16/05/2012 - 21:45

Hollande và Merkel nỗ lực hợp tác vì Eurozone

Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên vào ngày 15-5, tân Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel thừa nhận đôi bên có sự khác biệt về biện pháp thúc đẩy tăng trưởng tại châu Âu, khu vực đang bị “bóng ma” suy thoái kinh tế đeo bám. Tuy vậy, hai bên cam kết sẽ hướng tới một giải pháp chung để giới thiệu tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) vào cuối tháng 6.

Tín hiệu lạc quan từ bộ đôi “Merkollande”

 

Cuộc họp giữa hai lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất châu Âu được dư luận quan tâm đặc biệt, mong muốn họ gạt bỏ những bất đồng, cùng nhau tìm cách đối phó cuộc khủng hoảng nợ công đang đe dọa làm tan rã liên minh tiền tệ 13 năm tuổi.

Tổng thống Hollande tuyên bố hiện thực hóa cam kết của mình trong chiến dịch tranh cử, bao gồm thay đổi trọng tâm chống khủng hoảng sang thúc đẩy tăng trưởng và đàm phán lại thỏa thuận tài chính đã được bà Merkel cùng các nhà lãnh đạo EU nhất trí – điều mà Thủ tướng Merkel không hề mong muốn. Tuy nhiên, trong cuộc hội đàm diễn ra tại phủ thủ tướng Đức ở Thủ đô Berlin, hai nhà lãnh đạo Pháp-Đức đã gác lại những ý kiến trái chiều, với hy vọng tìm ra sự thống nhất cho vấn đề của Eurozone. “Tăng trưởng phải giúp ích cho mọi người. Đó là lý do tại sao tôi vui khi chúng tôi có thể thảo luận những ý tưởng khác nhau về cách đạt được tăng trưởng”- bà Merkel nói trong cuộc họp báo chung với ông Hollande.

Mục tiêu của hai nhà lãnh đạo là đưa ra những đề xuất chung tại hội nghị thượng đỉnh EU vào cuối tháng 6 tới. Theo đó, thay vì đàm phán lại thỏa thuận tài chính đã được bà Merkel cùng các nhà lãnh đạo EU thông qua, họ muốn bổ sung vào đó một “thỏa thuận tăng trưởng” mới. Berlin đã “bật đèn xanh” cho thấy họ sẵn sàng tiếp nhận những ý tưởng của Tổng thống Hollande, bao gồm sử dụng một cách linh hoạt hơn quỹ viện trợ của EU, trao vai trò lớn hơn cho Ngân hàng đầu tư châu Âu và giới thiệu “trái phiếu công trình” để thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng như mạng lưới giao thông và năng lượng.

Nhiều người tin rằng sự hợp tác của bà Merkel và ông Hollande có thể tạo thành một liên minh mang tên “Merkollande”, được cho sẽ còn khắn khít hơn cả bộ đôi “Merkozy” trước đây.

Thách thức mang tên “Hy Lạp”

“Điểm nóng” của cuộc khủng hoảng nợ công ở Eurozone hiện nay là Hy Lạp, nước vừa thất bại một lần nữa trong thỏa thuận thành lập chính phủ và kêu gọi một cuộc bầu cử mới, điều có thể khiến họ rời khỏi khu vực đồng euro.

Lời kêu gọi bầu cử của Tổng thống Hy Lạp Karolos Papoulias hôm 15-5 gây chấn động Eurozone bởi họ lo ngại phe chống chính sách “thắt lưng buộc bụng” trong Quốc hội Hy Lạp có thể hủy hoại các thỏa thuận mượn nợ, gây ra rắc rối mới ở Bồ Đào Nha và Ireland, hai nước cũng đang ngập nợ và phụ thuộc vào các khoản vay nước ngoài. Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy phe đối lập Syriza do ông Alexiz Tsipras lãnh đạo sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử mới, dự kiến diễn ra trong tháng 6 tới. Ông Tsipras chủ trương rời khỏi Eurozone vì cho rằng các điều khoản trong thỏa thuận mà Chính phủ Hy Lạp thông qua để nhận gói cứu trợ từ EU là không thể đạt được.

Mặc dù cả Thủ tướng Merkel và Tổng thống Hollande đều bày tỏ mong muốn Athens ở lại với Eurozone, có nhiều ý kiến cho rằng nếu Hy Lạp – nước đang trải qua cơn suy thoái năm thứ 5 liên tiếp với tỷ lệ thất nghiệp lên tới 22%, từ bỏ đồng euro sẽ giúp Eurozone nhẹ lo và giúp liên minh này tránh được sự lây lan của “căn bệnh” nợ công.

THANH TRÚC (Theo Reuters, LA Times)

Chia sẻ bài viết