04/03/2019 - 10:25

Khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở phía Bắc Cái Sắn 

Tuyến kênh Cái Sắn có chiều dài khoảng 25km đi qua địa bàn các xã Vĩnh Trinh, Thạnh Mỹ, Thạnh Quới, Thạnh Tiến và thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ. Vài năm trở lại đây xuất hiện tình trạng sạt lở cả 2 phía bờ kênh, đã có ít nhất 4 căn nhà bị sập đổ gây thiệt hại tài sản hàng trăm triệu đồng và đe dọa đến tính mạng của các hộ dân sống ven theo tuyến kênh này.

Sạt lở đe dọa tuyến đường giao thông ấp Vĩnh Lân, xã Vĩnh Trinh.

Theo ghi nhận, tình trạng sạt lở 2 bên bờ kênh Cái Sắn diễn biến với mức độ ngày càng phức tạp, mặc dù huyện và các địa phương cùng với bà con gia cố và làm bờ kè một số đoạn, nhưng sạt lở vẫn xảy ra, đe dọa đến tài sản và tính mạng của người dân. Ở phía bờ Nam do nhà cửa san sát nhau nên bà con tự gia cố để đảm bảo chỗ ở, riêng ở phía Bắc ven theo tuyến kênh là đường giao thông nông thôn, tình trạng sạt lở thời gian gần đây diễn biến ngày càng phức tạp. Toàn tuyến xuất hiện nhiều điểm sạt lở từ vài mét đến vài chục mét, riêng đoạn đi qua xã Vĩnh Trinh khoảng 6km bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đoạn bị sạt lở sâu nằm ở ngã 3 tiếp giáp kênh Bờ Ao đến Bến Đò kinh 15 thuộc ấp Vĩnh Lân có tổng chiều dài hơn 1.000m. Trong đó có 3 điểm sạt lở nghiêm trọng dài gần 200m, khoét sâu vào đất liền tạo thành hàm ếch, gây nguy cơ sụp lún tuyến đường này.

Ông Đỗ Thành Đá, Trưởng ấp Vĩnh Lân, cho biết: Tình trạng sạt lở bờ kênh bắt đầu xuất hiện vào năm 2015 và quá trình sạt lở diễn ra khá nhanh, nhất là thời điểm năm 2017 đến nay. Ngay khi có dấu hiệu sạt lở, Ban nhân dân ấp cùng với bà con nhân dân tiến hành vận động cây cối, tổ chức đóng cọc, đề nghị xã hỗ trợ kinh phí mua đá về tấn nhưng do lưu lượng nước chảy mạnh, tàu thuyền qua lại nhiều nên chỉ trong thời gian ngắn cây cối bị cuốn trôi hết.

Để đảm bảo an toàn cho bà con, chính quyền địa phương tiến hành vận động các hộ dân hiến đất lấn đường vào bên trong và dùng cây cối cảnh báo người đi đường. Điều này khiến cho diện tích đất ở của bà con bị thu hẹp. Ông Trương Văn Thuật, người dân sống cố cựu ở vùng đất này lo lắng: “Tôi sinh sống ở đây hơn 30 năm rồi, chưa bao giờ chứng kiến tình trạng sạt lở nguy hiểm như trong thời gian gần đây. Tình trạng này kéo dài chắc cũng không còn đất để ở”.

Đa phần người dân trên tuyến đường này chủ yếu làm ruộng và làm thuê kiếm sống nên rất khó khăn, không có khả năng để đóng góp khắc phục. Vì vậy bà con mong muốn chính quyền địa phương sớm có giải pháp ngăn chặn sạt lở. Anh Trương Văn Khá nói: “Vợ chồng tôi làm lụng vất vả nhiều năm vừa cất được căn nhà vẫn chưa hoàn thành mà sạt lở ngày càng tiến sâu, tôi rất sợ ảnh hưởng căn nhà. Tôi và bà con ở đây đều mong muốn chính quyền địa phương sớm có biện pháp khắc phục để chúng tôi an tâm sinh sống”.

Ông Nguyễn Đông Xuân, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trinh, cho biết: “Gần đây tình hình sạt lở bờ kênh Cái Sắn đoạn đi qua địa bàn xã diễn biến phức tạp, qua kiểm tra toàn tuyến có khoảng 60 điểm sạt lở, nặng nhất là ở ấp Vĩnh Lân, chúng tôi cũng đã khảo sát và đề nghị UBND huyện hỗ trợ kinh phí để xây dựng bờ kè khắc phục”.

Trước tình hình trên, UBND huyện Vĩnh Thạnh đã phân bổ 3,5 tỉ đồng giúp xã Vĩnh Trinh làm bờ kè khắc phục hậu quả. Mới đây trong chuyến khảo sát thực tế và chỉ đạo khắc phục hậu quả sạt lở, ông Đỗ Sĩ Nhường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, chỉ đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế khẩn trương hoàn thành phương án thiết kế kè chống sạt lở, ưu tiên khắc phục những đoạn sạt lở nghiêm trọng. Huyện cũng đã chọn phương án đảm bảo an toàn cho bà con về lâu dài là xây dựng đường tránh khu vực sạt lở và đang chỉ đạo ngành chức năng hoàn tất phương án thiết kế, hồ sơ thủ tục đầu tư và phối hợp với xã Vĩnh Trinh tổ chức họp dân lấy ý kiến để công trình sớm triển khai.

Bài, ảnh: Minh Hải

Chia sẻ bài viết