31/07/2021 - 07:32

Hợp tác EU - Việt Nam vượt khó trước đại dịch COVID-19 

Mặc dù gặp không ít những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, một  năm sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực thực thi (ngày 1-8-2020), kết quả thương mại và đầu tư giữa hai bên đã đạt được những hiệu quả tích cực. Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam là một trong những đối tác hàng đầu về thương mại, đầu tư của nhau. EVFTA đã làm tăng khả năng cạnh tranh và giúp hàng hóa của Việt Nam nói chung, TP Cần Thơ nói riêng mở rộng thị phần tại các thị trường đối tác, là động lực thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.

Hiệu quả hợp tác

Chuẩn bị hàng hóa xuất khẩu sang EU tại Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An.

Chuẩn bị hàng hóa xuất khẩu sang EU tại Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An.

Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và EU đạt 27,67 tỉ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng xuất khẩu, đạt 19,4 tỉ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tỷ lệ tận dụng mẫu C/O EUR1 đạt 29,09% trong tổng số kim ngạch xuất khẩu. Với những cam kết về quản trị minh bạch từ EVFTA và những cam kết tạo môi trường thương mại đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư của hai bên, Việt Nam đã tiếp nhận được nguồn đầu tư có chất lượng; tiếp cận kiến thức về khoa học và công nghệ tiên tiến từ EU để tạo ra những giá trị và lợi ích cho DN và nhà đầu tư của cả hai bên. Tính đến hết tháng 6-2021, EU có 2.221 dự án, tăng 142 dự án; vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 22,2 tỉ USD, tăng 499 triệu USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 5,58% tổng vốn đầu tư đăng ký của các nước và vùng lãnh thổ vào Việt Nam.

Hiện nay, mặc dù ở bước sơ khởi nhưng các giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam sang EU có tín hiệu đáng mừng. Các DN Việt Nam đã có những thành công ban đầu khi bắt đầu xây dựng được mô hình kinh doanh TMĐT xuyên biên giới của mình tại EU. Vừa qua 3 tấn vải thiều của Việt Nam đã được nhập khẩu sang Đức qua sàn TMĐT Voso. Điều này cho thấy, TMĐT xuyên biên giới đang là cơ hội lớn tại thị trường EU. DN Việt Nam sẽ có cơ hội thành công trên thị trường này nếu tiếp cận một cách bài bản và có một chiến lược dài hạn. Số liệu thống kê cho thấy, năm 2020, doanh số TMĐT xuyên biên giới của 16 nước lớn nhất EU đã đạt tới 146 tỉ Euro, tăng 35% so với năm 2019. Dự báo, năm 2022, doanh số TMĐT xuyên biên giới của 16 nước lớn nhất EU sẽ đạt 220 tỉ Euro.

Để tiếp cận tốt thị trường EU, TP Cần Thơ tăng cường phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức kết nối các DN xuất khẩu tham gia vào các hệ thống phân phối nước ngoài như: Walmart. Central Group, Aeon, LOTTE, Mega Market,… qua đó có 5 DN Cần Thơ được tập đoàn lựa chọn là nhà cung cấp. Phối hợp tổ chức lớp tập huấn chuyên sâu về cam kết thuế quan và quy tắc xuất xứ trong EVFTA; cập nhật thông tin từ Thương vụ của Việt Nam tại các nước nhằm kịp thời thông tin cho các DN xuất khẩu, những thông tin cảnh báo về rào cản kỹ thuật… Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) đã kịp thời thiết lập Cổng thông tin, tư vấn trực tuyến EVFTA miễn phí cho doanh nghiệp ĐBSCL (http://vccimekong.com/vi/thong-tin-chung-ve-evfta). Nhờ đó, DN ĐBSCL hiểu rõ hơn về EVFTA, được tư vấn, hỏi đáp cùng các chuyên gia chuyên sâu về Hiệp định ngay tại DN một cách thuận tiện, nhanh chóng và miễn phí.

Đồng bộ giải pháp

Theo nhận định từ Bộ Công Thương, bên cạnh những kết quả tích cực vẫn còn những tồn tại và một số khó khăn, thách thức trong việc thực thi EVFTA. Cụ thể như việc tận dụng các cam kết ưu đãi chưa thực sự tương xứng với tiềm năng; DN chưa thực sự quan tâm tới việc tìm hiểu và tận dụng cơ hội từ EVFTA; hoạt động phổ biến tuyên truyền về Hiệp định chưa đạt được hiệu quả như mong đợi. Một trong những nguyên nhân chính do đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế thế giới và Việt Nam, khiến cho các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, chuỗi phân phối bị gián đoạn. Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, EVFTA tiếp tục được kỳ vọng là động lực quan trọng thúc đẩy hoạt động thương mại giữa Việt Nam và EU, cũng như là động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, do ảnh hưởng dịch COVID-19 làm cho một số DN bị phá sản, một số phải thu hẹp, ngừng sản xuất, tình trạng mất việc, thiếu việc làm của người lao động còn diễn ra, đã ảnh hưởng đến đời sống của người lao động. Cùng đó, cán bộ đầu mối làm công tác hội nhập ở các Sở, ngành chủ yếu là kiêm nhiệm, phải đảm đương công tác chuyên môn nhiều nên việc nghiên cứu chuyên sâu triển khai thực hiện còn hạn chế. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, giai đoạn này, Sở sẽ tập trung tuyên truyền cho các DN chủ yếu thông qua hình thức triển khai văn bản, tham gia các hội nghị, hội thảo qua hình thức trực tuyến.

Trong bối cảnh đó, để thực thi EVFTA mang lại hiệu quả cần sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương cũng như DN. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã khai trương và đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử về các hiệp định thương mại tự do, trong đó có EVFTA. Đây được xem là công cụ hiệu quả để giúp DN nắm bắt thông tin về các cam kết của Hiệp định, nắm bắt thông tin thị trường để từ đó tận dụng hiệu quả Hiệp định. Cùng đó, cần có cơ chế thuận lợi hơn cho DN trong việc tiếp cận các khoản tín dụng; tăng cường kiện toàn, nâng cao năng lực cho bộ phận phụ trách về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và thực hiện EVFTA nói riêng. Đồng thời, chú trọng các biện pháp cải cách thủ tục hành chính, tăng cường các biện pháp hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng và DN, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về mặt chính sách. Chủ động hợp tác, liên kết để tạo chuỗi giá trị ngành hàng, từ sản xuất, canh tác, chế biến đến phân phối,…  Có như vậy mới đảm bảo được chất lượng sản phẩm, đáp ứng được các yêu cầu của Hiệp định và tiêu chuẩn của EU.

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết