24/09/2022 - 16:13

Hội thảo “Chống chịu khí hậu tổng hợp và phát triển bền vững vùng ĐBSCL” 

(CT) - Ngày 24-9-2022, tại TP Cần Thơ, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT); bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; ông Benoit Bosquet, Giám đốc Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương về Phát triển bền vững (Ngân hàng Thế giới) đồng chủ trì Hội thảo “Chống chịu khí hậu tổng hợp và phát triển bền vững vùng ĐBSCL”. Ông Lê Quang Mạnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ; ông Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ; đại diện các cơ quan Trung ương và địa phương trong vùng, các đối tác phát triển, các viện nghiên cứu, học viện, các nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế dự hội thảo (ảnh).

Tại hội thảo, các báo cáo, tham luận được trình bày xoay quanh vấn đề về khung tích hợp dài hạn cho phát triển bền vững và chống chịu với khí hậu của vùng ĐBSCL; các biện pháp can thiệp chính trong khung tích hợp (cơ sở hạ tầng, hệ sinh thái, con người và sinh kế) và cơ chế điều phối, phát triển vùng; công bố báo cáo của Ngân hàng Thế giới về hướng tới chuyển đổi nông nghiệp xanh ở Việt Nam - chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp… Theo đó, các vấn đề được nhấn mạnh là chuyển sang trồng lúa carbon thấp sẽ có tiềm năng cao nhất để Việt Nam đạt mục tiêu cắt giảm 30% lượng khí mê-tan vào năm 2030, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh của ngành hàng xuất khẩu chiến lược này. Báo cáo với tiêu đề “Hướng tới chuyển đổi nông nghiệp xanh ở Việt Nam - chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp" đã gợi ý rằng Việt Nam có thể chuyển đổi ngành lúa gạo bằng việc cắt giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên và tăng sản lượng, tăng cường khả năng chống chịu và đa dạng hóa sản xuất. Việc chuyển đổi này đòi hỏi đầu tư đáng kể và cải cách chính sách lớn để điều chỉnh các biện pháp khuyến khích cũng như phối hợp hành động của các bên liên quan ở tất cả các cấp. Nhiều đại biểu đã chỉ ra những tồn tại của sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh khí hậu biến đổi, cần giải pháp chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng chuyên nghiệp, “thuận thiên” theo từng vùng sinh thái của ĐBSCL...

Bà Carolyn Turk phát biểu tại hội thảo.

Bà Carolyn Turk phát biểu tại hội thảo.

Theo bà Carolyn Turk, ngành nông nghiệp dù đạt rất nhiều thành tựu, nhưng vẫn là nhân tố đóng góp quan trọng vào việc phát thải khí nhà kính ở Việt Nam. Đã đến lúc bắt buộc phải chuyển đổi sang phương thức canh tác carbon thấp hơn. Kinh nghiệm cho thấy chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh. Ngân hàng Thế giới đã đồng ý phát triển một dự án mới ở ĐBSCL nhằm hỗ trợ giải quyết các thách thức về quản lý tài nguyên nước và xây dựng sinh kế nông nghiệp trong thời kỳ biến đổi khí hậu (BĐKH); đồng thời tiếp tục hỗ trợ thông qua việc huy động kiến thức hiện đại, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để thực hiện tầm nhìn và mục tiêu phát triển bền vững ĐBSCL… 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại hội thảo.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại hội thảo.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ sẽ ghi nhận các ý kiến tại hội thảo và sẽ xây dựng, triển khai thực hiện khung quy hoạch tích hợp dài hạn cho phát triển bền vững và chống chịu với biến đổi khí hậu của vùng ĐBSCL thời gian tới. Bộ trưởng nhấn mạnh, trong tương lai ĐBSCL chú trọng chuyển đổi mô hình sản xuất, thích ứng biến đổi khí hậu, đáp ứng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tích hợp là tập trung thực hiện các quy hoạch, sáng kiến nhằm tạo ra giá trị sản xuất nông nghiệp cao hơn trên một không gian diện tích, trong đó chính quyền, nhà khoa học, nông dân là lực lượng nòng cốt thực hiện quy hoạch tích hợp này…

Tin, ảnh: H.VĂN

Chia sẻ bài viết