23/02/2019 - 07:31

Israel phóng tàu vũ trụ đầu tiên lên Mặt trăng 

Trong nỗ lực đổ bộ đầu tiên lên Mặt trăng, một tàu vũ trụ của Israel đã được phóng thành công từ Trạm Không quân Cape Canaveral ở Florida (Mỹ) vào tối 21-2 (giờ địa phương), nhờ một tên lửa đẩy Falcon 9 của công ty SpaceX. Sự kiện này đánh dấu mốc lịch sử  “kép” - lần đầu tiên Israel đưa tàu vũ trụ lên Mặt trăng và lần đầu tiên tàu vũ trụ tư nhân được đưa lên Mặt trăng. Nó được truyền hình trực tiếp đến Trung tâm Công nghiệp hàng không vũ trụ  Israel (IAI) trước sự chứng kiến của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Hình ảnh tàu vũ trụ Beresheet.  Ảnh: KFGO.com

Theo hãng tin Reuters, Beresheet (tên tàu đổ bộ không người lái nói trên) được phóng lên vũ trụ vào khoảng 20 giờ 45 phút tối 21-2 trên đỉnh của tên lửa cao 23 tầng Falcon 9. 34 phút sau khi phóng lên, Falcon 9 đã đưa tàu Beresheet lên quỹ đạo Trái đất.

Con tàu 4 chân, to cỡ một chiếc máy giặt và nặng 585kg này sẽ bay vòng quanh Trái đất cho đến khi nó bị trọng lực của Mặt trăng thu hút và đi vào quỹ đạo xoay quanh “chị Hằng”.  Tàu được thiết kế đổ bộ lên Mặt trăng và thả robot tự hành thám hiểm.

Dự kiến, Beresheet sẽ chạm bề mặt Mặt trăng vào ngày 11-4, sau khi trải qua hành trình dài 2 tháng vượt qua 6,5 triệu km trong vũ trụ. Một khi tiếp cận Mặt trăng, Beresheet sẽ dành 2-3 ngày để sử dụng các công cụ được trang bị để chụp ảnh vị trí đổ bộ và đo từ trường của hành tinh này. Toàn bộ dữ liệu sau đó sẽ được gửi về Trái đất.

Nếu sứ mệnh Beresheet hoàn thành, Israel sẽ trở thành nước thứ tư trên thế giới thành công trong việc đổ bộ lên Mặt trăng, sau Nga, Mỹ và Trung Quốc. Được biết, Beresheet được chế tạo bởi công ty công ty tư nhân SpaceIL và nhà thầu quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước IAI, với số kinh phí 100 triệu USD gần như được cung cấp bởi các nhà tài trợ tư nhân. Theo IAI, đây là tàu vũ trụ có khoản đầu tư thấp nhất từ trước tới nay trong số các sứ mệnh không gian.

Giống như Israel, Ấn Độ hy vọng trở thành nước thứ năm trên thế giới đến thăm “chị Hằng” bằng sứ mệnh Chandrayaan-2, với mục tiêu đưa tàu vũ trụ lên bề mặt của Mặt trăng để thu thập dữ liệu. Tương tự, Nhật Bản có kế hoạch phóng một tàu đổ bộ nhỏ lên Mặt trăng, mang tên SLIM, để nghiên cứu một khu vực núi lửa vào khoảng năm 2020-2021.

Ngày 22-2, tàu thăm dò Hayabusa2 của Nhật Bản đã đáp thành công xuống bề mặt một thiên thạch cách Trái đất 300 triệu km để thu thập các mẫu vật tại đây và đưa về Trái đất phục vụ nghiên cứu về sự hình thành của sự sống và hệ Mặt trời. Các quan chức thuộc Cơ quan Thám hiểm Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) cho biết tàu Hayabusa2 đã đáp xuống bề mặt thiên thạch Ryugu, bắn một viên đạn vào bề mặt thiên thạch này để thu thập các mẫu vật. Thiên thạch Ryugu, có đường kính 1km, được cho là chứa một lượng lớn các vật chất hữu cơ và nước từ khoảng 4,6 tỉ năm trước khi hệ Mặt trời mới hình thành. Giới khoa học hy vọng những vật chất này sẽ giải đáp những thắc mắc cơ bản về sự sống và vũ trụ như liệu các vật chất trong không gian có giúp hình thành sự sống trên Trái đất hay không. Tàu Hayabusa2, trị giá 30 tỉ yen (260 triệu USD), được phóng lên vũ trụ từ tháng 12-2014 và dự kiến sẽ kết thúc hành trình thám hiểm và quay về Trái đất năm 2020 với các mẫu vật thu thập được.

NG. CÁT (Theo AP)

Chia sẻ bài viết