12/10/2008 - 07:52

Bế mạc Phiên họp thứ 13 UBTV Quốc hội:

Hoàn tất chuẩn bị kỳ họp thứ IV, Quốc hội khóa XII

* Khai mạc phiên họp toàn thể hội đồng dân tộc của quốc hội: Tán thành nguyên tắc một quốc tịch

(Cổng TTĐT Chính phủ-TTXVN)- Phát biểu bế mạc phiên họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ngày 11-10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, phiên họp đã kết thúc chương trình làm việc đề ra với tinh thần khẩn trương, tích cực, hiệu quả; về cơ bản các công việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ IV, Quốc hội khóa XII đã hoàn thành.

Trong ngày cuối cùng của phiên họp thứ 13 UBTVQH, các đại biểu tiếp tục cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cán bộ, công chức và về dự án Luật sửa đổi, bổ sung điều 126 Luật nhà ở.

Đa số ý kiến đều tán thành với quy định về cán bộ, công chức cấp xã trong dự thảo Luật đã chỉnh lý cũng như tán thành quan điểm của Thường trực UB Pháp luật về việc tránh xu hướng “phình biên chế” cán bộ công chức cấp xã và “hành chính hóa” đối với hoạt động của các tổ chức xã hội ở cơ sở.

Vì hiện nay, tính đến cuối năm 2007, cả nước có hơn 200.000 cán bộ, công chức cấp cã được hưởng lương (ngoài ra, ở cấp xã còn có hơn 500.000 người hoạt động bán chuyên trách ở trên 110.000 thôn, làng, bản, ấp... được hưởng phụ cấp hoặc khoán phụ cấp hoạt động có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, trong khi đó, với khoảng 11.000 đơn vị hành chính cấp xã, nếu chỉ tăng thêm 1 biên chế là công chức, được hưởng lương và các khoản phụ cấp khác, cho mỗi xã thì cả nước sẽ tăng khoảng 11.000 người và ngân sách nhà nước hàng năm phải chi trả hàng trăm tỉ đồng.

Liên quan đến vấn đề hợp đồng trong cơ quan nhà nước, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu kết luận, đây là Dự án Luật Cán bộ công chức, vì vậy không điều chỉnh các đối tượng làm việc trong cơ quan nhà nước theo chế độ hợp đồng, được điều chỉnh trong các văn bản pháp quy khác.

Đối với các trường hợp là lãnh đạo cơ quan, đơn vị sự nghiệp (trong đó có chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc các doanh nghiệp Nhà nước...), UBTVQH nhất trí đề nghị của Chính phủ về việc quy định những đối tượng này là công chức nhà nước để phục vụ yêu cầu quản lý cán bộ. Tuy nhiên, lương và các chế độ đãi ngộ cho đối tượng này được thực hiện theo quy định về đơn vị sự nghiệp để đảm bảo sự công bằng, bình đẳng với cán bộ công nhân viên trong cơ quan, đơn vị mà họ quản lý.

Tại phiên họp thứ 13 của UBTVQH, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung điều 126 của Luật Nhà ở đã được UBTVQH thống nhất bổ sung vào phiên thảo luận và lấy ý kiến, bởi thực tế quy định về sở hữu nhà ở tại Việt Nam của kiều bào còn một số hạn chế, chưa khuyến khích được nhiều người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia cống hiến, xây dựng đất nước.

* Ngày 11-10, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ 4 và cho ý kiến vào Dự thảo Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi) và Dự thảo Luật Bảo hiểm Y tế.

Góp ý kiến vào Dự án Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi), đa số thành viên Hội đồng Dân tộc nhất trí với những quy định cơ bản trong Dự thảo Luật theo hướng phù hợp với lợi ích quốc gia. Các đại biểu cũng cho nhiều ý kiến vào các vấn đề như nguyên tắc quốc tịch; giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam; giải quyết các vấn đề phát sinh từ tình trạng công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài; việc cấp giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam và giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan nhà nước về quốc tịch; giải quyết các vấn đề phát sinh từ tình trạng công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài; trình tự giải quyết hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam...

Đa số đại biểu tán thành nguyên tắc một quốc tịch nhưng đề nghị cũng nên có những quy định mở để phù hợp với những điều kiện cụ thể của đất nước và xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Trong xác định trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang bộ trong quản lý nhà nước về quốc tịch, một số đại biểu cho rằng việc quy định tất cả hồ sơ phải nộp tại Bộ Tư pháp là cứng nhắc, việc này sẽ gây nhiều khó khăn cho người dân, nhất là những người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các đại biểu đồng ý quy định Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về quốc tịch, ban hành các mẫu giấy tờ để giải quyết các việc về quốc tịch, thống kê nhà nước các việc đã giải quyết về quốc tịch nhưng đề nghị Bộ ủy quyền cho các sở Tư pháp địa phương là đầu mối tiếp nhận hồ sơ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Về việc cho trở lại quốc tịch Việt Nam được quy định tại điều 23 Dự thảo Luật, một số đại biểu đề nghị cần quy định những điều kiện cho trở lại quốc tịch Việt Nam chặt chẽ hơn nhất là đối với các trường hợp bị tước quốc tịch, bị hủy quyết định cho nhập quốc tịch...

Đề nghị để các đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn đang sinh sống tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh là ý kiến của nhiều thành viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. Các đại biểu cũng đề nghị nên tính toán lại lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, không nên nôn nóng ấn định thời gian cụ thể để đạt mục tiêu...

Một số ý kiến cho rằng không nên quy định nhà nước hỗ trợ bảo hiểm y tế cho tất cả mọi người sống ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn mà nên quy định theo mức với từng đối tượng, bởi trong khu vực này cũng có nhiều người có điều kiện tốt về kinh tế. Các đại biểu đề nghị bổ sung thời hạn sử dụng của thẻ bảo hiểm y tế vào trong Luật (điều 17) và cần nêu rõ thời hạn thẻ cho các đối tượng. Riêng với đối tượng nghèo thì không nên quy định thời hạn 1 năm, bởi việc cấp thẻ cho đối tượng này vẫn còn nhiều khó khăn mà nên quy định từ 3 năm trở lên và không nên quy định phải có ảnh trong thẻ bảo hiểm y tế đối với đối tượng người nghèo và nông dân. Một số đại biểu cho rằng quy định đến năm 2014 người nông dân được hưởng thẻ bảo hiểm y tế là quá xa và đề nghị nên quan tâm hơn đến đối tượng này, cần có cơ chế hỗ trợ ở mức nào, có những giải pháp cân đối ngân sách để sang năm 2010 người nông dân được hưởng chế độ bảo hiểm y tế.

KIỀU LIÊN - BÍCH THỦY

Chia sẻ bài viết