28/08/2021 - 07:04

Hỗ trợ tâm lý điều trị hiếm muộn 

Trong những năm qua, nhờ tiến bộ của y học thế giới và cả y học ở Việt Nam, việc điều trị hiếm muộn ngày càng thuận lợi hơn. Tại Cần Thơ, nhiều cơ sở y tế công, tư đã đầu tư nhiều cơ sở vật chất, thiết bị, con người cho việc khám và điều trị hiếm muộn. Hội thảo trực tuyến chủ đề “Tâm lý và sức khỏe tâm thần trong điều trị vô sinh và hiếm muộn dựa trên y học bằng chứng” do Trường Ðại học Y Dược Cần Thơ vừa tổ chức, đã thu hút hơn 200 chuyên gia lĩnh vực hỗ trợ sinh sản và tư vấn tâm lý trong nước và thế giới tham gia. Các diễn giả nêu ra gánh nặng tâm lý mà các cặp vợ chồng hiếm muộn phải đối mặt, đồng thời đề xuất các giải pháp hỗ trợ để các cặp vợ chồng kiên trì trên hành trình tìm con.

Ths.BS Trần Thiện Thắng, Giảng viên Trường Ðại học Y Dược Cần Thơ, tư vấn tâm lý cho khách hàng về hiếm muộn. Ảnh BS cung cấp

Vô vàn áp lực

“Chị òa khóc khi bác sĩ cho biết kết quả thụ tinh trong ống nghiệm lần này lại trượt. Cuộc hôn nhân đầu tiên đổ vỡ do người chồng rượu chè. Vài năm sau, chị gặp anh, mong muốn cùng nhau xây dựng gia đình. Sau hai năm đầu hôn nhân hạnh phúc, anh sốt ruột mong ngóng một đứa con chung mãi mà không thấy, đâm ra bẳn tính. Chị đi điều trị hiếm muộn, anh đi cùng vài lần đầu rồi thôi. Từ đó, mỗi lần chị về thông báo kết quả thất bại, anh đều nóng nảy, đập phá đồ đạc, mắng nhiếc, đổ lỗi vì chị mà hai vợ chồng không có con”. Câu chuyện buồn này được một bác sĩ điều trị hiếm muộn thuật lại và còn rất nhiều phụ nữ phải chịu nhiều áp lực cả về thể chất lẫn tinh thần trong hành trình tìm con.

BS CKII Dư Huỳnh Hồng Ngọc, Giám đốc Trung tâm IVF Quốc tế Phương Châu kể, có nữ bệnh nhân làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) chuẩn bị nghe bác sĩ thông báo kết quả bỗng run rẩy, hai tay bám chặt thành ghế, vẻ mặt vô cùng hồi hộp, xúc động. Chị bị ám ảnh sau nhiều lần thất bại, sợ hãi khi nhớ rõ mồn một hình ảnh bị sẩy thai, nằm trên bàn phẫu thuật để lấy ra đứa con yểu mệnh mới thành hình.

Theo các chuyên gia, các cặp vợ chồng gần gũi thường xuyên trong vòng 12 tháng đối với người nữ dưới 35 tuổi và sau 6 tháng đối với người nữ trên 35 tuổi, không sử dụng biện pháp ngừa thai nào mà không mang thai tự nhiên thì cần đi khám vô sinh và hiếm muộn. Khi đó, họ sẽ được bác sĩ thăm khám, kiểm tra tổng trạng và tư vấn các phương pháp can thiệp hỗ trợ để có con. Một số phương pháp gồm thay đổi lối sống cho đến bơm tinh trùng vào buồng tử cung và thụ tinh trong ống nghiệm. Dù cho phương pháp đơn giản nhất như “canh ngày rụng trứng” để vợ chồng gần gũi, hay can thiệp vào hệ thống sinh sản đều tạo ra những sự xáo trộn về tâm sinh lý của hai vợ chồng. Bệnh nhân cảm thấy lo lắng, căng thẳng quá mức; tình trạng này kéo dài, lặp đi lặp lại thường xuyên, dẫn đến bệnh lý về sức khỏe tâm thần. Nhất là sự kỳ vọng rất lớn của các cặp vợ chồng sau mỗi lần thực hiện các phương pháp điều trị, đến khi nhận kết quả chưa thành công, tinh thần suy sụp nặng nề.

Theo BS CKII Dư Huỳnh Hồng Ngọc, các chuyên gia điều trị hiếm muộn từ lâu đã quan tâm hỗ trợ tâm lý cho các cặp vợ chồng hiếm muộn trước, trong và sau khi tham gia điều trị. Tuy nhiên, IVF Phương Châu nói riêng cũng như các trung tâm hỗ trợ sinh sản trong cả nước chỉ dừng lại ở công tác tư vấn phương pháp điều trị, động viên tinh thần để các cặp vợ chồng hy vọng kết quả điều trị sẽ thành công, chứ chưa thực hiện chuyên nghiệp việc hỗ trợ tư vấn tâm lý, sức khỏe tâm thần cho bệnh nhân. Ðội ngũ của các trung tâm chưa có sự tham gia của các chuyên gia tâm lý, bác sĩ lĩnh vực tâm thần để đánh giá tình trạng và giải pháp can thiệp cụ thể từng trường hợp.

Ths.BS Trần Thiện Thắng, chuyên gia tâm lý, Giảng viên Trường Ðại học Y Dược Cần Thơ và các cộng sự đang nghiên cứu về tâm lý và sức khỏe tâm thần của bệnh nhân điều trị vô sinh và hiếm muộn tại TP Cần Thơ. Từ những ghi nhận ban đầu, có 4 nhóm vấn đề ảnh hưởng đến tâm lý bệnh nhân. Trước hết do việc tiếp cận nguồn thông tin quá dễ dàng, quá nhiều và thường bị thu hút, sa đà vào những thông tin tiêu cực. Bên cạnh đó, áp lực người phụ nữ gánh chịu nặng nề hơn nam giới khi vợ chồng muộn con. Không phải tất cả các cặp vợ chồng đều đồng thuận trong việc điều trị hiếm muộn. Các cặp đôi còn đối mặt với áp lực về kinh tế, mỗi chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm chi phí trên trăm triệu đồng.

Theo BS Trần Thiện Thắng, các dấu hiệu ghi nhận tình trạng căng thẳng tâm lý ở các cặp vợ chồng hiếm muộn, nhất là ở phụ nữ, với các triệu chứng đau ngực, khó thở, đánh trống ngực, đổ mồ môi. Bệnh nhân hiếm muộn bị rối loạn trầm cảm biểu hiện ở việc sút cân, rối loạn giấc ngủ và tâm thần vận động, mệt mỏi, không có năng lượng. Nhiều người cảm thấy tuyệt vọng, tự trách bản thân, thậm chí có ý định tự tử.

Ðồng hành với các cặp vợ chồng hiếm muộn

Cùng tham gia hội thảo trực tuyến, PGS.TS.BS Alice Domar, Giảng viên Trường Y khoa Harvard, Giám đốc chăm sóc sức khỏe toàn diện, Trung tâm IVF Boston, cho biết, tại Mỹ, mặc dù các cặp đôi có điều kiện về kinh tế, được bảo hiểm chi trả nhưng vẫn có bộ phận bỏ cuộc, không theo đuổi được quá trình điều trị hiếm muộn do bị stress. Các cặp vợ chồng chia sẻ, họ cần nhận sự hỗ trợ, đồng hành nhiều hơn từ các cơ quan y tế và đội ngũ chuyên gia điều trị, như linh hoạt thời gian làm việc của phòng khám hỗ trợ sinh sản vào ban đêm hay cuối tuần để họ tiếp cận dễ dàng hơn. Họ mong muốn được cung cấp thông tin và có thể chia sẻ thông tin với những người cùng cảnh ngộ. Theo đó, các trung tâm hỗ trợ sinh sản tạo ra các phần mềm kết nối giữa cán bộ y tế với người bệnh, chia sẻ các thông tin về phương pháp điều trị, nhắc nhở bệnh nhân dùng thuốc, chia sẻ những cảm xúc bệnh nhân phải trải qua và kinh nghiệm của những người từng điều trị,… Nhờ vậy, bệnh nhân cảm thấy được động viên, có sự đồng hành của cán bộ y tế và những người cùng cảnh ngộ, giúp họ kiên trì điều trị, giảm stress rất nhiều.

IVF Bệnh viện Quốc tế Phương Châu quan tâm tư vấn tâm lý cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Ảnh minh họa: Niềm vui mẹ tròn con vuông của sản phụ vượt cạn tại Bệnh viện Quốc tế Phương Châu. Ảnh: THU SƯƠNG

Các chuyên gia trong nước và thế giới đều hướng đến việc, sàng lọc tình trạng tâm lý, sức khỏe tâm thần của các cặp vợ chồng hiếm muộn để cung cấp và can thiệp kịp thời các thông tin và liệu pháp hỗ trợ cho bệnh nhân trước khi điều trị. Nhiều người lo lắng, thuốc điều trị tâm lý có tác động đến điều trị thụ tinh trong ống nghiệm hay không? Theo PGS.TS.BS Alice Domar, một số nghiên cứu cho thấy dùng thuốc có ảnh hưởng đến khả năng sinh tinh trùng của nam và có nguy cơ khiến nữ giới sẩy thai. Vì vậy, việc hỗ trợ tâm lý, sức khỏe tâm thần cho các cặp đôi hiếm muộn đang được nghiên cứu, hướng đến liệu pháp không dùng thuốc.

Trung tâm hỗ trợ sinh sản được công nhận đạt chuẩn cần có tiêu chí hỗ trợ tư vấn tâm lý và sức khỏe tâm thần cho bệnh nhân hiếm muộn. Theo Ths.BS Trần Thiện Thắng, trước hết cần đào tạo cho đội ngũ nhân viên y tế các trung tâm hỗ trợ sinh sản về mối liên quan giữa tâm lý và sức khỏe tâm thần của các cặp vợ chồng hiếm muộn với việc kiên trì điều trị và tỷ lệ thành công. Bên cạnh đó, cần kết nối với người thân của các cặp vợ chồng, để họ hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình điều trị. Ngoài ra, vấn đề chi phí điều trị theo các chu kỳ cũng cần được bàn bạc để các bệnh nhân có sự chủ động, chuẩn bị sẵn sàng hơn.

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết