30/05/2018 - 07:23

Iran âm thầm hiện đại hóa công nghệ tên lửa? 

Khi một vụ nổ xảy ra hồi năm 2011 gần như phá hủy cơ sở nghiên cứu tên lửa tầm xa của Iran và lấy đi sinh mạng của tướng Hassan Tehrani Moghaddam, một nhà nghiên cứu quân sự giám sát cơ sở nghiên cứu này, giới phân tích tình báo phương Tây cho rằng đây là dấu chấm hết đối với tham vọng công nghệ của Iran.

Hình ảnh vệ tinh địa điểm được cho là cơ sở nghiên cứu tên lửa của Iran. Ảnh: NYT
Hình ảnh vệ tinh địa điểm được cho là cơ sở nghiên cứu tên lửa của Iran. Ảnh: NYT

Kể từ đó, có rất ít bằng chứng cho thấy Iran phát triển tên lửa có tầm bắn vượt ra khỏi Trung Đông, trong khi giới lãnh đạo Iran khẳng định họ không có ý định phát triển thêm bất kỳ tên lửa nào. Tuy nhiên, khi một nhóm chuyên gia vũ khí ở Học viện nghiên cứu quốc tế Monterey (Mỹ) phân tích các chương trình truyền hình nhà nước Iran nhằm tôn vinh tướng Moghaddam, họ phát hiện ra rằng trước khi qua đời, ông cũng đã giám sát một cơ sở nghiên cứu tên lửa ở một sa mạc xa xôi tại Iran mà đến nay vẫn còn đang hoạt động. Một bức ảnh của ông Moghaddam được đăng tải vào năm 2017 cho thấy nhà khoa học quân sự này ngồi gần một chiếc hộp có ghi dòng chữ Shahrud vốn là vị trí của vụ một phóng thử tên lửa vào năm 2013. Sau khi phân tích các bức ảnh vệ tinh chụp tại Shahrud, các chuyên gia nhận thấy số lượng các tòa nhà tại khu vực tăng dần theo thời gian cũng như lưu lượng giao thông tại đây gia tăng đáng kể.

Nhóm các nhà nghiên cứu vũ khí xứ cờ hoa phát hiện, cơ sở nghiên cứu tên lửa trên hiện dường như chỉ tập trung vào việc phát triển động cơ tên lửa tiên tiến và nhiên liệu tên lửa. Họ dự đoán, có khả năng nơi đây đang phát triển các tên lửa tầm trung hoặc là một chương trình không gian phức tạp. Tuy nhiên, kết quả phân tích thành phần đất tiết lộ cơ sở này đang phát triển công nghệ cho tên lửa tầm xa. Theo đó, nhiều vết loang lổ trên mặt đất tại Shahrud cho thấy động cơ tên lửa từng được thử nghiệm tại đây và có khả năng xuất hiện từ năm 2016 đến 2017.

Giới chuyên gia cho rằng nếu phát hiện của họ là chính xác, chương trình trên sẽ không vi phạm thỏa thuận quốc tế nhằm ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân hay bất kỳ thỏa thuận chính thức nào khác. Tuy nhiên, nếu hoàn thành, nó có thể đe dọa châu Âu và có khả năng đe dọa cả Mỹ. Và nếu Iran bị phát hiện đang phát triển tên lửa tầm xa, căng thẳng giữa Tehran và Washington sẽ ngày một leo thang.

“Các bằng chứng có thể cho thấy các bước sơ bộ để phát triển một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Iran có lẽ từ 5-10 năm nữa sẽ ra mắt tên lửa này” - Michael Elleman, chuyên gia nghiên cứu tên lửa tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, có cùng nhận định Iran đang phát triển công nghệ tên lửa tầm xa.

Phát hiện trên được đưa ra giữa lúc Đại sứ Israel tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Danny Danon tuần qua thông báo với Hội đồng Bảo an LHQ rằng Iran hồi tháng 1 đã triển khai 2 vụ phóng thử tên lửa đạn đạo. Ông Danon nhấn mạnh, hai vụ phóng thử này rõ ràng đã vi phạm Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an LHQ, trong đó kêu gọi Iran không thực hiện bất kỳ hoạt động nào liên quan tới tên lửa đạn đạo được thiết kế có khả năng mang vũ khí hạt nhân. “Vào ngày 2-1, Iran đã phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung Shahab-3, rồi đến ngày 5-1 lại phóng thử tên lửa Scud. Cả Shahab-3 và Scud đều là tên lửa đạn đạo, có khả năng mang bom hạt nhân có trọng tải 500 kg đi xa hơn 300 km. Hoạt động này của Iran vi phạm Điều 3 Phụ lục B của Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an” – ông Danon  cho biết.

TRÍ VĂN (Theo NYT, Business Insider, Jpost)

Chia sẻ bài viết