Ngành công nghiệp giải trí Hollywood đang đứng trước những cuộc sát nhập của các tập đoàn lớn, thu mua- liên doanh từ nước ngoài đã góp phần tạo nên cục diện mới, cũng như hình thành nên những cạnh tranh.
Chia lại chiếc bánh thị phần
Thương vụ Walt Disney mua lại 20th Century Fox vào giữa tháng 12 gây chấn động nền giải trí Hollywood, khi chấm dứt thế cục Big Six - 6 ông lớn: Disney, Fox, Universal, Warner Bros, Sony và Paramount đã tồn tại gần 100 năm qua tại kinh đô điện ảnh quốc tế.
“Star Wars: The Last Jedi”.
Bản hợp đồng thu mua có giá trị lên đến 66,1 tỉ USD, trong đó giá trị tài sản hiện hữu trị giá 52,4 tỉ USD, còn 13,7 tỉ USD chi trả cho các khoản nợ của Fox. Vụ thu mua này đã tác động rất lớn đến nền công nghiệp giải trí quốc tế. Năm 2016, Disney chiếm 26,09% thị phần điện ảnh, Warner Bros. đứng thứ hai với 16,86%, vị trí thứ ba thuộc về Fox là 12,92%. Như vậy, khi thương vụ hoàn tất, Disney sẽ sở hữu hơn 39% thị phần. Trong thế cục 5 ông lớn mới thiết lập, Disney trở thành gã khổng lồ khi có thị phần gấp đôi Warner Bros ở vị trí thứ hai. Steve Zeitchik của Washington Post cho rằng đây vụ sáp nhập gây chấn động thế giới giải trí và truyền thông, khi tái cơ cấu quyền lực trong ngành công nghiệp.
Ngay cả khi chưa sở hữu Fox, Disney đã dẫn đầu lĩnh vực điện ảnh. Năm 2017, Disney sở hữu nhiều bom tấn phòng vé: “Beauty and the Beast”, “Guardian of the Galaxy Vol2”, “Caribblean: Salazar’s Revenge”, “Thor: Ragnarok”… giúp hãng cán mốc 5 tỉ USD doanh thu phòng vé toàn cầu năm thứ 3 liên tiếp. Chưa kể, “Coco” và “Star Wars: The Last Jedi” vẫn đang càn quét ngoài rạp. Có thêm Fox, Disney sẽ sở hữu nhiều thương hiệu điện ảnh hái ra tiền: X-Men, Avatar, Deapool, Ice Age, Planet of the Apes. Bề nổi của thương vụ cho thấy Disney sẽ đoạt lợi thế ở thị trường điện ảnh, nhưng khi phân tích sâu, giới chuyên môn cho rằng Disney đang tham vọng phát triển mảng truyền hình và trực tuyến. Hãng nghiên cứu MoffettNathanson cho thấy sau thỏa thuận mua Fox, Disney sẽ kiểm soát 40% thị phần ngành truyền hình. Century Fox Television, FX Productions, Fox21, FX , National Geographic, Fox Sports, Fox Networks Group International, Star India…đều thuộc quyền sở hữu của Disney, thậm chí có cả 30% cổ phần trong Hulu- đơn vị phát hành phim trực tuyến đang được biết đến gần đây. Disney chuẩn bị kỹ càng cho dịch vụ phát trực tuyến của hãng khi chính thức vận hành vào năm 2019. Với đà này, Disney không chỉ là ông lớn điện ảnh mà còn là đối thủ mạnh của Netflix, Apple, Amazon, Google, Facebook ở mảng trực tuyến.
Thương vụ Disney thu mua Fox tạo lại thị phần mới đầy cạnh tranh. Thống kê từ Forbes dự báo, sau khi sát nhập Fox, Disney sẽ chiếm khoảng 40% thị phần, còn Warner Bros. và Universal mỗi bên sẽ chia nhau nắm từ 15-20% thị phần, còn 20-30% sẽ là thị phần chung của Paramount, Sony và Lionsgate, số ít còn lại 10-15% được san sẻ cho các hãng STX, A24… Tương lai không xa, Disney, Warner Bros. và Universal sẽ hình thành thế kiềng ba chân, chiếm lĩnh thị phần điện ảnh.
Cạnh tranh từ Trung Quốc
Chiếc bánh thị phần Hollywood còn ẩn chứa cạnh tranh từ bên ngoài, nhất là Trung Quốc. Hơn một năm nay, nhiều tập đoàn đầu tư của Trung Quốc đã không tiếc tiền thu mua các hãng phim, hệ thống rạp tại Mỹ và châu Âu. Tập đoàn Dalian Wanda bỏ ra 3,5 tỉ USD để mua lại Legendary Entertainment, cũng như đã sở hữu AMC Entertainment- hệ thống rạp chiếu phim lớn thứ hai ở Mỹ, Odeon & UCI- hệ thống rạp lớn nhất ở châu Âu. Dalian Wanda tỏ tham vọng mua lại Dick Clark Productions- nhà sản xuất chương trình của giải Quả cầu vàng, cũng như một trong 6 ông lớn của Hollywood, nhưng các thương vụ này đều không thành công. Thay vào đó, Dalian Wanda lại lập liên doanh với Sony Pictures Entertainment để trở thành một trong những đế chế truyền thông lớn nhất thế giới. Theo đó, liên doanh này sẽ giúp tăng cường sức mạnh của Dalian Wanda, tác động tới ngành công nghiệp điện ảnh toàn cầu và tạo tiền lệ tốt cho các nhà sản xuất phim Trung Quốc trong đầu tư quốc tế. Đây là áp lực và đe dọa không hề nhỏ cho Hollywood. Tính đến cuối năm 2016, Dalian Wanda đã sở hữu 260 rạp chiếu phim bậc nhất trong nước, với 2.300 phòng chiếu; trên 5.000 rạp chiếu của cụm rạp AMC. Dalian Wanda trở thành đối tác không thể bỏ qua của các nhà sản xuất và phát hành phim.
Alibaba Pictures là đơn vị thứ hai đầu tư vào thị trường Hollywood, qua các ký kết hợp tác, thu mua cổ phần trong công ty Amblin Partners để cùng sản xuất, tiếp thị và phân phối phim ảnh tại Trung Quốc cũng như trên toàn cầu. Trong một diễn biến khác, công ty Recon Holdings của Trung Quốc cũng thông báo đã mua 51% cổ phần của hãng phim tư nhân độc lập Millennium Films với giá 100 triệu USD. Mặc dù, Trung Quốc vẫn chưa thể can thiệp sâu vào thị phần giải trí Hollywood, nhưng những động thái về đầu tư đã tạo ra không ít ảnh hưởng đến thị trường. Thứ nhất, về doanh thu phòng vé, Hollywood đang có phần lệ thuộc ít nhiều vào thị trường tỉ dân của Trung Quốc, dù quốc gia này nghiêm ngặt kiểm duyệt phim nước ngoài (trung bình mỗi năm, Trung Quốc không cho phép quá 39 phim nước ngoài chiếu tại thị trường này). Thứ hai, chính là sự tham gia hợp tác đầu tư giữa Trung Quốc và Hollywood, đã tạo nên sự thay đổi thị hiếu khán giả, khi nội dung tác phẩm ít nhiều chịu sự chi phối của bên đầu tư. Các phim Hollywood những năm gần đây có xu hướng đáp ứng theo thị hiếu của thị trường Trung Quốc.
Trước những biến động về thị phần ngành công nghiệp giải trí, Hollywood chắc chắn sẽ có những thay đổi, nhưng theo chiều hướng nào vẫn chưa rõ ràng. Cuộc đua thị phần chắc chắn sẽ cũng có nhiều áp lực, nhất là với các hãng phim vừa và nhỏ. Hollywood có giữ vững bản sắc trước những cơn bão đầu tư đến từ bên ngoài, hay sẽ bán mình để tồn tại?
BẢO LAM (Tổng hợp từ Business Insider, Forbes, Washington Post)