26/01/2019 - 07:46

Hương Tết với “Cô Thắm về làng” phần 4 

Sau ba mùa thành công, “Cô Thắm về làng” dần trở thành “đặc sản” phim truyền hình mùa Tết. Năm nay, phần 4 của phim vẫn mang câu chuyện ngập tràn tiếng cười, mang đậm hương Tết cổ truyền ấm áp. Phim dài 8 tập, phát sóng lúc 20 giờ, thứ hai đến thứ tư hàng tuần trên kênh HTV2. 

Gói bánh tét ngày Tết được tái hiện trong phim.

Phần 4 tiếp tục xoay quanh chuyện thường ngày của chị em Thắm (Tường Vi), Đượm (Sam), anh em Cần (Nhan Phúc Vinh), Kiệm (Jun Phạm), vợ chồng Toán (Long đẹp trai) – Lý (Puka). Nhưng lần này, Chí (Hoàng Anh) người anh trai có bệnh hoang tưởng của Lý trở thành đầu dây mối nhợ gây nên rắc rối. Với mộng tưởng “có ăn, có học, có địa vị xã hội” nhưng lại nói nhiều hơn làm, Chí gây nên nhiều chuyện dở khóc dở cười trong quá trình theo đuổi người trong mộng ở làng bên. Chuyện trở nên nghiêm trọng khi Chí cùng với bà Sáu "hết sảy" toan tính lừa gạt bà Lan, Việt kiều Pháp về quê tìm con gái bị trao nhầm năm xưa. Vì muốn trả đũa Thắm đã phá vỡ kế hoạch tìm vợ của mình, cũng như âm mưu chiếm đoạt một tỉ đồng từ bà Lan, Chí đã kéo Thắm vào cuộc và nói cô chính là người bà Lan đang tìm. Chuyện này không chỉ khiến gia đình Thắm xào xáo, mà chuyện tình của Thắm và Cần cũng đứng trước nguy cơ tan vỡ. Bà Lan kiên quyết nhận con và muốn đưa Thắm về Pháp. Trong khi Thắm cũng khó xử trước ông bà Năm - cha mẹ đã hết lòng yêu thương cô trong những năm qua, cũng như tình cảm với Cần khi cả hai cũng đang xác định ngày cưới.

Vẫn mang không khí quen thuộc của mùa Tết, “Cô Thắm về làng” phần 4 kể câu chuyện đời thường của những người dân quê chất phác, phúc hậu, đan xen những tình huống hài hước nhẹ nhàng. Tiếng cười tự nhiên từ tính cách của các nhân vật, ví như Chí nổi danh với câu cửa miệng “có ăn, có học, có địa vị xã hội”, hay “theo cái sự tính toán” của Toán, “sự lý giải” của Lý, hay tính cách ngây thơ, tình yêu gà mờ của cặp đôi Đượm - Kiệm. Với những tính cách đặc biệt đó, từng người lại gây nên những rắc rối, khiến người thân, cả làng vào cuộc, kéo theo “tam sao thất bản” làm nảy sinh những tình huống trớ trêu đến mức cả người trong cuộc cũng không biết đã gây chuyện nghiêm trọng. Mạch dẫn truyện của phim tự nhiên, chủ yếu dựa trên tính cách chất phác, hay quan tâm chuyện xóm làng của những người dân quê. Ở đó có quán bà Sáu “hết sảy” là trung tâm nghe nhìn, bàn bạc mọi chuyện của xóm làng. Mọi tin tức bát quái từ đây mà ra đã tạo nên không ít bàn tán của cả xóm trên làng dưới. Bên cạnh những tiếng cười rộn ràng, thoải mái, phim là câu chuyện ấm áp, lan tỏa về tình người, tình thân, mộc mạc, hào sảng của người miền Tây Nam bộ. Gia đình bà Tám, ông bà Năm, bà Sáu, gia đình Cần… lúc nào cũng ngập tràn yêu thương, quan tâm cho người thân.

“Cô Thắm về làng” phần 4 còn phảng phất nét đẹp của Tết truyền thống Việt Nam, khi giữ những nét văn hóa, phong tục tập quán của người miền quê đón Tết cổ truyền. Với những thước phim đẹp, chỉn chu về bối cảnh, âm nhạc cùng diễn xuất của dàn diễn viên quen thuộc, chắc tay, tung hứng nhịp nhàng, “Cô Thắm về làng” phần 4 thật sự phù hợp để giải trí dịp đầu năm.

BẢO LAM

Chia sẻ bài viết