20/04/2009 - 22:05

Hội đàm cấp cao giữa Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso

* Tuyên bố chung Việt Nam – Nhật Bản về quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á
* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức khu hành chính đặc biệt Hồng Công và tham dự Diễn đàn Đầu tư toàn cầu của Việt Nam
* WB sẽ cung cấp 1,2 tỉ USD cho nền kinh tế Việt Nam

Theo đặc phái viên TTXVN, chiều 20-4, tại Phủ Thủ tướng ở Thủ đô Tokyo đã diễn ra cuộc hội đàm cấp cao giữa Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Thủ tướng Nội các Nhật Bản Taro Aso.

Trong bầu không khí chân thành, cởi mở và hiểu biết lẫn nhau, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Thủ tướng Aso đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi nước, trao đổi ý kiến sâu rộng về quan hệ hai nước và những vấn đề quốc tế mà hai bên cùng quan tâm. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản trong những năm gần đây; khẳng định lại Tuyên bố chung “Hướng tới đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” tháng 10-2006; đồng thời hoan nghênh việc thực hiện có kết quả “Chương trình hợp tác hướng tới quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản” được hai bên thỏa thuận tháng 12-2007. Hai nhà lãnh đạo ghi nhận trong thời gian gần đây, mối quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước đã có nhiều tiến triển vượt bậc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa,...

Hai bên thỏa thuận sẽ tiến hành các chuyến thăm hàng năm ở cấp cao; đồng thời tăng cường hơn nữa trao đổi và hợp tác giữa các bộ, ngành; thúc đẩy hơn nữa giao lưu chính đảng, giao lưu nghị viện, giao lưu giữa các địa phương và nhân dân hai nước.

Hai bên sẽ tổ chức hàng năm các cuộc họp của Ủy ban hợp tác Việt Nam - Nhật Bản; tăng cường các cơ chế đối thoại chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao, các cuộc trao đổi cấp Cục/Vụ trưởng và giao lưu quan chức cấp cao liên quan đến an ninh - quốc phòng; thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực pháp chế tương xứng với mối quan hệ chặt chẽ giữa hai nước.

Hai bên tin tưởng rằng Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản sẽ đóng vai trò to lớn đối với sự phát triển quan hệ kinh tế giữa hai nước. Hai bên sẽ hợp tác để hiệp định này sớm có hiệu lực và được thực hiện một cách thuận lợi, đồng thời mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng, công nghiệp chế tạo, công nghiệp phụ trợ, vận tải hàng hóa, công nghệ thông tin - viễn thông, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường…, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực mới như sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình, phát triển vũ trụ, máy bay thân thiện với môi trường và các dự án mới phát triển cơ cở hạ tầng như nhà ga T2 sân bay Nội Bài; Cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng); giao thông đô thị ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh,.. Thông qua hoạt động của “Sáng kiến chung về tăng cường năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư Việt Nam - Nhật Bản”, hai bên hoan nghênh và thúc đẩy hơn nữa đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam.

Kết thúc hội đàm, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Thủ tướng Aso thông báo cho các phóng viên Việt Nam, Nhật Bản và các phóng viên quốc tế về kết quả rất thành công của cuộc hội đàm cấp cao Việt Nam – Nhật Bản. Hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam – Nhật Bản về quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á.

* Theo đặc phái viên TTXVN, ngày 20-4-2009, tại khách sạn Grand Hyatt Hồng Công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự Diễn đàn Đầu tư của Việt Nam với các nhà đầu tư quốc tế, do Ngân hàng Credit Suisse phối hợp với Hội đồng phát triển Thương mại Hồng Công, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức. Diễn đàn được kết nối trực tiếp qua kênh truyền hình với Luân Đôn (Vương quốc Anh), Tokyo (Nhật Bản), Genève (Thụy Sĩ), Singapore, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, có trên 300 lãnh đạo các Tập đoàn của Hồng Công và quốc tế tham dự tại chỗ.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh trong những năm qua, quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nước không ngừng phát triển. Đến nay, Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), có quan hệ thương mại với hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch thương mại năm 2008 của Việt Nam với các nước đạt trên 140 tỉ USD, tăng bình quân gần 20%/năm trong suốt 20 năm qua. Việt Nam hiện có hơn 10.000 dự án đầu tư trực tiếp của hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ đang hoạt động với tổng số vốn đầu tư 160 tỉ USD; trên 50 nhà tài trợ song phương và đa phương đang cung cấp ODA cho Việt Nam với số vốn cam kết gần 50 tỉ USD. Việt Nam cũng có 370 dự án đầu tư đang thực hiện tại hơn 40 nước và vùng lãnh thổ, với số vốn trên 5 tỉ USD.

Nhân Diễn đàn này, Thủ tướng đã giới thiệu một số nét chính về tiềm năng và cơ hội đầu tư, phát triển thương mại tại Việt Nam, đồng thời khẳng định Việt Nam luôn coi các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của nền kinh tế Việt Nam; coi thành công của các nhà đầu tư nước ngoài cũng chính là thành công của mình.

Đối thoại trực tiếp với các nhà đầu tư tại đầu cầu Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Luân Đôn, Tokyo, Genève, Singapore và tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, để đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Việt Nam đang thực hiện chiến lược phát triển bền vững, nỗ lực triển khai các giải pháp biến khó khăn thành cơ hội, tạo tiền đề cho phát triển bền vững trong những năm tiếp theo. Cụ thể là: Tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng có nhiều công nghệ hiện đại và hiệu quả cao hơn; đẩy nhanh xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là giao thông, năng lượng, y tế, giáo dục; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản lý nhà nước; chú trọng phát triển nguồn nhân lực; tăng cường bảo vệ môi trường sinh thái và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai.

Liên quan đến dự trữ ngoại hối, Thủ tướng cho biết dự trữ ngoại tệ của Việt Nam vẫn đảm bảo đạt 20 tuần nhập khẩu, tỷ giá được vận hành theo cơ chế thị trường và ngày càng được cải thiện. Thủ tướng đã giải đáp câu hỏi các nhà đầu tư liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp, huy động vốn đầu tư phát triển, thực hiện các gói kích cầu… Thủ tướng khẳng định Việt Nam tiếp tục thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế và đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các nước để cùng vượt qua khó khăn hiện nay.

* Phát biểu tại Diễn đàn ở đầu cầu Hà Nội, bà Victoria Kwaka, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, cho biết WB đang cố gắng và nỗ lực cung cấp nhiều nguồn lực hơn cho Việt Nam để phát triển kinh tế, trong đó có việc cung cấp các nguồn vốn IBRD (nguồn vốn của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển thuộc WB có mục tiêu hỗ trợ giảm nghèo) và tiếp tục thúc đẩy các cam kết vốn IDA (nguồn vốn từ Quỹ của Hiệp hội Phát triển quốc tế của WB dành cho các nước nghèo). WB sẽ cung cấp 1,2 tỉ USD cho nền kinh tế Việt Nam.

Chia sẻ bài viết