Những phát hiện mới của các nhà khoa học cho thấy nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ tốt cho sự phát triển của em bé mà còn tăng cường sức khỏe của mẹ về sau.
Nuôi con bằng sữa mẹ càng lâu, càng có lợi cho mẹ và bé. Ảnh: Getty Images
Mẹ ngừa mãn kinh sớm và giảm nguy cơ ung thư
Theo nghiên cứu mới của Đại học Massachusetts Amherst (Mỹ), mang thai và cho con bú có thể giúp chị em chống lại chứng mãn kinh sớm. Mãn kinh sớm là tình trạng chu kỳ kinh nguyệt dừng lại trước 45 tuổi, ảnh hưởng lớn đến tâm sinh lý, đời sống vợ chồng và tăng nguy cơ bị loãng xương cũng như mắc các bệnh về tim.
Ở nghiên cứu mới, Tiến sĩ Christine Langton và các cộng sự đã tiến hành phân tích dữ liệu của hơn 108.000 phụ nữ tham gia chương trình Nghiên cứu Sức khỏe Y tá II (NHS) bắt đầu từ năm 1989. Nhóm nghiên cứu phát hiện so với người chưa sinh con, những phụ nữ từng 2 lần sinh nở có nguy cơ mãn kinh sớm thấp hơn 16% và tỷ lệ này ở người sinh con 3 lần là 22%. Đáng chú ý, những bà mẹ có từ 3 con trở lên và từng cho con bú kéo dài từ 7-12 tháng có nguy cơ mãn kinh sớm thấp hơn 32% so với những người có cùng số trẻ nhưng chỉ cho con bú dưới 1 tháng. Nhóm nghiên cứu cho rằng quá trình mang thai và cho con bú có thể giúp ngăn ngừa sự rụng trứng, làm chậm tốc độ suy giảm tự nhiên của nang noãn theo thời gian, nhờ đó giảm nguy cơ mãn kinh sớm.
Trước đó, nghiên cứu của Viện nghiên cứu y khoa QIMR Berghofer (Úc) từng chỉ ra rằng cho con bú từ 6 tháng trở lên giúp bà mẹ giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, ung thư buồng trứng và ung thư nội mạc tử cung. Nghiên cứu được thực hiện trên 26.000 phụ nữ sinh sống tại Mỹ, Canada, Trung Quốc, Úc và một số quốc gia châu Âu.
Ngoài những lợi ích sức khỏe như trên, nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ còn được chứng minh giúp chị em giảm nhanh số cân nặng đã tăng lên trong thời gian mang thai. Cụ thể, cho con bú trong ít nhất 6 tháng giúp các bà mẹ thu nhỏ vòng eo và hông, lợi ích này thậm chí kéo dài nhiều năm sau khi sinh.
Bé đủ dinh dưỡng, phát triển tốt thể chất và trí não
Nuôi con bằng sữa mẹ được xem là sự lựa chọn tốt nhất cho bé. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, tất cả trẻ sơ sinh nên được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Sau thời gian này, mẹ có thể tập cho trẻ ăn dặm kết hợp với bú sữa mẹ trong hai năm tiếp theo hoặc lâu hơn.
Trái với quan niệm cho rằng sau năm đầu tiên sữa mẹ không còn nhiều dinh dưỡng, các chuyên gia cho biết em bé vẫn hấp thu đầy đủ chất đạm, canxi, chất béo, vitamin A cùng nhiều dưỡng chất khác từ sữa mẹ tương tự ở trẻ sơ sinh, bất kể bé bao nhiêu tuổi.
Không chỉ vậy, họ còn phát hiện bé bú sữa mẹ càng lâu thì khả năng miễn dịch càng mạnh. Thực tế cho thấy trẻ bú sữa mẹ có tỷ lệ mắc bệnh và tử vong thấp hơn. Đặc biệt trong những tháng đầu đời, sữa mẹ có thể giúp bảo vệ trẻ khỏi nhiều bệnh như nhiễm trùng ở đường hô hấp, tai và đường tiết niệu; tiêu chảy, táo bón và những bệnh khác về đường tiêu hóa.
Ngoài tăng cường đề kháng, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra lợi ích của sữa mẹ đối với sự phát triển trí não ở trẻ. Theo đó, các chất béo trong sữa mẹ không chỉ giúp hình thành lớp myelin bảo vệ sợi thần kinh, nhiều thành phần phi dinh dưỡng như enzyme và hoóc-môn còn thúc đẩy các tế bào phát triển ngay từ giai đoạn mới hình thành.
Các chuyên gia cho rằng cho con bú mẹ không chỉ thúc đẩy sự gắn kết tình cảm giữa mẹ và bé, mà còn là giải pháp hữu hiệu giúp xoa dịu tâm trạng của bé những lúc lo lắng, bất an, đồng thời người mẹ cũng được thư giãn tinh thần khi âu yếm bé.
ĐƯỜNG THẤT (Theo Health Site)