08/12/2017 - 20:41

Khám phá văn hóa Mỹ 

“Đời chẳng có ai là hoàn hảo” (NXB Văn hóa- Văn nghệ, 2017) của nữ tác giả An Lâm là một cuốn tạp văn thú vị, hấp dẫn khi giới thiệu đến độc giả những phong tục, tập quán, đời sống văn hóa tinh thần của người Mỹ.

Sau “Giấc mơ Mỹ”, tác giả An Lâm, 39 tuổi, đến từ Đồng Nai, hiện đang định cư ở bang Texas của xứ sở cờ hoa, tiếp tục viết về nước Mỹ qua “Đời chẳng có ai là hoàn hảo”. Bởi theo tác giả “Nước Mỹ như một chiếc túi thần kỳ không đáy, bên trong chứa đầy những điều thú vị, làm kẻ nhập cư xa lạ như tôi lắm lúc phải bật cười: A, thì ra đây là mới là lối suy nghĩ kiểu Mỹ, đây mới là giá trị Mỹ”.

Với góc nhìn của một người Việt đang sinh sống, hòa nhập với người bản xứ, An Lâm dẫn dắt người đọc tìm hiểu những phong tục, tập quán, những nét văn hóa đặc trưng của người Mỹ qua 23 bài viết ở phần “Chuyện lạ xứ xa”. Cũng như tác giả, bạn sẽ ngạc nhiên trước những khác biệt trong việc tổ chức đám cưới, đám tang của người Việt và người Mỹ; thích thú khám phá ngày lễ Prom dành cho học sinh trung học; bị lôi cuốn trước những món ăn ngon, lạ của từng vùng miền; bất ngờ trước cách thể hiện tình cảm của người Mỹ trong ngày Valentine hay quan niệm về học hành, ăn chay, tập yoga, xây nhà ở…

Sau những ngỡ ngàng về sự khác biệt văn hóa, độc giả sẽ tìm thấy những cái hay, cái đẹp trong cách ứng xử, giao tiếp. Đó là tôn trọng sự riêng tư của từng người, sự cần thiết tạo ấn tượng tốt và sự tin tưởng ban đầu, là tinh thần học tập nghiêm túc… Đặc biệt, có một điểm tương đồng giữa tất cả các dân tộc là ở đâu cũng có người tốt, có những nghĩa cử đẹp, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn. Qua đó, lan tỏa tinh thần vì cộng đồng và ấm áp tình người.

8 bài viết tiếp theo ở phần 2: “Chuyện cao bồi, chuyện văn phòng” lại là một thế giới khác. Ở đây, tác giả tập trung khai thác chuyện cô gặp hằng ngày ở văn phòng làm việc cũng như vùng đất mà mình đang sống. Texas- xứ cao bồi nổi tiếng- qua trang viết của An Lâm còn có những điều rất riêng về tính cách, nếp sống của con người nơi đây. Những câu chuyện về “Người thợ rèn ở thư viện”, “Rượu thì đắng, mồ hôi thì mặn”, “Bản sắc cá nhân”… thể hiện những chiêm nghiệm, đúc kết của tác giả về cuộc sống, công việc, về giá trị thật sự của mỗi con người.

Đặc biệt, bài viết “Đời chẳng có ai là hoàn hảo” đi sâu phân tích sự hoa mỹ và những lớp ngữ nghĩa trong mỗi câu nói của người Mỹ. Điều đó tương tự như suy nghĩ của người Việt: “Lời nói không mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” hay “Nói vậy mà không phải vậy”. Tuy nói năng nhẹ nhàng, lịch sự nhưng với những việc cần điều chỉnh, người Mỹ lại quyết liệt và nghiêm khắc, nhất là thái độ làm việc. Tiếp xúc lâu ngày với người Mỹ, tác giả nhận ra rằng: “Đời chẳng có ai là hoàn hảo, ai cũng có lúc cần được huých vào vai một cái, nhất là lúc mình lan man, làm biếng, hoài nghi, lầm lạc. Những lời động viên vừa đúng lúc, đúng nơi, đúng mực, vừa mang tính tích cực và tinh thần xây dựng thật sự sẽ giúp người ta nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. Rằng là người, chúng ta hãy (phải, luôn, nên) tử tế với nhau” (trang 192). 

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết