24/11/2020 - 10:33

Kết nối cung - cầu, thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ 

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 bùng nổ, doanh nghiệp buộc phải nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình bằng cách đổi mới, cải tiến công nghệ. Bởi nếu không thay đổi để theo kịp tốc độ phát triển của khoa học và công nghệ (KH&CN), sản phẩm làm ra sẽ giảm sức cạnh tranh, hiệu quả kinh tế thấp dẫn đến bị tụt hậu, đe dọa sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực và quyết tâm từ doanh nghiệp, phía Nhà nước, nhà khoa học cũng cần tích cực vào cuộc để thúc đẩy việc nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KH&CN vào thực tiễn sản xuất và đời sống.

Sở KH&CN TP Cần Thơ và Công ty CP Innotek ký kết hợp tác. 

Nhiều nỗ lực

Nhận thấy tầm quan trọng của KH&CN, các hoạt động kết nối cung - cầu, phát triển thị trường KH&CN được Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đặc biệt quan tâm. Từ năm 2007 đến nay, Bộ KH&CN phối hợp với các bộ, ngành hữu quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức được 4 kỳ Chợ Công nghệ và thiết bị (Techmart) quy mô quốc gia và quốc tế, 20 Techmart và Trình diễn, Kết nối cung - cầu công nghệ (TechDemo) quy mô vùng và chuyên ngành. Các sự kiện này thu hút được 5.908 đơn vị tham gia, với 6.437 gian hàng giới thiệu và chào bán 24.802 công nghệ và thiết bị. Qua Techmart, TechDemo, các đơn vị tham gia ký kết 6.768 biên bản ghi nhớ và hợp đồng mua bán công nghệ với tổng giá trị giao dịch 8.306 tỉ đồng.

Theo ông Phạm Hồng Quách, Trung tâm Tư vấn, Viện Ðánh giá khoa học và Ðịnh giá công nghệ (Bộ KH&CN), đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, đổi mới công nghệ có vai trò quan trọng trong nâng cao chất lượng, đa dạng hóa, củng cố và mở rộng thị phần sản phẩm. Không chỉ vậy, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến còn giúp giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu; cải thiện điều kiện làm việc, nâng mức độ an toàn sản xuất cho con người và thiết bị; giảm tác động xấu đến môi trường. Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: Năm 2020, mặc dù chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19 nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng dương. Chỉ số đổi mới sáng tạo năm 2020 của Việt Nam xếp 42/131 quốc gia và nền kinh tế, tăng 17 bậc so với năm 2016, đứng thứ 3 khu vực Ðông Nam Á. Kết quả này là do doanh nghiệp, nông dân, tổ chức, cá nhân đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ KH&CN, tận dụng thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 vào thực tế sản xuất, kinh doanh và đời sống.

Ðể thúc đẩy hoạt động kết nối cung cầu, phát triển thị trường KH&CN ở ÐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng, Sở KH&CN TP Cần Thơ vừa tổ chức chuỗi sự kiện “Hội thảo giới thiệu, trưng bày, trình diễn công nghệ năm 2020”. Ðây là dịp để các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, doanh nghiệp trao đổi thông tin về cơ hội, thách thức, vướng mắc, giải pháp… trong thúc đẩy kết nối cung - cầu công nghệ. Ðồng thời, sự kiện còn trưng bày, giới thiệu hơn 200 công nghệ, thiết bị, quy trình/sản phẩm công nghệ của các tổ chức, doanh nghiệp, viện, trường vùng ÐBSCL và các tỉnh lân cận, thuộc các lĩnh vực chế biến nông thủy sản, cơ khí tự động hóa, xử lý nước, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và không gian khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Dịp này, có 8 biên bản ghi nhớ hợp tác và hợp đồng chuyển giao công nghệ giữa các đơn vị quản lý nhà nước, viện, trường, doanh nghiệp của TP Cần Thơ, một số tỉnh vùng ÐBSCL và TP Hồ Chí Minh.

Kết nối

Mặc dù có nhiều nỗ lực, song việc nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KH&CN vào sản xuất, kinh doanh vẫn gặp nhiều cản ngại. Thị trường công nghệ nước ta chủ yếu vẫn là tìm kiếm mua bán máy móc thiết bị, chưa có nhiều giao dịch có hàm lượng công nghệ cao như mua bán công nghệ, bản quyền sáng chế… Công tác tư vấn, kết nối cung - cầu, môi giới chuyển giao công nghệ tại các sàn giao dịch công nghệ được duy trì và triển khai. Tuy nhiên, hoạt động này ở một số sàn vẫn còn sơ khai, chưa hình thành mạng lưới, hệ thống mà chỉ tập trung vào công tác tư vấn đơn lẻ. 

Sản xuất rau thủy canh theo công nghệ Israel của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Minh Hòa.

Sản xuất rau thủy canh theo công nghệ Israel của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Minh Hòa.

Nhiều ý kiến cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp vùng ÐBSCL là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, điều cốt lõi giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị phần, giảm tiêu hao nguyên liệu… chính là đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, tài chính hạn hẹp, áp lực môi trường kinh doanh bên ngoài doanh nghiệp chính là những “nút thắt” mà doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp phải khi muốn đổi mới công nghệ.

Bên cạnh đó, các cá nhân/ doanh nghiệp cần lưu ý những điểm mới trong Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017. Trong đó, nổi bật là quy định thay đổi phương thức quản lý hợp đồng chuyển giao công nghệ, bắt buộc đăng ký công nghệ đối với 3 loại hợp đồng chuyển giao công nghệ: từ nước ngoài vào Việt Nam, từ Việt Nam ra nước ngoài, chuyển giao trong nước có sử dụng ngân sách nhà nước và vốn Nhà nước... Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Saigon Innovation Hub (trực thuộc Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh đến tầm quan trọng của mối quan hệ kết nối ba bên: Nhà nước - Doanh nghiệp - Nhà nghiên cứu. Theo đó, doanh nghiệp phải kết nối được với nhà nghiên cứu để đặt hàng những nghiên cứu bám sát nhu cầu thực tế sản xuất, kinh doanh; đồng thời liên hệ các cơ quan nhà nước để bảo hộ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Nhà nước đóng vai trò bảo hộ, tạo môi trường phát triển lành mạnh, công bằng cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Theo TS Đỗ Hoài Nam, Nguyên Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ, qua các buổi kết nối cung - cầu KH&CN cho thấy mặc dù có rất nhiều nhu cầu về chuyển giao công nghệ thiết bị nhưng đa số chỉ dừng ở mức tìm hiểu và khảo sát thông tin. Bên cạnh đó, các sản phẩm nghiên cứu KH&CN nội sinh thường được các đơn vị đặt lên bàn cân, so sánh với những đơn vị cung cấp ở nước ngoài. Nếu như không có những thông tin cụ thể, ưu điểm vượt trội, tư vấn về lợi ích, sản phẩm trong nước sẽ khó có cơ hội cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài dù chất lượng đảm bảo, giá thành rẻ hơn hoặc tương đương và điều kiện bảo hành, bảo trì tốt hơn hẳn thiết bị ngoại nhập. Do đó, các đơn vị hữu quan nên có những chính sách khuyến khích, thúc đẩy việc nghiên cứu, sáng chế công nghệ...

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết