28/01/2019 - 07:31

Hội Lân Sư Rồng đón Xuân 

Sau 3 ngày tranh tài sôi nổi, Giải Lân Sư Rồng toàn quốc lần VI-2019 do Cần Thơ tổ chức bế mạc vào tối 26-1. Giải đấu có 7 nội dung thi và đã có 7 nhà vô địch, và không có người thua ở sân chơi rộn ràng tiếng trống mừng xuân này.

Yến Quyên trong bài múa Lân tự sáng tác.

Năm nay đã là lần thứ 6 liên tiếp Cần Thơ tổ chức giải Lân Sư Rồng toàn quốc, trở thành sân chơi truyền thống cho các đoàn múa Lân Sư Rồng ở các tỉnh, thành ĐBSCL và các tỉnh thành trong cả nước. Còn nhớ năm ngoái, giải thu hút cả những CLB Lân ở Quảng Nam, Hải Phòng về dự trong không khí náo nhiệt. Năm nay, giải thu hút 500 VĐV của 22 CLB đến từ 13 tỉnh, thành tham dự. Tuy số lượng đội giảm so với năm rồi (32 đội từ 16 tỉnh), nhưng có một số CLB đầu tiên tham gia đến từ Tiền Giang, Tây Ninh, Vũng Tàu, Long An, Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang, Bình Dương, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Khán giả Cần Thơ đã có dịp thưởng thức những màn trình diễn đẹp mắt, những giây phút hồi hộp khi các VĐV biểu diễn những tuyệt kỹ Lân leo cột, Lân trên Mai hoa thung, cùng những động tác phối hợp nhịp nhàng, chính xác, uốn lượn của những VĐV múa Rồng.

Kết quả, đơn vị chủ nhà Cần Thơ vẫn chứng tỏ sự ổn định ở các nội dung nữ và đồng đội để giành tổng cộng 4 HCV, 3 HCB, 5 HCĐ, đứng Nhất toàn đoàn. Đoàn Vĩnh Phú Đường tiếp tục thể hiện xuất sắc nội dung Lân trên Mai hoa thung nam, mang về HCV, góp phần giúp đơn vị Bình Dương đứng Nhì toàn đoàn với 1 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ. Hai đơn vị An Giang (1 HCV, 1 HCĐ) và Đồng Tháp (1 HCV) đồng hạng Ba.

Tham gia giải đấu này liên tục 6 năm qua và gần như vô đối ở nội dung nữ, kỷ lục gia Lê Yến Quyên của đoàn Tú Anh Đường (Cần Thơ) chia sẻ: “Qua 6 lần tham dự, Quyên nhận thấy mỗi năm các đội càng phát triển, múa đẹp và điêu luyện hơn, cạnh tranh gay cấn hơn. Tất cả các đội đều có sự tiến bộ, mình phải tập luyện thường xuyên mới giữ vững thành tích”. Với Yến Quyên, giải đấu là cơ hội để gặp gỡ, trao đổi, giao lưu với các đoàn bạn, học hỏi được nhiều điều về kỹ thuật, tập luyện. Yến Quyên là nữ VĐV đang giữ nhiều kỷ lục của Việt Nam với kỹ thuật Lân leo cột, Lân trên Mai hoa thung... Gần 10 năm qua, Yến Quyên tập luyện không ngừng và thường xuyên cập nhật những kỹ thuật mới và tiếp tục thành công với chiếc HCV bài múa Lân tự sáng tác.

Với CLB Thanh Anh Đường đến từ Tiền Giang, đây mới là lần đầu tham dự. Trưởng đoàn Nguyễn Chí Thanh còn khá trẻ, mới 24 tuổi, cho biết: “CLB được thành lập 5 năm qua, lần đầu tham dự giải chủ yếu để học hỏi thêm kinh nghiệm”. Đoàn Thanh Anh Đường có 10 thành viên tham gia 3 nội dung là Lân trên Mai hoa thung, Lân nhảy bụt và bài Địa bửu tự sáng tác. Chí Thanh tiết lộ: “Tập trên Mai hoa thung là khó nhất, thời gian rất lâu, mất cả năm trời mới thuần thục, các bài tập nhảy bụt và Địa bửu thì mất vài tháng. Các bạn trong CLB tự nghiên cứu để luyện tập rồi tham gia. Tham dự giải đấu này rất vui, Thanh và các bạn sẽ tiếp tục dự giải năm sau”.

*   *   *

Võ sư Lương Ấn Đường, Chủ tịch Hiệp hội Lân Sư Rồng ĐBSCL, cho biết: “Các đội tham dự giải năm nay có kỹ chiến thuật cao hơn nhiều so với năm trước. Ở các nội dung thi đấu có sự tranh chấp quyết liệt, nhất là những nội dung có mặt đội mạnh như Kwong Ngai của Bình Dương, Vĩnh Phú Đường cũng của Bình Dương, Tân Hòa Đường của Vũng Tàu, Hào Dũng Đường của Đồng Tháp và một số đơn vị khác. Các nội dung múa Lân truyền thống thì Cần Thơ rất mạnh, còn các nội dung về thành tích cao như Mai hoa thung thì Bình Dương mạnh".

Hoạt động Lân Sư Rồng là bộ môn nghệ thuật truyền thống hàm ý mang lại may mắn, tài lộc cho mọi người. Giải đấu là việc làm ý nghĩa vừa mang lại cơ hội thúc đẩy phát triển phong trào Lân Sư Rồng ở Cần Thơ và các tỉnh vừa tạo dịp cho người dân thưởng lãm những tuyệt kỹ Lân Sư Rồng trước thềm năm mới.

Bài, ảnh: NGUYỄN MINH

Chia sẻ bài viết