13/03/2023 - 21:55

Huy động tư nhân tham gia phát triển ngành hàng lúa gạo 

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng các cấp, các ngành chức năng đang hỗ trợ nông dân trồng lúa phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu, nông nghiệp "xanh", "sạch" và bền vững, giảm phát thải. Đề án 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, giảm khí phát thải vùng ĐBSCL đang được Bộ xây dựng nhằm hướng sản xuất lúa theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững. Cùng với việc phát huy các nguồn lực đầu tư từ Nhà nước, Bộ cũng đang huy động và thúc đẩy khu vực tư nhân tham gia phát triển ngành hàng lúa gạo.

Huy động khu vực tư nhân

Thu hoạch lúa tại TP Cần Thơ.

Thu hoạch lúa tại TP Cần Thơ.

Sản xuất lúa tại vùng ĐBSCL nói riêng và của Việt Nam nói chung đã đạt được nhiều thành công, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực (ANLT) quốc gia và có đóng góp tích cực cho ANLT trên thế giới. Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo ở nước ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, cũng như do ảnh hưởng bởi các chi phí sản xuất đầu vào tăng, giá cả đầu ra sản phẩm chưa ổn định. Đồng thời, việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ  lúa gạo có nguy cơ không bền vững do liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và các bên có liên quan trong chuỗi ngành hàng còn chưa chặt chẽ. Việc đầu tư cho chế biến sâu và khai thác các phụ phẩm từ quá trình sản xuất lúa gạo cũng còn hạn chế, lúa gạo còn chủ yếu xuất khẩu dạng thô, sản phẩm thiếu thương hiệu… nên chưa mang lại giá trị gia tăng nhiều, sản phẩm có sức cạnh tranh chưa cao. Trong khi có sự cạnh tranh của nhiều nước xuất khẩu gạo và người tiêu dùng trên toàn cầu đặt ra yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, an toàn của sản phẩm, đòi hỏi sản xuất phải thân thiện với môi trường.

Để khắc phục các khó khăn và hạn chế, Bộ NN&PTNT cùng toàn ngành Nông nghiệp đã và đang nỗ lực triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án, đề án, giải pháp công nghệ, chính sách nhằm phát triển ngành hàng lúa gạo bền vững. Đáng chú ý là Đề án 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, giảm khí phát thải vùng ĐBSCL. Bộ cũng thúc đẩy và huy động  tham gia của nhiều đối tác, khu vực tư nhân, nhằm huy động, tích hợp được tất cả các nguồn lực về nhân lực, về kinh nghiệm, về tài chính, công nghệ và thông tin… để nâng tầm phát triển cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thuộc Bộ NN&PTNT, cho biết: "Bộ NN&PTNT đã cho phép thành lập Nhóm công tác đối tác công tư (PPP) về lúa gạo. Qua đó, hướng đến việc thúc đẩy sự quan tâm, tham gia của cả các cơ quan nhà nước và khu vực tư nhân, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước để phát triển ngành hàng lúa gạo. Tạo điều kiện giúp cho người sản xuất nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo, đảm bảo sản xuất an toàn, bền vững, giảm khí phát thải, góp phần bảo vệ môi trường".

Thúc đẩy hợp tác công tư

Tại TP Cần Thơ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vừa phối hợp cùng Vụ hợp tác Quốc tế thuộc Bộ NN&PTNT và Ban thư ký Đối tác phát triển Nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV) tổ chức hội thảo "Định hướng Chiến lược của Nhóm công tác PPP ngành hàng lúa gạo Việt Nam". Hội thảo là dịp để các đối tác và các bên liên quan gặp gỡ, trao đổi thông tin và đề xuất các giải pháp, định hướng nhằm tăng cường liên kết, hợp tác, đặc biệt thúc đẩy hợp tác công tư để phát triển ngành hàng lúa gạo theo hướng bền vững, thích ứng BĐKH. Tại hội thảo, Ban tổ chức đã công bố quyết định thành lập Nhóm công tác đối tác công tư (PPP) về lúa gạo, Dự thảo quy chế và định hướng hoạt động của nhóm, kế hoạch hoạt động của nhóm năm 2023...

Theo bà Erin Sweeney, đại diện Grow Asia (Tổ chức Tăng trưởng châu Á), việc thành lập Nhóm công tác PPP ngành lúa gạo thể hiện một bước ngoặt quan trọng hướng tới chuyển đổi ngành lúa gạo nhằm đảm bảo tăng trưởng bền vững và toàn diện tại Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung. Tổ chức Grow Asia sẵn sàng hỗ trợ và hợp tác với các đối tác khối công và khối tư tại Việt Nam để xây dựng một chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo bền vững, với tiềm năng trở thành hình mẫu cho khu vực.

Nhóm công tác PPP có sự tham gia của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, hiệp hội ngành hàng, viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế... Hoạt động của Nhóm công tác PPP hướng đến mục tiêu đẩy mạnh thu hút đầu tư, hiện đại hóa hệ thống nông nghiệp và lương thực thông qua áp dụng công nghệ và kết nối đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy cải thiện chất lượng và tính bền vững của ngành lúa gạo Việt Nam thông qua khai thác nỗ lực sẵn có của các tác nhân đa dạng trong chuỗi giá trị. Nghiên cứu, đề xuất với Bộ NN&PTNT chiến lược, quy hoạch phát triển ngành hàng...

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Bộ NN&PTNT, thời gian qua Bộ đã có nhiều giải pháp, chính sách và kỹ thuật cụ thể để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo, đảm bảo thu nhập ổn định cho người trồng lúa, phát triển bền vững ngành lúa gạo. Đặc biệt, Bộ đã có Quyết định 555/QĐ-BNN-TT về phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030, hướng đến nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo. Để đạt được các mục tiêu trên, Việt Nam cần phải có những nỗ lực rất lớn, không chỉ từ phía Chính phủ mà cả khối tư nhân, doanh nghiệp, người sản xuất trực tiếp cùng tham gia. Trong đó, một trong những giải pháp then chốt được ưu tiên thực hiện là đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hình thức đối tác hợp tác công tư. Việc thành lập Nhóm PPP về lúa gạo là rất cần thiết và đúng lúc nhằm góp phần giải quyết những khó khăn và nâng cao giá trị gia tăng cho ngành lúa gạo. Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, việc thành lập Nhóm công tác PPP cũng hướng đến việc tham gia, hỗ trợ các địa phưng vùng ĐBSCL thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, giảm khí phát thải. Theo đó, tập trung triển khai các hoạt động nhằm mở rộng nhanh nhất các quy trình công nghệ, các giải pháp thông minh, giải pháp an toàn cho sản xuất.

Ngành lúa gạo nước ta đang chuyển dịch từ canh tác truyền thống sang phát triển theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ cao, công nghệ số, sản xuất lúa gạo phát thải thấp. Điều này đã góp phần tăng giá trị chất lượng và tính cạnh tranh của lúa gạo Việt Nam. Nước ta đã xuất khẩu gạo đến hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm hơn 15% tổng lượng gạo xuất khẩu trên thế giới. Ngoài các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc thì gạo Việt Nam cũng đã được đẩy mạnh xuất khẩu sang các khu vực thị trường nhiều tiềm năng khác, nhất là khi tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do. 
Chia sẻ bài viết