 |
Doanh nghiệp và Ngân hàng BIDV ký kết hợp tác nhân Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL diễn ra tại TP Cần Thơ trong năm 2012. |
Thời gian qua, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL không ngừng đẩy mạnh liên kết cùng phát triển, thông qua Diễn đàn Hợp tác Kinh tế ĐBSCL (gọi tắt là MDEC) được tổ chức hàng năm. Thông qua diễn đàn, các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đưa ra các giải pháp nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng theo hướng phát triển bền vững... Diễn đàn MDEC năm 2013 dự kiến diễn ra vào cuối năm với Chủ đề “ĐBSCL hướng đến nền kinh tế xanh”.
Diễn đàn MDEC là hoạt động liên kết mở nhằm tăng cường hợp tác và liên kết giữ các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL; hợp tác và liên kết giữa vùng với các bộ, ngành, các địa phương trong nước; liên kết giữa vùng với các tổ chức quốc tế và các nước
nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội và đối ngoại, phát huy tiềm năng, kinh tế to lớn của vùng ĐBSCL
Hoạt động này được duy trì tổ chức định kỳ hàng năm. MDEC năm 2013 do tỉnh Vĩnh Long đăng cai tổ chức (MDEC-Vĩnh Long 2013) có chủ đề “ĐBSCL hướng đến nền kinh tế xanh”.
Theo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, nông nghiệp giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của vùng ĐBSCL, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu của cả nước. Do đó, nền kinh tế xanh là cách để các địa phương trong vùng đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế và phát triển; đồng thời bảo tồn môi trường, ngăn chặn sự mất mát về đa dạng sinh học và giảm thiểu việc sử dụng không bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên. Thông qua MDEC-Vĩnh Long 2013, Ban chỉ đạo Diễn đàn còn thực hiện công tác an sinh xã hội cho người nghèo, học sinh, sinh viên nghèo vùng ĐBSCL; huy động các nguồn lực để xây dựng một số công trình trọng điểm của vùng ĐBSCL và tỉnh Vĩnh Long; tập hợp các sáng kiến, đề xuất nhằm đưa ra những giải pháp thích hợp để khai thác tối đa những tiềm năng, lợi thế ngành nông nghiệp của địa phương theo hướng phát triển kinh tế xanh, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng...
Mới đây, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Ban chỉ đạo Diễn đàn MDEC tổ chức họp thông qua chương trình tổng thể Diễn đàn MDEC-Vĩnh Long 2013. Dự kiến, Diễn đàn MDEC năm nay diễn ra từ ngày 5 đến 8-11-2013, với 7 chuỗi sự kiện chính. Đó là: Hội nghị xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực công nghệ sạch và công nghệ môi trường và Diễn đàn doanh nghiệp ĐBSCL năm 2013. Nội dung hội thảo nhằm đánh giá chương trình xúc tiến đầu tư của Diễn đàn MDEC các năm qua, trong đó có đánh giá việc xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực công nghệ sạch và công nghệ môi trường, đánh giá kết quả sau một năm đi vào hoạt động Hiệp hội doanh nghiệp ĐBSCL
Hội nghị xúc tiến đầu tư liên kết phát triển vùng ĐBSCL theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, quy hoạch phát triển chuỗi hệ thống đô thị xanh-thành phố xanh; việc xử lý nước thải, rác thải ở các đô thị
Hội chợ-Triển lãm “Tuần lễ môi trường xanh-Công nghệ xanh-Phát triển bền vững kinh tế xanh” vùng ĐBSCL, gắn với các hoạt động an sinh xã hội cho người nghèo vùng ĐBSCL và tỉnh Vĩnh Long. Trong khuôn khổ MDEC - Vĩnh Long 2013 còn có Hội thảo phát triển và nhân rộng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt đạt tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, tiêu chuẩn “nông nghiệp hữu cơ” tại vùng ĐBSCL; Hội nghị Ban chỉ đạo Diễn đàn MDEC-Vĩnh Long 2013...
Theo ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Trưởng Ban chỉ đạo Diễn đàn MDEC, qua các Diễn đàn MDEC đã tạo điều kiện cho các tỉnh, thành vùng ĐBSCL liên kết phát triển rất tốt. Nhất là qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2012, ĐBSCL có đến 10 tỉnh, thành nằm trong tốp khá, trong đó có một số địa phương đứng thứ hạng đầu cả nước... “ĐBSCL hướng đến nền kinh tế xanh” là chủ đề mới của MDEC so với các năm qua. Các bộ, ngành Trung ương, các địa phương tích cực phối hợp chặt chẽ với nhau để cùng Ban chỉ đạo, Ban tổ chức thực hiện nêu bật được chủ đề này, mang lại những kết quả thiết thực cũng như lâu dài cho sự phát triển của vùng ĐBSCL
UBND TP Cần Thơ cũng vừa ban hành Kế hoạch số 22/KH-UBND triển khai thực hiện “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2015 và tầm nhìn đến năm 2050”. Theo đó, thành phố xác định tăng trưởng xanh là tiến tới nền kinh tế phát triển bền vững, từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xanh hóa các ngành, các lĩnh vực tại địa phương. Nâng cao công tác nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi công nghệ tiên tiến vào sản xuất góp phần giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện môi trường tự nhiên, xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, từng bước nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường
Để đạt được mục tiêu nêu trên, UBND thành phố các sở, ngành có liên quan tăng cường và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch kinh tế - xã hội, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững. Rà soát quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, đặc biệt những ngành có tác động nhiều tới tài nguyên, môi trường, có hiệu quả sử dụng vốn và tài nguyên không cao, để xác định yêu cầu xanh hóa sản xuất, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải một cách có hiệu quả vào các quy hoạch hiện có và quy hoạch mới
Riêng về nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố phối hợp với sở, ngành thành phố, viện, trường và địa phương tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao với phương châm mục tiêu sản xuất sạch, tăng trưởng xanh. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học, tạo giống, các loại hình dịch vụ kỹ thuật, chú trọng dịch vụ giống nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng chất lượng cao và bền vững, giảm phát thải nhà kính, cải thiện môi trường, góp phần ứng phó biến đổi khí hậu. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, đóng góp sản phẩm và cung ứng dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao đáp ứng mục tiêu phát triển nông nghiệp của thành phố và vùng ĐBSCL
Bài, ảnh: ANH KHOA