24/06/2018 - 10:51

Hy Lạp đã vượt qua khủng hoảng nợ? 

Các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) hôm 22-6 đã tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp đã chấm dứt, cho phép Athens thoát khỏi sự giám sát từ các chủ nợ châu Âu kể từ tháng 8 tới.

Ảnh: The Financial Express

Cụ thể, các bộ trưởng Eurozone đã nhất trí sẽ kéo dài kỳ hạn thanh toán lên 10 năm đối với các phần nợ chính trong tổng tiền nợ của Hy Lạp, vốn đã vươn lên gần gấp đôi sản lượng kinh tế hàng năm của nước này - vào khoảng 180% GDP quốc gia. Ngoài ra, các bộ trưởng Eurozone cũng đồng ý sẽ chi 15 tỉ euro (17,5 tỉ USD) nhằm giảm bớt căng thẳng cho Athens khi rời khỏi chương trình cứu trợ. Theo đó, chương trình cứu trợ hiện tại của Hy Lạp sẽ kết thúc vào ngày 20-8 tới.

Về phía Hy Lạp, Thủ tướng Alexis Tsipras đã ca ngợi thỏa thuận mới như là một bước đi “lịch sử”. Trong một cuộc họp vào tối cùng ngày, ông Tsipras tuyên bố đất nước có thể trở lại làm “một quốc gia xã hội và cam kết các biện pháp “thắt lưng buộc bụng sẽ dần được thay thế bằng công bằng xã hội”. Tuy cho biết Hy Lạp “đang sang trang mới”, nhưng ông cảnh báo rằng đất nước “không được phá hủy con đường thực thi cải cách và các nỗ lực về ngân sách”.

Được biết, Hy Lạp đã trải qua 3 chương trình cứu trợ tài chính với tổng trị giá 273,7 tỉ euro kể từ năm 2010. Đổi lại, nước này phải ban hành một loạt các biện pháp cải cách kinh tế khắc nghệt. Cuộc khủng hoảng nợ kéo dài 8 năm đã “hạ gục” 4 chính phủ của Athens và giảm 25% quy mô nền kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt và đang ở mức hơn 20%, khiến hàng ngàn thanh niên có học vấn nước này bỏ ra nước ngoài.

Trong khi đó, thỏa thuận vừa đạt được cho phép Athens có thêm thời gian để trả khoản nợ trị giá 96,9 tỉ euro và kéo dài thời gian gia hạn mà Hy Lạp sẽ trả tiền lãi ít hoặc không có lãi. Nhưng dưới sức ép từ bộ ba chủ nợ gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Hy Lạp đồng ý cắt lương hưu lần nữa trong năm 2019 và giảm ngưỡng thu nhập được miễn thuế cho hàng triệu người dân vào năm 2020. Việc cắt giảm thêm sẽ được thực hiện để duy trì mức thặng dư ngân sách 3,5%.

Tuy vậy, câu hỏi quan trọng hiện tại là liệu Hy Lạp có bước ra khỏi giai đoạn khủng hoảng nợ với một nền kinh tế mạnh mẽ hơn không. Theo Quartz, dù nền kinh tế nước này tiếp tục đứng trong số những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Âu vào quý đầu năm 2018, nhưng đây vẫn là một sự phục hồi mới mẻ và tăng trưởng kinh tế mất ổn định từ quý này sang quý khác.

Mặt khác, dù tỷ lệ thất nghiệp hiện thời của Hy Lạp đã giảm xuống từ mức cao nhất 28% vào giữa năm 2013, nhưng nước này vẫn có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất khu vực. Số liệu thống kê mới nhất còn cho thấy việc ngày càng nhiều người dân Hy Lạp đứng trước nguy cơ sống trong cảnh nghèo khó hơn so với khi các chương trình cứu trợ bắt đầu. Một thực tế đáng sợ là gần 50% số tiền vay trong các ngân hàng nước này là thuộc về những người không có khả năng thanh toán, một tình trạng tồi tệ hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực.

HẢI NGUYỆT (Theo AFP, BBC)

Chia sẻ bài viết