14/10/2020 - 05:54

Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 - 14/10/2020)

Hội luôn đồng hành cùng nông dân 

Hiện thực hóa chủ trương phát triển tam nông, các chính sách hỗ trợ nông dân về nhiều mặt của Đảng và Nhà nước ta, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể TP Cần Thơ tập trung các nguồn lực để phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, cải thiện, nâng cao đời sống nông dân. Trong đó, các cấp hội nông dân (HND) thành phố luôn đồng hành, tích cực hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp nông dân phát triển kinh tế, vươn lên khá, giàu. Với sự đồng hành của HND, phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi được duy trì và phát huy hiệu quả, với hơn 72.690 hộ đăng ký thực hiện hằng năm.

Khơi dậy tinh thần ham học hỏi, khát vọng vươn lên của nông dân

Ông Lê Bá Phước, Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ, đến thăm mô hình sản xuất của hội viên nông dân.

Ông Lê Bá Phước, Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ, đến thăm mô hình sản xuất của hội viên nông dân.

Nhiều năm trước, ông Nguyễn Cao Khải (ngụ tại xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh) chỉ trồng lúa hàng hóa nhưng do giá cả bấp bênh, lợi nhuận không cao, 5 năm qua, ông chuyển sang trồng lúa giống. Theo ông Khải, lúc ban đầu, ông gặp nhiều bỡ ngỡ nhưng nhờ được tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng lúa giống, các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật trong canh tác lúa và bản thân ông không ngừng tìm tòi, học hỏi để tạo ra hạt giống chất lượng, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Hiện nay, trên 6ha trồng lúa giống, vụ vừa qua, ông Khải thu lợi nhuận khoảng 564 triệu đồng, cao hơn nhiều so với sản xuất lúa hàng hóa.

Hay như ông Trần Văn Ri, nông dân khu vực Thới Trinh A, phường Thới An, quận Ô Môn cũng là một trong những nông dân tiên phong trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang đến hiệu quả kinh tế cao. Ông Ri chia sẻ, vào năm 2005, 1ha đất trồng nhãn da bò của gia đình bị nhiễm bệnh chổi rồng, ông đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây nhãn Ido và cam xoàn sau khi được Hội vận động và hỗ trợ đi tham quan các mô hình làm ăn có hiệu quả. Hiện nay, cây nhãn Ido và cam xoàn mang về lợi nhuận bình quân cho gia đình ông khoảng 340 triệu đồng/năm. Ông Ri cũng mở rộng thêm 1ha diện tích trồng nhãn Ido và cam xoàn, đang trong giai đoạn cho trái. Mô hình của ông Ri còn tạo việc làm cho 12-15 lao động theo mùa vụ, với mức lương bình quân từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.

Thành công của ông Khải, ông Ri chính là việc mạnh dạn, "dám nghĩ dám làm” và chuyển đổi cây trồng mới để phát triển kinh tế hộ. Đó cũng là tinh thần chung của rất nhiều nông dân khác trên địa bàn thành phố. Trong nông dân, ngày càng có nhiều mô hình sản xuất có quy mô lớn, đạt chất lượng, hiệu quả cao; nhiều hộ thu nhập từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng mỗi năm. Điển hình như: ông Lý Văn Bon (phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy) với mô hình nuôi cá, chế biến và dịch vụ du lịch có thu nhập mỗi năm trên 10 tỉ đồng; ông Tiêu Ngọc Lợi (ấp Tân Lập, xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh) thực hiện mô hình sản xuất lúa, kinh doanh vật tư nông nghiệp, thu nhập hằng năm gần 4 tỉ đồng; ông Hồ Bá Phiêu (khu vực Lân Thạnh, phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt) sản xuất lúa giống có thu nhập trên 1,2 tỉ đồng/năm; ông Đoàn Văn Thi (ấp Trung Hóa, xã Trường Xuân A, huyện Thới Lai) với mô hình sản xuất lúa, nuôi thủy sản, kinh doanh vật tư nông  nghiệp có thu nhập trên 1,5 tỉ đồng/năm;…

Phát huy vai trò đồng hành

Theo ông Lê Bá Phước, Chủ tịch HND TP Cần Thơ, thời gian qua, các cấp HND luôn quan tâm, đồng hành cùng nông dân phát triển kinh tế. HND thành phố đã tích cực chỉ đạo các cấp Hội và chủ động phối hợp với các ngành có liên quan triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn; hướng dẫn xây dựng nhiều mô hình kinh tế hợp tác, mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP; phối hợp với các doanh nghiệp triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ nông dân. Đồng thời tích cực tư vấn, hỗ trợ, cung ứng dịch vụ, tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học nhằm nâng cao trình độ cho hội viên nông dân… Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã chủ động phối hợp cùng ngành Nông nghiệp tổ chức 6.867 cuộc tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trên các lĩnh vực thu hút 207.344 lượt hội viên, nông dân tham dự; tổ chức 6.041 cuộc hội thảo đầu bờ, tham quan mô hình…

Để hỗ trợ hội viên nông dân xây dựng thương hiệu hàng hóa, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nông sản, HND thành phố đã trực tiếp hỗ trợ hoàn thành các thủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hóa nông sản theo chủ đề từng năm. Đến nay, đã tiến hành xây dựng 34 nhãn hiệu, trong đó có 12 nhãn hiệu đã được cấp giấy chứng nhận. Đồng thời, xây dựng các chuỗi giá trị nông sản trên lúa gạo, ổi ruột hồng (xã Thới Tân, huyện Thới Lai), cá thát lát (phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy), sầu riêng Tân Thới (huyện Phong Điền)… góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản Cần Thơ.

Trong hoạt động hỗ trợ vốn, hiện nay, với tổng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt gần 31 tỉ đồng, các cấp Hội đã xây dựng được 257 dự án và cho 1.849 hộ hội viên, nông dân vay phục vụ cho sản xuất, kinh doanh. Hội cũng phối hợp Ngân hàng Chính sách Xã hội giúp cho nhiều lượt hội viên vay vốn với tổng dư nợ đến trên 1.000 tỉ đồng… Từ đó, hội viên nông dân đã đầu tư mở rộng các mô hình sản xuất, tích cực tham gia phát triển kinh tế hợp tác. Hiện nay, toàn thành phố có 134 hợp tác xã nông nghiệp với 2.747 thành viên và 1.319 tổ hợp tác với 44.466 thành viên tham gia sản xuất hoạt động đa dạng trên các lĩnh vực. Qua đó, tạo động lực đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Bài, ảnh: Hồng Vân

Chia sẻ bài viết