01/07/2019 - 07:02

Huy động mọi nguồn lực phòng chống thiên tai 

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai (PCTT), những tháng đầu năm 2019, thiên tai đã xảy ra ở khắp các vùng miền trên cả nước: mưa lớn cực đoan, mưa đá, giông lốc, sạt lở bờ sông, bờ biển... Nhất là tại khu vực miền núi phía Bắc, khu vực ÐBSCL đã xảy ra sạt lở, gây thiệt hại người và tài sản. Ðến nay (6 tháng đầu năm) đã có 23 người chết và mất tích; 36 người bị thương và thiệt hại lớn về hoa màu, tài sản của nhân dân. Dự báo 6 tháng cuối năm 2019, thiên tai diễn ra khốc liệt, dị thường so với 6 tháng đầu năm. Công tác phòng tránh, nâng cao ý thức phòng ngừa, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Hằng năm, TP Cần Thơ bị ngập nghẹt đường phố, trở ngại sinh hoạt, giao thông do triều cường lên cao, ảnh hưởng biến đổi khí hậu.

THIỆT HẠI NGHIÊM TRỌNG

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, thiên tai năm 2018 không diễn ra dồn dập và khốc liệt như năm 2017 nhưng vẫn là năm có nhiều thiên tai lớn cùng những yếu tố cực đoan, dị thường diễn ra trên khắp các vùng miền cả nước, với 16/21 hình thái thiên tai, cụ thể: 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, 212 trận giông, lốc sét; 15 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất lớn; 9 đợt gió mạnh trên biển; 4 đợt rét đậm, rét hại; 11 đợt nắng nóng, 23 đợt không khí lạnh; 30 đợt mưa lớn trên diện rộng; lũ thượng nguồn sông Cửu Long kéo dài và ở mức cao nhất kể từ 2011 đến nay; triều cường vượt mốc lịch sử tại một số tỉnh Nam bộ; sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra nghiêm trọng tại ĐBSCL và các tỉnh ven biển miền Trung.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, cho biết: “Do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai diễn biến bất thường, cực đoan hơn cả về cường độ, thời gian, địa điểm xuất hiện và trái quy luật. Nhiều nơi có mưa cục bộ với cường độ lớn, mưa trái mùa đến sớm, bão đổ bộ vào khu vực trước đây ít xuất hiện, lũ lớn kéo dài ở ĐBSCL; giông lốc, sét thường xuyên xảy ra và gây thiệt hại cho hầu hết các khu vực trên cả nước… Do đó, công tác phòng tránh không thể lơ là ”.

Nguy cơ ảnh hưởng sạt lở do nhà cửa xây dựng cặp bờ sông, rạch ở ĐBSCL còn nhiều. Trong ảnh: Khu dân cư cặp sông Ô Môn (TP Cần Thơ) có nguy cơ sạt lở cao.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng tránh thiệt hại về người và tài sản, nhưng năm 2018 cả nước vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề do thiên tai, với 224 người chết và mất tích (giảm 30% so với năm 2017), thiệt hại kinh tế khoảng 20.000 tỉ đồng (giảm 67% so với năm 2017). Từ đầu năm 2019 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 12 loại hình thiên tai làm 23 người chết và mất tích. Tổng thiệt hại về kinh tế ước trên 337 tỉ đồng… Năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) đã huy động lực lượng, phương tiện trực tiếp ứng cứu, xử lý  2.933 vụ thiên tai, cứu được 6.624 người và 328 phương tiện; Chính phủ đầu tư hàng ngàn tỉ đồng cho công tác khắc phục sự cố thiên tai...

Ở TP Cần Thơ, từ đầu năm 2019 đến nay, thiên tai do sạt lở, lốc xoáy, sét đánh đã xuất hiện gây ra thiệt hại về người và tài sản , làm 1 người chết và 2 người bị thương, thiệt hại tài sản gần 1,7 tỉ đồng. Đáng chú ý, vào đầu tháng 6,  huyện Thới Lai xảy ra một vụ sét đánh hai mẹ con ở xã Xuân Thắng. Hậu quả, em Nguyễn Minh Đức (sinh năm 2003) tử vong, người mẹ là chị Nguyễn Thị Hồng Miên (sinh năm 1975) bị thương. Tính đến ngày 20-6-2019, TP Cần Thơ xảy ra 14 vụ sạt lở bờ sông tại 6 quận, huyện: Thốt Nốt, Ô Môn, Bình Thủy, Cái Răng, Phong Điền và Vĩnh Thạnh. Tổng chiều dài các điểm sạt lở là hơn 306m, làm ảnh hưởng đến 24 căn nhà, trong đó có 6 căn bị sạt hoàn toàn. Ước tính thiệt hại gần 1,4 tỉ đồng. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố và các địa phương cũng kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai…

CHỦ ÐỘNG PHÒNG TRÁNH, GIẢM NHẸ THIỆT HẠI  

Trong 20 năm qua, mỗi năm trung bình thiên tai làm trên 400 người chết và mất tích; thiệt hại vật chất khoảng 1-1,5% GDP và ảnh hưởng đến môi trường, điều kiện sống cũng như các hoạt động kinh tế-xã hội, tác động lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước. Năm 2017 là năm có số lượng bão kỷ lục (16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới) xuất hiện và hoạt động trên Biển Đông, làm 386 người chết, 8.166 nhà bị đổ, sạt; 610.000 nhà bị ngập, hư hỏng và di dời khẩn cấp… Tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 60.000 tỉ đồng (tăng 300% so với trung bình nhiều năm). Trong đó, thiệt hại bão số 10 làm 6 người chết, 3.200 nhà bị sập, đổ, gần 200.000 nhà bị hư hỏng, tốc mái, nước dâng sóng lớn gây hư hỏng nặng các tuyến đê biển từ Hải Phòng đến Thừa Thiên-Huế... Về kinh tế thiệt hại khoảng 18.402 tỉ đồng. Bão số 12 làm 123 người chết và mất tích, 3.550 nhà bị sập đổ, gần 300.000 nhà bị hư hỏng, 73.744 lồng bè nuôi thủy sản; thiệt hại kinh tế khoảng 22.679 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Trước những diễn biến bất thường khốc liệt của thiên tai nhưng nhờ công tác chỉ đạo, điều hành, chỉ huy được triển khai quyết liệt, linh hoạt, kịp thời chính xác, nhất là của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT và hầu hết các địa phương đã không để xảy ra vỡ đê, không phân lũ, giảm ngập lụt, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản…”. 

Dự báo, năm 2019, trên cả nước có khả năng xuất hiện khoảng 10 đến 12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông từ tháng 7 đến 12-2019. Ở ĐBSCL ít có khả năng xuất hiện lũ sớm ở đầu nguồn sông Cửu Long. Đỉnh lũ năm 2019 xuất hiện ở đầu nguồn với mức báo động 1 đến báo động 2, thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm. ĐBSCL ít có khả năng xuất hiện lũ lớn, nhưng tiềm ẩn nguy cơ cường suất lũ lên nhanh hơn bình thường do tác động điều tiết dòng chảy từ thượng lưu... Những tháng cuối năm 2019, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT sẽ xây dựng Trung tâm điều hành PCTT Quốc gia vào cuối năm 2019; xây dựng Đề án tổng thể PCTT các khu vực, như: miền núi phía Bắc sẽ tập trung chính vào nâng cao năng lực ứng phó với lũ quét, sạt lở đất; miền Trung, Tây Nguyên sẽ tập trung nâng cao năng lực ứng phó với bão mạnh, siêu bão và tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL ở khu vực Tây Nam Bộ…

Tại  hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác PCTT-TKCN năm 2018, triển khai nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, biểu dương các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương nỗ lực trong công tác PCTT-TKCN. Thủ tướng cho biết Việt Nam là một trong năm nước chịu ảnh  hưởng lớn nhất bởi thiên tai, do đó, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương phải nhận thức rõ vấn đề này và luôn chủ động trong thực thi nhiệm vụ, đặc biệt là ứng dụng công tác bốn tại chỗ trong phòng tránh, khắc phục tư tưởng chủ quan, lơ là. Công tác phòng, chống, tránh và thích ứng với thiên tai phải được thực hiện một cách chủ động, thuận thiên để giảm thiểu thiệt hại, ổn định đời sống, bảo vệ và phát triển sản xuất của nhân dân; không để người dân phải ở trong cảnh “màn trời chiếu đất”, thiếu nước, thiếu đói do thiên tai gây ra… 

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết