13/07/2024 - 06:46

Homestay miệt vườn Cà Mau hấp dẫn khách quốc tế 

Anh Trần Văn Bì (31 tuổi, ngụ ấp Tân Thành, xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) đã khởi nghiệp từ mô hình homestay, thu hút du khách quốc tế đến trải nghiệm nếp sống bình dị của người dân Cà Mau.

Tận dụng lợi thế quê nhà làm du lịch

Sau khi xuất ngũ, anh Bì theo học ngành dược tại Trường Trung cấp Đại Việt Cần Thơ vào năm 2017. Khi ra trường, anh có thời gian dài gắn bó với công việc đúng với chuyên ngành đã học. Năm 2022, anh quyết định rẽ hướng mở homestay mang tên Bà Ngoại sau khi tìm thấy đam mê phát triển tiềm năng du lịch quê nhà khi trải nghiệm chuyến hành trình xuyên Việt. "Từ niềm đam mê và những trải nghiệm thú vị ở những vùng miền tôi đặt chân đến sau chuyến phượt xuyên Việt 68 ngày. Thấy nhiều nơi làm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, tôi cũng học hỏi được cách làm mô hình này từ nhiều nơi và đúc kết được nhiều kinh nghiệm. Sau chuyến đi, nhìn lại nơi mình sống tôi thấy cũng đẹp đâu thua kém nơi nào, lại có đủ mọi điều kiện thu hút khách du lịch nên tôi quyết tâm mở homestay, làm du lịch cộng đồng", anh Bì nói.

Tận dụng lợi thế tự nhiên, cảnh vật hoang sơ tại quê nhà, anh Bì mở homestay thu hút du khách quốc tế đến trải nghiệm một ngày làm người Cà Mau.

Trên diện tích 5.000m2 đất nhà, anh xây dựng nơi lưu trú theo hướng giữ nguyên nét bình dị, mang đậm chất miền Tây. Các căn nhà được lợp tôn bán kiên cố, giăng mùng cho khách ngủ, dùng quạt máy, tắm giặt tự túc... nhưng nào ngờ từ những điều tưởng chừng đơn giản đó lại thu hút rất nhiều khách ngoại quốc đến tham quan. Anh còn liên kết cùng nhiều hộ dân địa phương để du khách đến trải nghiệm đời sống, sinh hoạt, canh tác của bà con trong vùng. Homestay mang tên Bà Ngoại gây ấn tượng khó phai khi mang ý nghĩa gợi nhắc về những kỷ niệm tuổi thơ bên ông bà và khi khách đến ở tại homestay giống như trở về nhà ông bà, mang lại cảm giác vô cùng gần gũi.

Thời gian đầu hoạt động anh Bì cũng gặp nhiều khó khăn bởi hầu như bà con nơi đây chưa biết về du lịch cộng đồng là như thế nào. Anh phải đến từng nhà để giới thiệu về mô hình và lợi ích mang lại… Dần dần mới nhận được cái gật đầu từ bà con. Đến nay, có 5 hộ dân tham gia mô hình du lịch cộng đồng do anh triển khai. Nhờ đó giúp họ có nguồn thu nhập thêm hằng tháng. Chính vì không chọn tour cố định nên các đoàn khách có thể trải nghiệm nhiều điều thú vị về văn hóa, ẩm thực nơi đây. Khách được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị như bắt sò huyết, nhổ bồn bồn, bơi xuồng dỡ lú, câu cá, cho tôm ăn, đi đám cưới, đi đám giỗ ở Cà Mau... Tất cả các hoạt động này đều không lên lịch cụ thể, khách đến vào dịp nào, anh sẽ linh hoạt sắp xếp để khách trải nghiệm hoạt động đó.

Tự trau dồi vốn từ vựng để giao tiếp với khách

Sau thời gian đi vào hoạt động, Bà Ngoại homestay đã đón rất nhiều đoàn khách đến từ Mỹ, Anh, Pháp, Ðức, Ðan Mạch… Mỗi tháng, nơi đây đón 2-3 đoàn khách nước ngoài đến trải nghiệm. Để có vốn ngoại ngữ giao tiếp với du khách quốc tế, anh Bì tự nâng cao vốn từ vựng bằng cách tự học tiếng Anh giao tiếp. Hiện có thể tự tin với khả năng giao tiếp cơ bản của mình, có thể giới thiệu rành rẽ về cảnh sắc quê hương, những trải nghiệm "một ngày làm người Cà Mau". Bên cạnh đó, anh còn dạy cho những hộ dân liên kết làm du lịch những từ ngữ giao tiếp cơ bản để chào đón khách khi đến trải nghiệm tại nhà.

"Bản thân tôi tự trau dồi vốn tiếng Anh giao tiếp để có thể tiếp đón những đoàn khách quốc tế. Để 5 hộ dân liên kết làm du lịch cũng có chút vốn từ để tiếp đón khách, tôi cũng dạy một số câu giao tiếp cơ bản, nhưng do cô chú tuổi tác cao nên chỉ có thể học những từ đơn giản thôi. Tuy nhiên, chính cái tính hào sảng, chân chất của người miền Tây, những lời chào tiếng Anh nhưng nghe rặt miền Tây đó lại khiến du khách ấn tượng", anh Bì nói. Điều anh Bì ấn tượng nhất là việc những du khách Tây họ đều thích thú với những trải nghiệm dân dã miền Tây từ việc xắn quần lội ruộng, lặn hụp dưới bùn để nhổ bồn bồn, bắt cá… và thích thú thưởng thức, những món ăn được chế biến từ sản phẩm chính họ hái, bắt được. Thậm chí hòa mình vào không khí đám cưới miệt vườn như một người miền Tây thứ thiệt.

"Tôi nhớ có đoàn khách đến từ Mỹ đúng dịp ở xóm có đám cưới. Thế là cả đoàn cưỡi xe mô tô để đến tham dự. Thấy khách Tây đến dự, bà con ai cũng hào hứng, đón tiếp nhiệt tình, khách Tây thì thích thú hòa mình vào không khí ngày cưới. Đến khi trở về nước, họ cũng hứa hẹn sẽ trở lại vào dịp gần nhất", anh Bì kể. Thời gian tới, anh Bì dự định mở rộng mô hình, liên kết thêm nhiều hộ dân để khách có nhiều trải nghiệm thú vị. Bên cạnh đó, anh còn dựng nên những ngôi nhà lá cặp mé sông, trồng thêm cây ăn trái, nuôi thêm cá, gà, vịt... để du khách cảm nhận được nếp sống chân quê, bình dị.

Bài, ảnh: NGUYỄN TRINH

Chia sẻ bài viết