20/03/2023 - 09:02

Hợp tác với doanh nghiệp giải quyết việc làm cho sinh viên 

Bài, ảnh: ÐẶNG NGỌC

Bên cạnh đổi mới chương trình, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, một số trường cao đẳng (CÐ) tại Cần Thơ nỗ lực tăng cường gắn kết với doanh nghiệp. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên (HSSV) sau tốt nghiệp.

Sinh viên Trường CÐ Cần Thơ đặt câu hỏi với doanh nghiệp tại buổi Tọa đàm “Ðẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp và giới thiệu việc làm cho sinh viên trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp” trong khuôn khổ Diễn đàn.

Trường CÐ Cần Thơ vừa tổ chức Diễn đàn hợp tác doanh nghiệp trong đào tạo và tuyển dụng lao động sinh viên năm học 2022-2023 (Diễn đàn), nhằm tạo cơ hội cho HSSV tiếp cận với môi trường làm việc, chuẩn bị hành trang lập nghiệp sau khi ra trường. Nguyễn Minh Lương, sinh viên ngành Quản trị mạng của trường, cho biết: “Trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với các công ty, tôi hiểu nhiều hơn nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, yêu cầu cần có của người lao động. Từ đó xác định bản thân cần nâng cao kỹ năng chuyên ngành, rèn luyện kỹ năng mềm nhiều hơn; tăng cơ hội tìm việc sau khi tốt nghiệp. Tôi định tìm việc ở quê nhà Cà Mau”. Còn Nguyễn Thị Tuyết Tâm, sinh viên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, chia sẻ: “Diễn đàn đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích, giúp tôi định hướng môi trường việc làm trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Quan trọng là mình phải có niềm đam mê, trách nhiệm với nghề đã chọn để đạt được thành công”.

Diễn đàn có chủ đề “Hợp tác chiến lược giữa Trường CÐ Cần Thơ và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực cho thị trường lao động” được tổ chức từ ngày 13 đến 17-3. Trong đó, từ ngày 13 đến 15-3, lãnh đạo nhà trường, các khoa chuyên môn thuộc trường họp cùng lãnh đạo một số doanh nghiệp có liên quan đến nghề đào tạo của đơn vị, để trao đổi nội dung chương trình đào tạo của ngành, nghề cụ thể; tập trung chú trọng thời gian, thời điểm, thời lượng chương trình đào tạo, thời lượng sinh viên thực tập, thực hành thực tế… nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho SV. Diễn đàn đã tạo thêm động lực học tập cho HSSV và vạch ra những định hướng mới cho nhà trường trong đào tạo phù hợp với thị trường lao động. Ðây cũng là dịp để các công ty, doanh nghiệp có cơ hội để lựa chọn nguồn lao động phù hợp cho đơn vị.

Theo ông Nguyễn Hữu Quý, Giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á, Chi nhánh Ninh Kiều, ngoài chuyên môn, để thành công HSSV cần có kỹ năng mềm, thái độ và tác phong làm việc của người lao động chiếm 70% để thành công. Bà Nguyễn Thị Huyền Trang, Quản lý Kinh doanh Miền Nam, Công ty Hải Phong, chia sẻ: “HSSV không chỉ có chuyên môn, cần rèn luyện thêm ngoại ngữ để thích ứng môi trường làm việc với các đối tác nước ngoài. Quan trọng là cần có định hướng nghề nghiệp rõ ràng và kiên trì với mục tiêu nghề nghiệp mình đã chọn”. Theo ông Ngô Thế Nhựt, Trưởng Phòng Tư vấn tuyển dụng, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên Cần Thơ, bên cạnh thế mạnh học thuật, HSSV còn thiếu là kỹ năng mềm như tự học, giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, quản lý thời gian. Do đó, đòi hỏi HSSV nỗ lực tự học, rèn luyện, cùng sự hỗ trợ của nhà trường.     

Thời gian qua, Trường CÐ Cần Thơ triển khai các mô hình gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp; hoàn thiện và phát triển chương trình đào tạo theo hướng đổi mới, linh động, sáng tạo gắn với nghề nghiệp thực tiễn, cải tiến phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển năng lực của người học... Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường CÐ Cần Thơ, cho biết: “Diễn đàn nhằm tạo sự gắn kết và cơ hội hợp tác lâu dài giữa nhà trường với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động; qua đó giúp SV nắm được những kỹ năng cần thiết đáp ứng nhu cầu xã hội, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động”. Hiện nay, tỷ lệ HSSV của trường tìm được việc làm sau tốt nghiệp trên 80%.

x  x  x

Mô hình gắn kết giữa trường và doanh nghiệp trong đào tạo, giải quyết việc làm cho sinh viên hướng đến mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực xã hội đang cần, mà không phải những cái trường đang có. Ðiều này cũng là mục tiêu chung của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố. Ðơn cử Trường CÐ Y tế Cần Thơ đã ký kết hợp tác với một số công ty, doanh nghiệp trong đào tạo. Cụ thể như ký kết với Công ty Cổ phần Dược phẩm FPT Long Châu (tháng 11-2022), nhằm gắn kết chặt chẽ giữa chương trình đào tạo và yêu cầu thực tế chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp, tạo động lực tích cực để Khoa Dược - Xét nghiệm thuộc trường ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng đúng xu thế nhu cầu tuyển dụng của xã hội.

Còn Trường CÐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, định kỳ hằng năm đều tổ chức Ngày hội và hoạt động giao lưu giữa HSSV - doanh nghiệp; hợp tác với doanh nghiệp góp ý, xây dựng chương trình đào tạo, chuyển giao khoa học công nghệ... Năm nay, trường dự kiến mở thêm ngành mới (Khoa học cây trồng) và 4 ngành đào tạo chất lượng cao. Theo Ban Giám hiệu Trường CÐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, bên cạnh hợp tác với doanh nghiệp, trường tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong công tác quản lý, dạy và học; kiểm tra, đánh giá kết quả dạy và học với các nền tảng giáo dục mới. Tiếp tục triển khai có hiệu quả mô hình đào tạo KOSEN, cải tiến môi trường làm việc theo 5S và ứng dụng công nghệ 4.0; tăng cường đầu tư nguồn lực, thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng chuyên môn, kết hợp đào tạo kỹ năng mềm cho HSSV. Với cách làm này, tỷ lệ HSSV tìm được việc làm sau tốt nghiệp đạt trên 95% và có nhiều ngành nghề có tỷ lệ đạt 100%.

TP Cần Thơ hiện có 69 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó 14 trường cao đẳng, 8 trường trung cấp; với quy mô tuyển sinh hàng chục ngàn HSSV mỗi năm. Những năm qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn mở rộng, đa dạng hóa ngành nghề, lĩnh vực, hình thức đào tạo phù hợp cho từng đối tượng người học. Không chỉ quan tâm đầu tư nguồn lực, đổi mới chương trình đào tạo như tăng thời lượng thực hành, giảm lý thuyết; mỗi trường cũng đồng thời có thế mạnh riêng trong hợp tác với các doanh nghiệp, tập đoàn để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, tay nghề cao thích ứng với thị trường lao động.

Chia sẻ bài viết