trung tâm y tế và công ty bảo hiểm ngày càng gia tăng sử dụng các ứng dụng theo dõi sức khỏe, những “gã khổng lồ” công nghệ cũng đua nhau nhảy vào thị trường chăm sóc sức khỏe “béo bở” ở Mỹ với doanh thu hơn 3.000 tỉ USD mỗi năm.
Hiện các hãng công nghệ đang đẩy mạnh nỗ lực làm mới lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bằng cách phát triển hoặc kết hợp những công cụ mới dành cho người dùng, bệnh nhân, bác sĩ, công ty bảo hiểm cũng như các nhà nghiên cứu y khoa. Không chỉ vậy, họ còn đẩy mạnh đầu tư vào các công ty khởi nghiệp về chăm sóc sức khỏe. Theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường CB Insights, trong 11 tháng đầu năm 2017, 10 hãng công nghệ lớn nhất của Mỹ đã ký kết các hợp đồng góp vốn trị giá lên tới 2,7 tỉ USD, tăng gần 10 lần so với mức 227 triệu USD vào năm 2012.
Dù mỗi công ty có phương pháp kinh doanh riêng nhưng mục tiêu cuối cùng đều nhằm cải thiện sức khỏe của con người, hoặc chí ít là giúp cho hoạt động chăm sóc sức khỏe trở nên hiệu quả hơn. Chẳng hạn, trong khi Apple tập trung vào các sản phẩm tiêu dùng, Microsoft đẩy mạnh các dịch vụ phân tích và lưu trữ trực tuyến, còn Alphabet – công ty mẹ của Google, thì tập trung phát triển dữ liệu.
Cụ thể, hãng phần mềm Microsoft năm nay đã ra mắt sáng kiến Healthcare NeXT, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dịch vụ điện toán đám mây để tạo ra các sản phẩm dành cho nhà cung cấp dịch vụ y tế và bệnh nhân. Theo đó, Microsoft hợp tác với Trung tâm Y tế Đại học Pittsburgh (Mỹ) để phát triển một trợ lý ảo nhằm giảm áp lực cho các bác sĩ cũng như cải thiện sự trải nghiệm của bệnh nhân. Trợ lý ảo này sẽ phân tích cuộc trò chuyện giữa bác sĩ và bệnh nhân, sau đó gửi kết luận đến bệnh án điện tử của người bệnh. Bên cạnh đó, Microsoft còn phát triển một nền tảng cho phép các trung tâm y tế tạo ra các trợ lý ảo. Đơn cử, tổ chức phi lợi nhuận Aurora Health Care đã sử dụng nền tảng này để tạo ra một ứng dụng giúp bệnh nhân chọn bác sĩ theo ý muốn và đặt lịch khám.
Không chịu mất phần, Oculus – bộ phận sản xuất thiết bị thực tế ảo của Facebook, đã hợp tác với Bệnh viện Nhi Los Angeles phát triển ứng dụng mô phỏng thực tế ảo để các bác sĩ và sinh viên y khoa thực hành xử trí các ca cấp cứu. Trong khi đó, Amazon đã đầu tư hơn 900 triệu USD vào công ty khởi nghiệp Grail chuyên nghiên cứu gien về phát hiện ung thư sớm, còn Apple thì mua lại nhà sản xuất công nghệ theo dõi giấc ngủ Beddit với mức giá không được tiết lộ. Năm nay, “gã khổng lồ” trong lĩnh vực công nghệ sinh học chăm sóc sức khỏe Alphabet cũng đã mua lại Senosis Health, chuyên phát triển các ứng dụng sử dụng cảm biến điện thoại thông minh để theo dõi các dấu hiệu sinh tồn.
Theo lý giải của chuyên gia John Prendergass thuộc tổ chức phi lợi nhuận Ben Franklin Technology Partners, chuyên phân tích đầu tư trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, lý do lớn nhất mà các đại gia công nghệ “lấn sân” sang lĩnh vực này là vì đây là thị trường quá lớn, quá quan trọng và quá riêng tư đối với người dùng mà họ không thể bỏ qua. Tuy vậy, các bác sĩ và giới nghiên cứu cho rằng hiện vẫn còn quá sớm để nhận định những công cụ giám sát sức khỏe mới (chẳng hạn các ứng dụng cho đồng hồ và điện thoại thông minh) sẽ giúp bệnh tình thuyên giảm, kéo dài cuộc sống hay chỉ khiến người dùng đi gặp bác sĩ nhiều hơn và thực hiện những xét nghiệm không cần thiết.
TRÍ VĂN (Theo New York Times)