07/07/2019 - 11:17

Hoạt hình Nhật Bản trong cuộc đối đầu Hollywood 

Trong ngành công nghiệp hoạt hình, Nhật Bản được xem như giữ ngôi vương với nhiều tác phẩm và công nghệ làm phim xuất sắc. Nhưng hiện tại, vị trí đó đang lung lay, bởi những khó khăn mà Nhật đang phải đối mặt trước sự “tấn công” của nhiều ông lớn Hollywood.

“Weathering with You”.

Ðối mặt với nhiều khó khăn

Hơn 100 năm phát triển, ngành công nghiệp hoạt hình của Nhật Bản đã đứng vững và thành công, vươn ra quốc tế. Nhiều tác phẩm hoạt hình của Nhật được đón nhận và yêu thích, như: “Spirited Away”, “The Tale of The Princess Kaguya”, “My Neighbor Totoro”, “Howl’s Moving Castle”, “Your Name”… Nhưng hiện nay, ngành công nghiệp này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng ngày càng trở nên nghiêm trọng. Trước hết đó là sự thiếu hụt về nhân lực. Nhà sản xuất Nishimura Yoshiaki - người đứng sau thành công của “The Tale of The Princess Kaguya”, cho rằng: “Hoạt hình Nhật đang phải vật lộn với nhiều thách thức, mà nghiêm trọng nhất là thiếu họa sĩ và sự sáng tạo”.

Thực tế tại Nhật, nhiều họa sĩ phải làm việc từ 12-18 giờ mỗi ngày và họ luôn trong tình trạng kiệt sức. Điều này ít nhiều ảnh hưởng và bào mòn sự sáng tạo của các họa sĩ. Họa sĩ - đạo diễn Hara Keiichi, nói: “Có lẽ vấn đề lớn nhất trong ngành công nghiệp hoạt hình Nhật Bản là không còn nhiều họa sĩ, đạo diễn hoạt hình trẻ nữa”. Đồng quan điểm, Watanabe Ayumu - đạo diễn đứng sau thành công của “Children of the Sea”, cũng bày tỏ lo lắng: “Ngày càng ít họa sĩ có thể vẽ tốt bằng tay”. Vẽ tay là một trong những yếu tố quan trọng làm nên sự khác biệt của hoạt hình Nhật so với ngành công nghiệp hoạt hình của các nước khác.

Chính vì sự thiếu hụt này mà nhiều đạo diễn, họa sĩ phải kiêm luôn nhiều việc, làm việc vất vả hơn. Hosoda Mamoru - thiên tài đứng sau thành công của hàng loạt tác phẩm “Wolf Children”, “The Boy and the Beast”, “The Girl who Leapt Through Time”, “Mirai no Mirai”… cũng phải ngày đêm gồng mình làm việc với các cộng sự. Watanabe Ayumu nói thêm rằng, ngành công nghiệp hoạt hình cũng đang chia thành hai thái cực, những tác phẩm lớn, có tính thương mại sẽ có nhiều kinh phí, thu hút được nhiều nhà làm phim, trong khi các dự án nghệ thuật sẽ hạn chế về tài chính lẫn nhân sự. Sự phân chia này tác động nhiều đến chất lượng và sự sáng tạo của tác phẩm. Nhiều nhà làm phim hoạt hình Nhật lo lắng tác phẩm hoạt hình hiện đại sẽ dần mất đi bản sắc.

Sự đe dọa từ Hollywood

Ngành công nghiệp hoạt hình ở Hollywood phát triển rất mạnh mẽ, nổi bật là các ông lớn: Walt Disney, Pixar, DreamWorks Animation, Illumination Entertainment, Blue Sky Studio… Trong đó, Walt Disney là đế chế phim hoạt hình có lịch sử lâu đời, là hãng tiên phong cho hoạt hình vẽ tay ở Hollywood. Nhưng mạnh nhất trong địa hạt hoạt hình thì phải nhắc đến Pixar. Mặc dù sinh sau đẻ muộn hơn nhiều hãng khác, nhưng Pixar (ra đời năm 1986) lại là đơn vị mở ra kỷ nguyên của hoạt hình máy tính. 15/21 tác phẩm do đơn vị này sản xuất đều nằm trong top 50 phim hoạt hình có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Pixar sở hữu đến 9 tác phẩm chiến thắng Oscar Phim hoạt hình xuất sắc nhất. Pixar sau đó bị Walt Disney thâu tóm. Liên minh Walt Disney/Pixar thực sự khiến nhiều hãng khác phải e ngại.

Trong khi đó, DreamWorks Animation lại có vị thế riêng, sở hữu đủ thể loại: từ hoạt hình vẽ tay đến hoạt hình tĩnh vật, hoạt hình máy tính. DreamWorks Animation còn thường kết hợp với một số hãng khác, như: Pacific Data Images, DWA Glendale, Aardman Animations để tạo nên những phim hoạt hình đa dạng về nội dung, phong phú về thể loại. Illumination Entertainment và Blue Sky Studio cũng có những hướng đi riêng, tập trung ở công nghệ hiện đại 3D, CGI. 

Thế mạnh của ngành công nghiệp hoạt hình Hollywood chính là công nghệ hiện đại, nhất là CGI ngày càng được áp dụng trong nhiều tác phẩm, tạo thành áp lực cạnh tranh khốc liệt với ngành công nghiệp hoạt hình Nhật nổi tiếng về công nghệ vẽ tay, đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Thị trường và thị hiếu khán giả lại đang đòi hỏi những tác phẩm có công nghệ hiện đại. Sức ép với các nhà làm phim hoạt hình, các họa sĩ Nhật ngày càng lớn, một mặt phải giữ được nét riêng truyền thống, mặt khác phải cạnh tranh sống còn trên thị trường với các hãng từ Hollywood.

Nhà làm phim Hosoda Mamoru cho rằng: “Mọi thứ đều quy về sự khác nhau giữa phương pháp và kỹ thuật. Theo tôi, có những bối cảnh, nội dung, thông điệp phim khác nhau mà bạn muốn kể. Nếu bạn nghĩ CGI tốt hơn thì hãy cứ dùng, hay bạn nghĩ kỹ thuật vẽ tay tốt hơn thì cứ vẽ. Đó không phải chuyện về cách mới hay cũ. Đơn giản đó là hai công cụ khác nhau và bạn dùng cái nào phù hợp hơn với sản phẩm của bạn. Giá trị chung của câu chuyện mới là mấu chốt quan trọng nhất”. Đây chính là lý do vì sao Hosoda Mamoru sử dụng uyển chuyển cả hai phương pháp, kỹ thuật trong các tác phẩm của mình. Nhiều nhà làm phim Nhật cũng có chung suy nghĩ này. Nhà sản xuất Nishimura Yoshiaki cho biết “Sẽ vẫn cố gắng duy trì phong cách và tinh thần truyền thống bằng cách pha trộn giữa hoạt hình vẽ tay và máy tính”.

Việc đó vẫn đang diễn ra tại Studio Ponoc, bằng chứng là “Mary and the Witch’s Flower” được làm theo hướng này, được nhiều người đón nhận và đánh giá cao. Cùng quan điểm với Nishimura Yoshiaki, nhà làm phim Shinkai Makoto cũng đã có không ít tác phẩm tạo tiếng vang, trong đó phải nhắc đến chính là “Your Name” - phim hoạt hình Nhật có doanh thu cao nhất mọi thời đại, sử dụng vẽ tay lẫn công nghệ mới. Shinkai Makoto cũng đang bận rộn với tác phẩm mới “Weathering with You”, dự kiến sẽ ra mắt vào ngày 19-7 tới. Ngay cả nhà làm phim huyền thoại Miyazaki Hayao cũng quyết định trở lại với “How Do You Live?” - tác phẩm sử dụng vẽ truyền thống và công nghệ hiện đại, dự kiến ra mắt vào năm 2020.

BẢO LAM (Tổng hợp từ Japantoday, Hollywoodreporter, Nytimes)

Chia sẻ bài viết