Câu chuyện cậu bé Nguyễn Hữu Chính (ngụ ấp An Nghiệp, xã An Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng), bất chấp cửa tử, lao vào cứu mẹ nuôi, lay động biết bao trái tim. Dù mẹ nuôi qua đời, còn cậu bé Chính bị phỏng đến 96% nhưng Chính vẫn chưa bao giờ tiếc nuối vì hành động dũng cảm của mình. Gần 3 năm chống chọi với những cơn đau thể xác lẫn tinh thần, lấy bệnh viện là nhà, bác sĩ là bạn, Hữu Chính vẫn luôn căng tràn khát vọng sống, dù biết hành trình sắp tới còn lắm chông chênh.
Hữu Chính là con trong một gia đình Khmer nghèo ở An Nghiệp. Hè năm 2019, khi đó Chính 9 tuổi và vừa học hết lớp 3, vì muốn đỡ đần cho cha mẹ và có tiền sắm sửa cho năm học mới, Chính xin theo phụ giúp cho cha mẹ nuôi làm nghề vịt chạy đồng. Cha mẹ nuôi rất thương em, chủ yếu cho em theo để cuộc sống rày đây mai đó có thêm nhiều vui, vì ông bà không có con.
Trong một lần về ghe lấy cơm cho cha nuôi, Chính phát hiện bình ga rò rỉ, sắp phát nổ nên vội chạy lên bờ và gọi mẹ nuôi chạy thoát. Nhưng do mẹ nuôi không nghe, trong phút sinh tử, Chính không ngần ngại quay lại ghe tìm mẹ nuôi. Bình ga phát nổ. Mẹ nuôi của Chính qua đời sau khi được đưa đi cấp cứu ở TP Hồ Chí Minh 1 ngày. Còn Chính thì phỏng 96%, giành giật từng hơi thở từ “Thần Chết” và cuối cùng, em đã chiến thắng!
Sự dũng cảm và nghĩa tình của Chính lay động biết bao con tim. Khi hỏi Chính có hối hận về việc làm đó không, Chính dứt khoát một chữ: “Không!”.
Bây giờ, Chính đã 12 tuổi. Gần 3 năm qua là chuỗi ngày dài đằng đẵng, không đếm hết bao nhiêu lần Chính lên TP Hồ Chí Minh để thực hiện các cuộc phẫu thuật. Đã có khoảng 20 cuộc phẫu thuật trên cơ thể gầy gò của cậu bé dũng cảm. Lấy phần da lành ghép vào phần da sẹo, phẫu thuật nối tiếp phẫu thuật... đau đớn xiết bao nhưng Chính luôn ngoan ngoãn, nghe lời cha mẹ và các bác sĩ. Chính vừa được phẫu thuật căng thẳng các ngón tay phải co rúm vì sức nóng của lửa. Sau đó, Chính sẽ được phẫu thuật tiếp để tách rời các ngón tay bị dính.
Chị Thạch Thị Sà Ra, mẹ của Hữu Chính, cho biết: Sắp tới, còn không biết bao lần chị sẽ đưa con đến TP Hồ Chí Minh để phục hồi chức năng cho cậu bé dũng cảm. Sau khi phẫu thuật đôi bàn tay sẽ là giải quyết sẹo phỏng sau lưng rồi phẫu thuật mũi, vì mũi bị thương xẹp xuống, dính vào da, Chính thở chủ yếu bằng miệng và nói chuyện rất khó. Sau tai nạn, Chính ít nói, không cười, sợ lửa và hay ám ảnh kinh hoàng trong giấc ngủ chập chờn. Liệu pháp tâm lý cho Chính cũng lâu dài không kém. Kể đến đây, chị ôm con hôn và khóc...
Hữu Chính có hiếu lắm, thương và nghe lời cha mẹ. Chính cũng rất thương bà ngoại nữa. Chị Sà Ra kể, đi chữa bệnh về được cho tiền, bà ngoại qua thăm, em đưa 100.000 đồng cho bà ngoại. Bà cụ gần 90 tuổi nhìn cháu như vậy thì ta thán bằng những câu nói bằng tiếng Khmer, giọng điệu xót xa. Có khi bà ngoại qua thăm, hai bà cháu ngồi thật lâu mà chẳng nói lời nào. Tình yêu thương nói lên tất cả rồi.
Gia cảnh khó khăn, chồng lại bị bệnh không thể lao động, lúc trước chị Sà Ra là lao động chính trong nhà, nay thì lại là đôi chân, là hơi thở của Chính. Gia đình bộn bề khó khăn nhưng chị Sà Ra lúc nào cũng ở bên con, đồng hành cùng con trong hành trình gập ghềnh đã qua và phía trước. Chị đút cho con từng muỗng cháo, viên thuốc, kiên trì phục hồi chức năng vận động cho con. Hai mẹ con tập đi trong ánh ban mai, phía trước là tia nắng mặt trời chiếu sáng.
Đồng hành cùng Chính còn có rất nhiều nhà hảo tâm từ khắp nơi, mọi người mong muốn cùng Chính viết tiếp ước mơ được đi học, được thành người có ích cho xã hội. Ai cũng mong cậu bé dũng cảm có tương lai tươi đẹp.
Gần 3 năm qua, từ bệnh viện về lại thui thủi trong nhà, nhìn bạn bè chơi đùa ngoài ngõ, lắm khi Chính cũng chạnh lòng, nhưng em chưa bao giờ bỏ cuộc, chưa bao giờ dập tắt ước mơ. Chính nói: “Con sẽ ráng khỏe!”. Cậu bé dũng cảm bất chấp cái chết cứu mẹ nuôi ngày nào nay lại dũng cảm trong cuộc chiến với chính mình - cuộc chiến vì tương lai. Tin chắc rằng, Chính sẽ lại chiến thắng!
ĐĂNG HUỲNH