Sự kiện tổng kết 10 năm (2013-2023) Chương trình VLIR mạng lưới Việt Nam do Trường ĐHCT phối hợp với Trường ĐH Ghent, Vương quốc Bỉ, vừa tổ chức vào cuối tháng 10, một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của HTQT trong hoạt động của các trường. Tại buổi lễ, GS Koen Dewettinck, Điều phối viên Flemish, Trường ĐH Ghent, đánh giá cao hiệu quả khi đồng hành cùng Trường ĐHCT thực hiện Chương trình VLIR mạng lưới Việt Nam. Từ đó tạo cơ chế hợp tác giữa các trường ĐH, học viện Việt Nam và các trường ĐH vùng Flander, Vương quốc Bỉ trong hình thành mạng lưới cũng đạt các mục tiêu chung về đào tạo. “Chúng tôi mong muốn hợp tác với Trường ĐHCT thực hiện các dự án giáo dục trong tương lai để cùng phát triển”, GS Koen Dewettinck nói.
GS.TS Hà Thanh Toàn, Trường ĐHCT, Điều phối viên phía Việt Nam, cho biết chương trình hợp tác trên được tài trợ bởi Hội đồng các trường ĐH liên kết phía Bắc, Vương quốc Bỉ, với mục tiêu chung thiết lập một mạng lưới hợp tác giữa các trường ĐH vùng Flander, Vương quốc Bỉ và các trường ĐH Việt Nam. Qua đó, chương trình phát triển và củng cố mạng lưới hợp tác giữa các viện, trường; hợp tác đào tạo sau đại học trình độ thạc sĩ quốc tế và cấp bằng đôi trình độ tiến sĩ dựa trên nghiên cứu về sinh học thực phẩm. “Sau 10 năm, chương trình được triển khai rất thành công, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở 2 ngành Nuôi trồng thủy sản, Công nghệ thực phẩm”, GS.TS Hà Thanh Toàn cho biết.
VLIR có 2 dự án là P1 về Nuôi trồng thủy sản và P2 về Công nghệ thực phẩm, gồm hai giai đoạn (giai đoạn I: 2013-2018 và giai đoạn II: 2019-2023). Phía Việt Nam có 4 viện, trường phối hợp gồm Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ĐH Huế, Trường ĐH Nha Trang và Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II, TP Hồ Chí Minh. Sau 10 năm, chương trình đã tuyển sinh và đào tạo được 102 học viên, gồm 6 khóa chuyên ngành Nuôi trồng thủy sản được đào tạo tại Trường ĐHCT với 65 học viên và 5 khóa chuyên ngành Công nghệ thực phẩm với 37 học viên được tổ chức đào tạo luân phiên tại các trường thành viên của mạng lưới. Học viên tham gia chương trình đến từ 22 quốc gia trên thế giới. Treaser Galeta, đến từ Malawi, theo học chương trình thạc sĩ Nuôi trồng thủy sản giảng dạy bằng tiếng Anh, cho biết đã được học rất nhiều từ kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tế, đặc biệt là sự tận tâm giảng dạy của thầy cô giỏi. “Những kiến thức tích lũy trong chương trình, kinh nghiệm thực tế được học từ địa phương phát triển mạnh về thủy sản như ở Việt Nam và ĐBSCL giúp tôi ứng dụng, phát triển thủy sản cho quê hương mình sau khi tốt nghiệp”, Treaser Galeta nói.
Theo GS.TS Vũ Ngọc Út, Hiệu trưởng Trường Thủy sản, thuộc Trường ĐHCT, một trong những hoạt động của chương trình VLIR hướng đến là phát triển chương trình thạc sĩ quốc tế về nuôi trồng thủy sản, đã đào tạo đến khóa thứ 6, với 59 học viên đã tốt nghiệp, còn 6 học viên đang học sẽ tốt nghiệp vào đầu năm 2024. Giảng viên giảng dạy chương trình này cũng được tập huấn ở Bỉ về phương pháp giảng dạy, nâng cao năng lực tiếng Anh, tham gia các chương trình trao đổi… để vừa tăng cường kết nối trong các trường mạng lưới, vừa nâng cao chất lượng chương trình đào tạo. GS.TS Vũ Ngọc Út đánh giá: “Chương trình được thực hiện rất thành công vì các học viên tốt nghiệp về nước hoặc làm việc ở Việt Nam đã ứng dụng hiệu quả vào thực tế địa phương. Một số bạn ở các nước sau khi tốt nghiệp đã xin vào làm việc tại doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, được đánh giá rất cao về năng lực làm việc, trình độ chuyên môn”.
GS.TS Vũ Ngọc Út cho biết thêm, trường đang hướng đến phát triển các chương trình quốc tế liên kết với các trường trên thế giới để mở các học phần. Phát triển được các chương trình quốc tế sẽ nâng cao năng lực của cán bộ, giảng viên, góp phần tạo vị thế của Trường ĐHCT đối với khu vực, quốc tế. Hiện nay, trường có 2 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ quốc tế là Nuôi trồng thủy sản và Công nghệ thực phẩm. Nhà trường đang duy trì, nâng cao các chương trình này và tiếp tục phát triển các chương trình mới. Tại Trường Thủy sản, chương trình đào tạo Nuôi trồng thủy sản quốc tế thu hút học viên đến từ 15 nước trên thế giới, đặc biệt là khu vực châu Phi và số nước ở Đông Nam Á. Phát triển thủy sản hiện cũng là xu hướng của thế giới, góp phần vào xóa đói giảm nghèo, cũng như đảm bảo an ninh lương thực. Nhà trường góp phần thực hiện mục tiêu chung trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển lĩnh vực này.
* * *
Sau hơn 57 năm xây dựng và phát triển, Trường ÐHCT hiện đã có hệ thống chương trình đào tạo, cơ sở vật chất và trang thiết bị thực hành thực tập theo công nghệ hiện đại, tiên tiến thông qua các dự án HTQT. Những dấu ấn nổi bật trong HTQT của trường là Trung tâm Học liệu do Tổ chức Atlantic Philantropies (Mỹ) tài trợ; hay “Không gian sáng chế” do Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ thông qua dự án Build-IT;… Đặc biệt là Dự án Nâng cấp Trường ĐHCT sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản (tổng nguồn vốn 105 triệu USD), đã thúc đẩy nâng cao cơ sở vật chất, đào tạo cán bộ, nghiên cứu, nhất là thúc đẩy hợp tác giữa Trường ĐHCT với các trường của Nhật Bản. Dự án này có 4 hợp phần (phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu, mua sắm thiết bị, phát triển cơ sở vật chất) và đã hoàn thành vào cuối năm 2022. Trong đó, hợp phần phát triển nguồn nhân lực, đã đào tạo 36 tiến sĩ, 9 thạc sĩ về quản trị ĐH và 53 nghiên cứu ngắn hạn tại các Trường ĐH đối tác Nhật Bản. Đã có 91,6% giảng viên tốt nghiệp chương trình tiến sĩ, 100% viên chức, giảng viên tốt nghiệp chương trình thạc sĩ so với kế hoạch.
Theo đánh giá của lãnh đạo Trường ĐHCT, các giảng viên tham gia các chương trình, dự án HTQT khi trở về công tác tại trường đã khẳng định năng lực, mang lại luồng gió mới HTQT trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học cho sinh viên; mở rộng, nâng chất các chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế. Những sinh viên, học viên được thụ hưởng chương trình, dự án HTQT cũng được tiếp cận tri thức của các nước tiên tiến trên thế giới. Thông qua liên kết, HTQT trong đào tạo, nghiên cứu, trao đổi giảng viên, sinh viên, học viên các nước, cũng góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và các nước bạn. Treaser Galeta tâm tình: “Tôi yêu quý đất nước Việt Nam. Người Việt Nam rất thân thiện, tạo cho tôi cảm giác giống như được ở nhà, không có sự khác biệt giữa ở Việt Nam với quê hương tôi”.
Bài, ảnh: B.KIÊN