10/01/2023 - 08:36

Internet trở thành đề tài phim ảnh 

BẢO LAM (Tổng hợp từ Wired, Hollywoodreporter)

Công nghệ AI trở nên phổ biến trong cuộc sống hiện đại và những câu chuyện trên mạng internet đã trở thành nguồn dữ liệu đa dạng để các nhà sản xuất khai thác thành phim. Những bộ phim được sản xuất lấy cảm hứng từ cuộc trò chuyện trên mạng được dự đoán sẽ trở thành xu hướng trong tương lai.

“Cocaine Bear” do Elizabeth Banks đạo diễn, dự kiến sẽ phát hành vào đầu năm 2023, đang thu hút truyền thông bởi đề tài mới mẻ: câu chuyện được khai thác từ những cuộc trò chuyện trên mạng. Hiện nay “Cocaine Bear” không phải là phim duy nhất lấy cảm hứng từ các dữ liệu trên internet, nhiều nhà sản xuất cũng đang đi theo xu hướng này.

“M3GAN” (ảnh) do Gerard Johnstone đạo diễn hiện đang gây sốt tại rạp cũng khai thác chủ đề này, khi đề cập đến sự tương tác giữa con người với công nghệ. “M3GAN” kể về robot cùng tên, do chuyên gia chế tạo robot Gemma phát minh. Khi nhận nuôi đứa cháu gái mồ côi, Gemma đã mang M3GAN về để cô bé robot này chăm sóc cháu mình và nhiều chuyện bất ngờ đã xảy ra. “M3GAN” đang nhận được nhiều lời ngợi khen của các nhà phê bình bởi câu chuyện sáng tạo, hài hước và không kém phần quái đản. Phim có mức chấm đến 98% điểm tích cực trên Rotten Tomatoes.

Một phim khác cũng gây chú ý nữa là “Cat Person”, tác phẩm được đề cập tại Liên hoan phim quốc tế Sundance 2023. “Cat Person” có sức hút vì cụm từ Cat Person đã xuất hiện giữa những cuộc trò chuyện xung quanh phong trào #MeToo. Ðó là câu chuyện về mối quan hệ phức tạp của một sinh viên năm hai đại học với một người đàn ông lớn tuổi. Nó trở thành truyện ngắn xuất bản năm 2017 và tạo nên cơn sốt. 5 năm sau, nó trở thành câu chuyện cảm hứng để ra đời phim “Cat Person” và được dự đoán sẽ tiếp tục tạo dư luận.

Thực tế, những phim dựa trên nền tảng dữ liệu của internet có rất nhiều và trang WIRED từng định dạng thể loại phim này với từ “phim internet”. Ðó là thuật ngữ chung để chỉ phim khai thác dữ liệu, hay những cuộc trò chuyện trên mạng, hay bất kỳ vấn đề nào được bàn tán, phát hành trên mạng. Cụ thể như phim “Slende Man” đã sử dụng một số văn hóa internet và chuyển nó lên màn ảnh. Bên cạnh đó là “The Meg”, “Snakes on a Plane”, “Bodies Bodies Bodies”… khai thác những chủ đề đa dạng từ mối liên hệ internet.

Việc thực hiện những phim theo xu hướng này vẫn còn gây tranh cãi. Cụ thể, ngày càng có nhiều người sử dụng ChatGPT để viết kịch bản và đề cương phim. Trí tuệ nhân tạo được đánh giá cao trong việc hỗ trợ kỹ xảo điện ảnh chứ chưa thực sự được công nhận ở lĩnh vực sáng tạo nội dung. Những phim được tạo ra từ xu hướng này rất có sức hút nhưng vẫn chưa có phim nào nhận giải Oscar. Tuy nhiên, những phim này lại không đi theo công thức chung của các phim bom tấn hay phim độc lập, mà có sự khác biệt riêng. Chính điều đó đã hình thành nên một thế hệ phim internet mới. Những phim này đều khác biệt, không rập khuôn và chỉ phục vụ cho một đối tượng khán giả cụ thể.

Chia sẻ bài viết