21/08/2023 - 08:20

Hoa muống biển Trường Sa 

Những ngày ở Trường Sa, tôi thường men theo chân sóng vào sáng sớm, ngắm từng con sóng vỗ bờ mơn man cành hoa muống biển.

Ra Trường Sa, tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi hình bóng quê nhà hiện hữu ngay tại đảo nhỏ quá đỗi gần gũi, thân thương. Một tiếng gà gáy cất lên giữa muôn trùng sóng nước, một cánh cò chao nghiêng trên nền trời xanh thẳm, một mái chùa cong vút thoang thoảng mùi hương trầm... Tất cả không gian thanh bình và nên thơ ấy góp phần nối đảo xa gần với đất liền.

Hoa muống biển. Ảnh minh họa: baotintuc.vn

Những ngày ở Trường Sa, tôi thường men theo chân sóng vào sáng sớm, ngắm từng con sóng vỗ bờ mơn man cành hoa muống biển. Say ngắm khung cảnh bình yên ấy, tôi chợt nghĩ đến sự tích loài hoa này gắn với truyền thuyết về câu chuyện tình đầy lãng mạn thuở nào.

Có thể nói, sức sống của loài hoa muống biển vô cùng mãnh liệt. Sau những ngày bão dông, sau những ngày âm thầm chịu đựng sóng gió, những cành hoa muống biển vẫn bền gan bám vào triền cát, vươn mình quấn quýt vào nhau chống chọi sự lụi tàn để rồi lại tái sinh. Cứ như thế qua bao tháng năm, hoa muống biển lại ôm bờ cát, chạy dài tít tắp, giăng sắc tím nguyên sơ, lan tỏa theo từng nhịp sóng mơn man.

Những ngày ở Trường Sa, tôi thực sự ấn tượng về hình ảnh người chiến sĩ giữ đảo kiên trung giữa sóng cuồng, bão giật. Ấn tượng bởi không gian Trường Sa bình dị, yên lành. Ấn tượng bởi biển, đảo của ta giàu, đẹp nhường nào. Tôi khâm phục ý chí, nghị lực phi thường của người chiến sĩ canh giữ đảo xa, các anh đang viết tiếp khúc tráng ca từ thuở cha ông hiên ngang vượt biển bằng con thuyền gỗ mong manh ra trấn giữ “phên giậu” của Tổ quốc giữa trùng khơi...

Gắn bó, chia sẻ với cuộc sống gian khổ của những chiến sĩ giữ biển, tôi càng hiểu thêm tình đất, tình người Trường Sa. Lính đảo mắt đen, da nâu, đầu đội trời, ngực chắn sóng biển, chân trần đạp trên cát bỏng vần vũ ươm mầm những cây phong ba... là minh chứng khẳng định sức sống mãnh liệt ở nơi đầu sóng, ngọn gió.

Cũng giống như loài hoa muống biển âm thầm chịu đựng nắng gió, bão táp, mưa sa cùng vị mặn mòi, hung hãn của sóng cả, những người chiến sĩ giữ quần đảo Trường Sa vẫn kiên cường bám trụ. Nắng gió và cát bỏng nơi tiền tiêu của Tổ quốc đã rèn luyện cho người lính đảo càng chắc tay súng, vững vàng niềm tin. Những ngày trời yên, biển lặng, cánh lính trẻ trên đường tuần tra trở về thường đi dọc theo triền cát trắng, ngắt mấy chùm hoa muống biển ép vào trang thư gửi về đất liền, nhờ hoa nói hộ lòng mình với người thương.

Mùa thu, thưa vắng dần những chuyến tàu chở khách ra thăm đảo, nhưng nắng vẫn nồng nàn, hoa muống biển vẫn nở tím trên triền cát, trên thềm san hô ven chân sóng. Và tôi bỗng nhớ cồn cào những bông hoa trên cát bỏng miền Trung quê mình. Trông khiêm nhường, mảnh mai là vậy nhưng cây hoa muống biển là biểu tượng của sự dung dị, bao dung và lòng chung thủy của vùng quê.

Cứ thế, hoa muống biển lặng thầm và lan tỏa. Thời gian qua mau, hoa muống biển theo mùa nối mùa sinh tồn, rồi rộ lên sắc tím vươn cành đong đưa cùng gió biển. Như con sóng giữa trùng khơi muôn đời vỗ bờ tha thiết, những cành hoa muống biển vẫn rạng ngời nét đẹp riêng có giữa cát, sóng và gió mênh mông biển trời.

Người lính đảo xa và hoa muống biển là bạn tâm giao, họ sinh tồn trên cát vừa hàm chứa nét đẹp của sự thuần khiết, vừa mang dáng dấp của sự phong trần và lòng kiêu hãnh. Hình ảnh người chiến sĩ giữ đảo nâng niu những cánh hoa thủy chung, son sắt như tình yêu của lính đảo với quê hương, đất nước. Không gian lãng mạn, đầy chất thơ, nhạc gợi nhớ kỷ niệm nơi cầu tàu có cuộc chia tay của những người lính tuổi mười tám, đôi mươi một sáng lần đầu ra đảo với bao nỗi niềm bịn rịn, luyến lưu, bối rối, xao lòng trước một người con gái.

Giờ đây, khi viết những dòng tản mạn về Trường Sa, tôi lại liên tưởng đến loài hoa giản dị, khiêm nhường giữa khơi xa điệp trùng sóng vỗ. Ngày qua ngày, đêm qua đêm, giữa trùng khơi mênh mang sóng nước, hoa muống biển vẫn cứ lặng thầm nở đầy hoa tím...

Theo QĐND điện tử

Chia sẻ bài viết