21/11/2010 - 21:16

TP Cần Thơ

"Hụt hơi" phát triển công nghiệp phụ trợ

Công nghiệp phụ trợ đóng vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy các ngành công nghiệp kỹ thuật, công nghệ cao phát triển. Tuy nhiên, việc phát triển công nghiệp phụ trợ ở TP Cần Thơ hiện tại vẫn “hụt hơi”, các sản phẩm công nghiệp phụ trợ đơn điệu và chủ yếu tập trung ở những doanh nghiệp (DN) dân doanh. Trong khi đó, TP Cần Thơ đang phấn đấu trở thành thành phố công nghiệp vào năm 2020. Nhiều nhận định cho rằng, nếu công nghiệp phụ trợ Cần Thơ không phát triển, sản phẩm công nghiệp công nghệ cao sẽ khó phát triển. Đây thực sự là thách thức cần phải có ngay các giải pháp...

Trên 80% nguyên phụ liệu của ngành may mặc phải nhập khẩu. (Trong ảnh: Xưởng may của Công ty CP May Meko – KCN Trà Nóc).

* “Hụt hơi” vì thiếu đầu tư

TP Cần Thơ dẫn đầu khu vực ĐBSCL về giá trị sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, thành phố vẫn thiếu sản phẩm công nghiệp chủ lực, trong khi công nghiệp chế biến vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Theo ước tính của ngành công thương thành phố, năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 19.286 tỉ đồng, tăng 15,8% so với năm 2009. Trong đó, công nghiệp ngoài quốc doanh 15.848 tỉ đồng, tăng 16,3% so năm trước; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 1.452 tỉ đồng, tăng 8,3%... Theo ước tính, đến năm 2010, tỷ trọng khu vực công nghiệp- xây dựng chiếm 44,16% trong cơ cấu GDP của thành phố (trong đó, công nghiệp là 39,1%), tăng 4,32% so với năm 2005. Giai đoạn 2006- 2010, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 18,6%/năm; trong đó, khu vực kinh tế nhà nước giảm 9%/năm, khu vực ngoài quốc doanh tăng 29,3%/năm và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,6%/năm. Một số sản phẩm công nghiệp được đầu tư phát triển mạnh như: chế biến thủy sản, xay xát chế biến gạo, phân bón, thuốc thú y- thủy sản, vật liệu xây dựng, sản xuất và phân phối điện...

Theo nhận định của các ngành chức năng thành phố, quy mô DN, sản phẩm, năng lực cạnh tranh vẫn còn hạn chế. Trang thiết bị dù được DN chú trọng đầu tư, đổi mới, nhưng chưa đồng bộ, nhiều lĩnh vực sản xuất dây chuyền công nghệ còn lạc hậu, làm ảnh hưởng đến giá thành và năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Tỷ trọng giá trị tăng thêm trên giá trị sản xuất có xu hướng giảm, năm 2000 đạt 33%, năm 2005 giảm còn 31%; giai đoạn 2009- 2010 xuống mức 29,4- 29,1%. Đây thực sự là thách lớn cho thành phố trong tiến trình công nghiệp hóa. Phát triển công nghiệp phụ trợ sẽ làm gia tăng giá trị tăng thêm trong ngành công nghiệp và giảm phụ thuộc vào nguyên liệu ngoại nhập. Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa của nhiều ngành công nghiệp vẫn phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nước ngoài, như công nghiệp ô tô, da giày, may mặc.

Ông Trần Chí Gia, Giám đốc Công ty cổ phần May Meko (khu công nghiệp Trà Nóc), cho biết: “Hiện nay, may mặc là một trong những ngành công nghiệp dẫn đầu của Việt Nam, nhưng phần lớn nguyên phụ liệu đầu vào phải nhập khẩu. Công ty chỉ mua gòn nhân tạo, chỉ, thùng catton, bao ni lông của các DN sản xuất trong nước- chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh, nhưng cũng chỉ chiếm khoảng 10% giá thành trong tổng nguyên phụ liệu đầu vào. Sản xuất hàng may mặc rất nhiều rủi ro, do vậy, phần lớn DN đều nhận gia công sản phẩm cho nước ngoài”. Theo ông Gia, nếu DN nhập nguyên liệu về tự làm ra sản phẩm thành phẩm và xuất khẩu, thì khó kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào (do tất cả đều nhập khẩu); chỉ cần một kiện hàng không đảm bảo chất lượng là DN gặp khó ngay.

Có thể nói, phát triển công nghiệp phụ trợ vẫn là thách thức lớn của cả nước, chứ không riêng gì TP Cần Thơ. Bởi đầu ra của sản phẩm công nghiệp phụ trợ phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn từ các sản phẩm ngoại nhập. Thêm vào đó, năng lực tài chính hạn chế, việc đầu tư dây chuyền sản xuất sản phẩm phụ trợ tốn kém, nên rất ít DN theo đuổi ngành công nghiệp này. Tại TP Cần Thơ chỉ một vài DN làm sản phẩm phụ trợ, chủ yếu trên lĩnh vực cơ khí. Vùng ĐBSCL đang đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, cơ giới hóa trên lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, DN vùng ĐBSCL khá năng động trong chế tạo ra những sản phẩm cơ khí (máy gặt đập liên hợp, máy xếp dãy...) nhưng chủ yếu là chế tạo phần khung, còn phần lõi (máy động cơ) vẫn phải nhập khẩu, hoặc đặt hàng ở TP Hồ Chí Minh. Nhiều DN cũng muốn đặt nhà máy sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp... nhưng ngành công nghiệp phụ trợ không phát triển, một con ốc vích cũng phải nhập từ nước ngoài, hoặc phải đặt hàng ở các DN tại TP Hồ Chí Minh, nên DN ngán ngại.

* Cần chiến lược dài hơi

Theo các chuyên gia, ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam nếu không phát triển được trong hiện tại và không có chiến lược dài hơi sẽ phải trả giá đắt, khi các nguyên phụ liệu đầu vào phụ thuộc vào DN nước ngoài. Bởi theo lộ trình, đến năm 2018, khi toàn khối ASEAN thực hiện chính sách miễn thuế (Hiệp định về thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung để xây dựng Khu vực mậu dịch tự do ASEAN), DN trong nước chịu sức ép cạnh tranh lớn trước sản phẩm ngoại nhập.

Phó giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ Dương Nghĩa Hiệp, cho biết: “Công nghiệp phụ trợ ở ĐBSCL và Cần Thơ vẫn còn ở vạch xuất phát. Ngành chế biến thủy sản, gạo vẫn là hai mặt hàng chủ lực trong sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của thành phố. Ngành công thương thành phố đang đánh giá lại thực trạng phát triển công nghiệp phụ trợ của thành phố, cụ thể là ngành cơ khí để có hướng mời gọi đầu tư. Hiện nay, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, đánh bắt, cảng... của vùng ĐBSCL rất cần sản phẩm công nghiệp phụ trợ để thay thế khi bị hư hỏng, nhưng không nhiều DN theo đuổi ngành công nghiệp này”. Theo ông Hiệp, cần có chính sách ưu đãi đối với những DN sản xuất sản phẩm phụ trợ, khi công nghiệp phụ trợ phát triển sẽ thúc đẩy những ngành công nghiệp công nghệ, kỹ thuật cao phát triển. TP Cần Thơ hiện có Nhà máy sản xuất ô tô Hyundai (Công ty Cổ phần Việt Nam ô tô Cần Thơ) đang hoạt động tại Khu công nghiệp Trà Nóc, công suất giai đoạn 1 khoảng 300- 350 chiếc/tháng (nhà máy đang lắp ráp khoảng 1.000 xe tải (tải trọng 2,5- 3 tấn/chiếc). Đây là ngành công nghiệp khá mới mẻ đối với Cần Thơ và vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, sản phẩm công nghiệp phụ trợ cho ngành công nghiệp ô tô ở Cần Thơ vẫn chưa có. Thành phố đã chấp thuận cho công ty mở rộng đầu tư xây dựng nhà máy sơn thô và sơn tĩnh điện (hiện công ty đang tiến hành đầu tư) nhằm đảm bảo quy trình sản xuất cho nhà máy, bởi hiện tại, nhà máy lắp ráp xong xe phải di chuyển lên TP Hồ Chí Minh để thực hiện các công đoạn cuối.

Theo định hướng phát triển của TP Cần Thơ giai đoạn 2011 -2015, phát triển công nghiệp được xem là mũi đột phá. Trong đó, tập trung vào công nghiệp chế biến- lương thực- thực phẩm, công nghiệp năng lượng và vật liệu mới, công nghệ sạch... để nâng dần vị thế của thành phố trung tâm, động lực vùng ĐBSCL. Phấn đấu, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp đạt bình quân 18- 18,5%; đóng góp 42,48% GDP vào năm 2015. Theo ông Dương Nghĩa Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, giai đoạn này, cần sàng lọc dự án để mời gọi đầu tư, chọn công nghệ sạch và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chú trọng dự án có sức lan tỏa vùng, trong đó, Cần Thơ sẽ phấn đấu thúc đẩy công nghiệp phụ trợ phát triển để cung cấp sản phẩm cho toàn vùng.

Bài, ảnh: Gia Bảo

Trên 80% nguyên phụ liệu của ngành may mặc phải nhập khẩu. (Trong ảnh: Xưởng may của Công ty CP May Meko – KCN Trà Nóc).

Chia sẻ bài viết