30/07/2017 - 11:21

Keo sinh học chữa lành tổn thương nội tạng

Lấy cảm hứng từ ốc sên, các nhà khoa học Anh và Mỹ đã tạo ra loại keo mới có thể bám dính vào những bề mặt trơn tuột, kể cả các mô mềm bên trong cơ thể, qua đó loại bỏ nhu cầu dùng chỉ khâu khi khép miệng vết thương.
Có thể nói, loại keo dùng dán vết thương hở ngoài da đã có từ lâu, nhưng nó không phù hợp dùng cho tổn thương nội tạng vì quá độc hại với tế bào và không bám dính vào mô. Loại keo mới được chế tạo dựa vào đặc điểm chất nhờn của loài ốc sên Dusky Arion, thứ dịch nhầy mà nó tiết ra để ngăn các loài ăn thịt bắt dính. Chất nhờn này rất hiệu quả bởi nó chứa các prôtêin mang điện tích dương, được hút vào mặt đất hoặc vách tường. 
Để chế tạo dịch nhầy tương tự, các nhà nghiên cứu đến từ Cao đẳng Hoàng đế Luân Đôn và trường Y Harvard đã điều chế loại gel gốc nước với các phân tử mang điện tích dương nổi trên bề mặt, nhằm tạo ra lực hút tĩnh điện đối với các tế bào mang điện tích âm trong cơ thể. Kết quả là họ đã tạo ra loại keo siêu dính bền chắc như sụn nhưng có thể bám chặt vào các cơ quan nội tạng. Đặc tính này đã được chứng thực trong các cuộc thử nghiệm trên các bộ phận của heo như da (khô và ướt), sụn, động mạch cũng như các mô ở gan và tim. Đặc biệt, keo này không gây tổn hại đến mô khi được thử nghiệm dùng để vá gan chuột bị xuất huyết.
Các nhà khoa học tin rằng loại keo mới có thể được chế tạo ở dạng miếng dán, có thể được cắt theo kích cỡ tùy ý để “vá” các bề mặt mô hoặc điều chế thành dạng lỏng để có thể tiêm vào cơ thể chữa lành vết thương sâu hơn.
HẠNH NGUYÊN (Theo Telegraph)

 

Chia sẻ bài viết