14/09/2017 - 09:55

Doanh nghiệp ĐBSCL và tỉnh Hiroshima (Nhật Bản)

Kết nối để xử lý ô nhiễm môi trường 

Theo các chuyên gia kinh tế, TP Cần Thơ là trung tâm vùng ĐBSCL, phát triển nhanh không những cơ sở vật chất, khu dân cư mà còn cả hệ thống sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nhiệp và làng nghề... Hằng ngày, các hoạt động này thải ra môi trường lượng chất thải không nhỏ, tác hại đến ô nhiễm môi trường tại địa phương.

Lãnh đạo TP Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hiroshima ký kết ghi nhớ hợp tác kết nối doanh nghiệp về xử lý môi trường thời gian tới.

Kết nối khắc phục ô nhiễm môi trường

Tại TP Cần Thơ vừa diễn ra Hội thảo “Kết nối doanh nghiệp về xử lý môi trường giữa khu vực ĐBSCL và tỉnh Hiroshima – Nhật Bản”, nhằm mục tiêu kết nối kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong vùng ĐBSCL và tỉnh Hiroshima về ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật trong xử lý môi trường. Ông Nguyễn Minh Thế, Phó Giám Đốc Sở Tài Nguyên và Môi Trường TP Cần Thơ, cho biết: “Đây là hoạt động tạo điều kiện để các nhà quản lý môi trường, doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau của 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL và tỉnh Hiroshima – Nhật Bản gặp gỡ, trao đổi những công nghệ và các thành tựu khoa học mới liên quan đến môi trường. Từ đó, các doanh nghiệp TP Cần Thơ, ĐBSCL chọn lựa giải pháp tối ưu, phù hợp với lĩnh vực hoạt động, thực tế của địa phương để ứng dụng, hợp tác cùng doanh nghiệp Nhật Bản xử lý môi trường, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác xử lý chất thải thời gian qua...”.

Hội thảo có trên 200 đại biểu là lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường; chi cục bảo vệ môi trường; trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường; doanh nghiệp hoạt động, kinh doanh có liên quan môi trường tại khu vực ĐBSCL và tỉnh Hiroshima đến tham dự. Tại hội thảo, các lĩnh vực môi trường được các doanh nghiệp trình bày, trao đổi và đàm phán kết nối theo nhu cầu, như: công nghệ xử lý môi trường trong chế biến gạo, thực phẩm, chăn nuôi; xử lý môi trường trong ngành điện; xử lý bùn thải trong khu công nghiệp; xử lý môi trường trong kinh doanh nuôi tôm, sản xuất phân hữu cơ, tái chế và sản xuất các sản phẩm từ nhựa tái chế...

Qua đó, nhiều công nghệ xử lý, tái tạo chất thải tránh ô nhiễm môi trường từ doanh nghiệp Nhật Bản được các nhà quản lý, doanh nghiệp tại TP Cần Thơ và khu vực ĐBSCL quan tâm. Điển hình như công nghệ xử lý trấu thành phân hữu cơ, sản xuất rau sạch của Công ty CP AIAN thuộc tỉnh Hiroshima; công nghệ gia công tái chế phế liệu từ nhựa, nhuộm màu và bán, xuất khẩu nhựa tổng hợp, giấy dán tường, nhựa phế thải và cung cấp công nghệ tái chế phù hợp với nhu cầu của khách hàng...

Ứng dụng công nghệ xử lý môi trường

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, quá trình đô thị hóa, phát triển sản xuất công nông nghiệp, TP Cần Thơ cũng như các địa phương trong khu vực ĐBSCL đã thải ra môi trường lượng rác rất lớn, với số lượng hàng trăm tấn/ngày. Lượng rác này phần lớn được đốt, chôn lấp... gây ô nhiễm môi trường. TP Cần Thơ, mỗi ngày có khoảng 650 tấn rác thải sinh hoạt được thu gom (tỷ lệ này đạt từ 85% đến 90% lượng rác thải hằng ngày), tập trung về 2 nhà máy và 1 lò đốt rác tại Ô Môn, Cờ Đỏ và Thốt Nốt. Các cơ sở này phần lớn xử lý rác theo hình thức đốt, chôn lấp. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động có ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị xung quanh. Bên cạnh đó, các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp còn hạn chế trong việc tái sử dụng phế thải...

Các doanh nghiệp TP Cần Thơ và khu vực ĐBSCL tham quan, tìm hiểu công nghệ xử lý môi trường của doanh nghiệp tỉnh Hiroshima.

Ông Kawaguchi Kazunari, Trưởng Ban Kêu gọi Đầu tư Phát triển Hải ngoại, Sở Lao động, Công thương tỉnh Hiroshima, cho biết: “Hội thảo là cơ hội để các doanh nghiệp của tỉnh Hiroshima tham dự, giới thiệu những công nghệ, thành tựu mới trong lĩnh vực xử lý môi trường; trao đổi, đàm phán thương mại, kết nối kinh doanh xử lý môi trường giữa các doanh nghiệp TP Cần Thơ, khu vực ĐBSCL và tỉnh Hiroshima. Chúng tôi sẵn sàng tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp TP Cần Thơ, khu vực ĐBSCL và tỉnh Hiroshima hợp tác, trao đổi công nghệ xử lý môi trường sau hội thảo này”.

Nhiều doanh nghiệp tham dự hội thảo tâm đắc với công nghệ xử lý chất thải mà doanh nghiệp tỉnh Hiroshima giới thiệu. Ông Lưu Minh Đức, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung Thạnh (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ), cho biết: “Tìm hiểu công nghệ xử lý môi trường trong chế biến gạo, thực phẩm, chăn nuôi của doanh nghiệp Nhật Bản thực hiện thì tôi cảm thấy trong sản xuất, chế biến của mình cũng như doanh nghiệp ĐBSCL còn lãng phí trong việc tái sử dụng chất thải từ trấu, tro, xử lý rơm, rạ... Qua hội thảo, tôi đã nắm bắt thông tin và sẽ kết nối với doanh nghiệp Nhật Bản để hợp tác, chuyển giao công nghệ xử lý môi trường, tái tạo phế thải từ nông sản”.

Ông Huỳnh Thanh Hóa, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Sản xuất – Thương mại Thắng Lợi (Sóc Trăng), cho biết: “Lĩnh vực hoạt động của chúng tôi là sử dụng phế thải từ nhựa, giấy... để tái tạo ra sản phẩm mới. Các phế thải này được tận dụng từ đơn vị thu gom rác sinh hoạt, phân loại và giao hàng cho chúng tôi. Tuy nhiên, trong quá trình phân loại, rác sinh hoạt khác được đốt, chôn lấp, chưa được tận dụng để tái tạo. Hội thảo “Kết nối doanh nghiệp về xử lý môi trường giữa khu vực ĐBSCL và tỉnh Hiroshima – Nhật Bản” đã thông tin công nghệ xử lý, ủ rác với men vi sinh tạo phân hữu cơ rất hay. Đây là vấn đề tôi quan tâm, bởi công nghệ này áp dụng rất tốt ở các bãi rác và có thể thực hiện được để tránh lãng phí và ô nhiễm môi trường do đốt, chôn lấp rác sinh hoạt”.

Việc xử lý chất thải trong sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp là vấn đề TP Cần Thơ và khu vực ĐBSCL đang quan tâm, cần các thiết bị xử lý, tái tạo phế thải... Hội thảo “Kết nối doanh nghiệp về xử lý môi trường giữa khu vực ĐBSCL và tỉnh Hiroshima – Nhật Bản” là cơ hội kết nối, hợp tác của TP Cần Thơ, các địa phương vùng ĐBSCL với doanh nghiệp tỉnh Hiroshima trong xử lý môi trường, phát triển sản xuất công nông nghiệp bền vững, an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường trong sạch tại TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

(CT)- Ngày 13-9-2017, ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cùng các sở, ngành chức năng tiếp và làm việc với đoàn cán bộ và doanh nghiệp tỉnh Hiroshima - Nhật Bản.

Tại buổi làm việc, ông Kazurari Kawaguchi, Giám đốc Cục xúc tiến đầu tư Quốc tế tỉnh Hiroshima bày tỏ sự vui mừng về mối quan hệ giữa TP Cần Thơ và tỉnh Hiroshima. Đặc biệt, TP Cần Thơ tạo điều kiện để doanh nghiệp tỉnh Hiroshima và TP Cần Thơ, khu vực ĐBSCL trao đổi, ký kết, hợp tác ứng dụng công nghệ xử lý môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xử lý chất thải sinh hoạt, bùn thải... Đoàn cán bộ và doanh nghiệp tỉnh Hiroshima - Nhật Bản cũng mong muốn thời gian tới, TP Cần Thơ hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Hiroshima xúc tiến đầu tư sản xuất, hợp tác xử lý môi trường, tái tạo sản phẩm từ phế thải trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xử lý rác; hỗ trợ nhập khẩu máy móc, thiết bị khi dự án đầu tư được triển khai thực hiện; giải quyết thủ tục đầu tư vào thành phố nhanh, gọn...

Ông Đào Anh Dũng ghi nhận những đề xuất của đoàn cán bộ và doanh nghiệp tỉnh Hiroshima, đồng thời cho biết TP Cần Thơ sẵn sàng hỗ trợ, tiếp đón doanh nghiệp tỉnh Hiroshima đến hợp tác, đầu tư sản xuất tại thành phố. Bên cạnh đó, TP Cần Thơ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp 2 địa phương giao lưu kinh tế, xúc tiến đầu tư và chuyển giao công nghệ xử lý môi trường; song song đó, tỉnh Hiroshima cũng tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp 2 địa phương tiếp cận, hợp tác trong sản xuất, xử lý môi trường trong các hoạt động chế biến gạo, thực phẩm, chăn nuôi, phân hữu cơ tái chế, xử lý nước thải, lọc nước ao nuôi trồng thủy sản... 

H.VĂN

Chia sẻ bài viết