31/03/2021 - 15:28

Hướng đến ổn định, bền vững trong xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu 

Sau hơn 9 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 25-4-2012 của Thành ủy “Ðẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đến năm 2020”, xây dựng (XD) nông thôn mới (NTM) thực sự trở thành một phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp được cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân toàn thành phố hưởng ứng. Nhờ vậy, chương trình XD NTM của thành phố đã hoàn thành trước một năm so với mục tiêu Nghị quyết 09 đề ra. Ðây là tiền đề đưa phong trào XD NTM của thành phố tiếp tục bứt phá ở giai đoạn mới.

Lễ công bố xã Thạnh Thắng và Thạnh Lợi của huyện Vĩnh Thạnh đạt chuẩn NTM nâng cao diễn ra vào tháng 1-2021.

Lễ công bố xã Thạnh Thắng và Thạnh Lợi của huyện Vĩnh Thạnh đạt chuẩn NTM nâng cao diễn ra vào tháng 1-2021.

Lan tỏa mạnh mẽ

Khi ban hành Bộ Tiêu chí TP Cần Thơ về xã đạt chuẩn NTM, TP Cần Thơ đã “nâng chuẩn” 4 tiêu chí so với Bộ Tiêu chí quốc gia về xã NTM. Ðó là tiêu chí số 10 về thu nhập đạt 50 triệu đồng/người/năm trong khi cả nước là 45 triệu đồng/người/năm; tiêu chí số 11 về hộ nghèo giảm xuống 4%, cả nước là giảm 6%; tiêu chí số 16 về văn hóa có 100% ấp đạt chuẩn ấp văn hóa, cả nước là 76% và chỉ tiêu 17.1 (trong tiêu chí số về môi trường và an toàn thực phẩm) tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch 65%, cả nước là 60%. Tuy vậy, thành phố vẫn về đích sớm hơn một năm so với Nghị quyết đề ra. Ðến nay, toàn bộ 36 xã và 4 huyện của thành phố đã đạt chuẩn NTM; 10/36 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đánh giá: Kết quả từ XD NTM ở Cần Thơ không chỉ là việc hoàn thành các tiêu chí theo quy định mà còn thể hiện ở hệ thống điện, đường, trường, trạm… ngày càng khang trang, sạch đẹp. Các chương trình, đề án, mô hình liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp được triển khai mạnh mẽ, mang lại hiệu quả cao. Và hơn hết, đời sống của người dân ngày một cải thiện qua thu nhập bình quân đầu người tăng dần theo từng năm, trong khi tỷ lệ hộ nghèo lại giảm đáng kể…

Ðến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 49,3 triệu đồng (tăng 24,3 triệu đồng so với năm 2011); tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn giảm còn 0,49% (giảm 9,34%); tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90% (tăng 61,5%); tỷ lệ lao động qua đào tạo là 75%; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ từ 5 tuổi trở xuống thể cân nặng theo tuổi là 9,5%...

Một điểm sáng nữa trong XD NTM hơn 9 năm qua là việc huy động nguồn lực để thực hiện các tiêu chí. Giai đoạn 2011-2020, TP Cần Thơ huy động hơn 13.758 tỉ đồng phục vụ XD NTM. Trong đó, ngân sách nhà nước hơn 6.072 tỉ đồng, chiếm 44,13%; vốn vay tín dụng hơn 5.489 tỉ đồng, chiếm 39,9%; vốn doanh nghiệp hơn 721 tỉ đồng, chiếm 5,25%; nhân dân đóng góp 1.475 tỉ đồng, chiếm 10,72%. Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, thông tin: Thành phố đã huy động được nhiều nguồn lực đầu tư cho XD kết cấu hạ tầng nông thôn như: giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch, các thiết chế văn hóa… Về phía các xã cũng từng bước chủ động, tự lực khai thác tiềm năng, lợi thế địa phương mình; đồng thời, kết hợp với việc đa dạng hóa nguồn lực từ bên ngoài để dồn sức cho việc hoàn thiện, nâng chất các tiêu chí NTM. Vai trò chủ thể của người dân trong XD NTM cũng được thể hiện rõ qua thực hiện các tiêu chí về nhà ở, tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập, giao thông...

Tăng mức độ thụ hưởng cho người dân

TP Cần Thơ phấn đấu đến năm 2025 có 24/36 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt tỷ lệ 66,6%, trong đó, có 8 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Thành phố đặt mục tiêu có ít nhất 1 huyện được công nhận huyện NTM nâng cao; khuyến khích các huyện đã đạt chuẩn NTM tiếp tục đầu tư, nâng chất phấn đấu trở thành huyện NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Về chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn, các xã phấn đấu thu nhập bình quân đầu người tăng ít nhất 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo các xã dưới 1%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95%; tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được cung cấp nước sạch đạt 94%...

Là địa phương đi đầu trong phong trào XD NTM của thành phố, huyện Phong Ðiền đã sớm lên kế hoạch, vạch lộ trình đưa XD NTM của huyện lên tầm cao mới. Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Ðiền, nói: “Huyện phấn đấu đến năm 2025 toàn bộ 6 xã đều đạt chuẩn xã NTM nâng cao, làm tiền đề đưa Phong Ðiền lên huyện NTM nâng cao, hướng đến mục tiêu thành huyện đô thị sinh thái sáng - xanh - sạch - đẹp. Ðể làm được điều này, chúng tôi xác định vận động, tuyên truyền vẫn là khâu then chốt. Trong đó, chú trọng tuyên truyền đến từng hộ gia đình để cho người dân hiểu trong XD NTM đâu là trách nhiệm của Nhà nước, trách nhiệm nào là của mỗi cá nhân, hộ gia đình. Khi hiểu thông suốt, thấu đáo thì người dân mới đồng thuận tham gia từng phần việc, chỉ tiêu trong bộ tiêu chí về xã NTM nâng cao, kiểu mẫu.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, thời gian tới, bên cạnh ưu tiên cho phát triển sản xuất, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, các xã còn phải chú trọng bảo vệ môi trường và tạo cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp. Các địa phương phát triển và nhân rộng mô hình đường hoa - cây xanh; nâng cao tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch; nâng cao tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được phân loại và xử lý phù hợp. Về phía thành phố tiếp tục kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Bộ tiêu chí xã, huyện NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 để các địa phương làm cơ sở ban hành Bộ tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu của địa phương và kịp thời triển khai thực hiện trong giai đoạn mới.

Ông Lê Quang Mạnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, chỉ đạo: Mỗi vùng, miền có đặc điểm, lợi thế khác nhau, vì vậy, khi đã đạt các tiêu chí chung, bước sang giai đoạn mới Cần Thơ phải hình dung ra sự khác biệt và phải cụ thể hóa những điều này trong chương trình, nghị quyết mới. Quá trình XD NTM, thành phố phải đảm bảo tính thực chất trong việc thực hiện từng tiêu chí và phải hướng đến mục tiêu cuối cùng là tăng chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn. Để làm được điều đó, chúng ta phải tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh mới có giá trị gia tăng cao hơn. Đặc biệt, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cần được đặc biệt quan tâm. Bởi đây là đòn bẩy để tạo chuyển biến trong chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, đưa các hoạt động sản xuất mới như du lịch, công nghiệp nông thôn, chế biến theo hướng hiện đại hóa, tạo ra giá trị kinh tế cao hơn…

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết