20/04/2019 - 12:01

Hỗ trợ phụ nữ khuyết tật 

Người khuyết tật nói chung, phụ nữ khuyết tật (PNKT) nói riêng, được các cấp chính quyền, hội đoàn thể quan tâm tạo điều kiện hòa nhập cộng đồng ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, thực tế, PNKT vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, học nghề, lao động,... Họ rất cần sự hỗ trợ nhiều hơn từ cộng đồng.

Thành viên Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật bày bán các sản phẩm do chính họ làm ra. Ảnh: MỸ TÚ

Thành viên Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật bày bán các sản phẩm do chính họ làm ra. Ảnh: MỸ TÚ

Hai tổ chức hội đặc thù - Hội Người khuyết tật và Hội Người mù thành phố - đều tập hợp, tổ chức sinh hoạt và có những hoạt động chăm lo riêng cho hội viên là phụ nữ. Chị Đinh Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội Người mù quận Ninh Kiều, kiêm Trưởng Ban Phụ nữ mù TP Cần Thơ, cho biết, Ban Phụ nữ mù thành phố được thành lập trên 10 năm nay. Ban thường xuyên duy trì hoạt động vận động tặng quà cho chị em trong dịp lễ, Tết hay mùa mưa; hỗ trợ quà 1-6, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán và tựu trường cho con em hội viên. Những hoạt động này giúp vơi bớt phần nào gánh nặng chăm sóc gia đình cho phụ nữ mù. Chị Thủy chia sẻ: "Điều kiện chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt, học nghề và nắm bắt thông tin đối với phụ nữ mù vẫn còn hạn chế. Không ít chị em đang sống dựa vào người thân. Nhiều chị từng chia sẻ rằng, vì không có việc làm, không có thu nhập, sống dựa vào người thân, nên khi gặp những vấn đề khó khăn, nhất là liên quan đến sức khỏe, chăm sóc bản thân, các chị em ngại bày tỏ. Và vì thế, các chị không được hỗ trợ kịp thời. Ban Phụ nữ mù lâu nay không có kinh phí hoạt động riêng nên hầu như chưa thể tổ chức nhiều hoạt động cho hội viên".

Thực tế, nhiều hội viên phụ nữ mù rất mong có điều kiện được học nghề, có việc làm để cải thiện đời sống. Theo ông Hoàng Quyết Thắng, Chủ tịch Hội Người mù TP Cần Thơ, trước đây, Hội từng tạo việc làm cho nhiều hội viên phụ nữ mù như xe nhang, bó chổi và dự kiến tạo điều kiện cho chị em hội viên học nghề massage tại Thành hội. Tuy nhiên, vì Hội chưa bố trí được điều kiện sinh hoạt thuận lợi, nên vẫn chưa thực hiện được kế hoạch này.

Chị Thái Thị Nga, ngụ phường Thới Bình, quận Ninh Kiều là một trong số ít hội viên phụ nữ mù đang có việc làm ổn định tại một cơ sở massage của người khiếm thị tại trung tâm thành phố Cần Thơ. Chị cho biết, hằng ngày, thu nhập của cả vợ chồng chị dao động từ 100.000 đồng- 300.000 đồng. Trong khi đó, chi phí cho cả hai đi xe ôm để đi làm hằng tháng đã mất khoảng 900.000 đồng. Ngoài ra, còn chi phí học hành của con, ăn uống, sinh hoạt của gia đình... Vì vậy, chị chưa từng đi khám sức khỏe lần nào, dù bản thân rất muốn. Chị mong có chính sách miễn học phí đối với con của cha mẹ đều là người khuyết tật và PNKT được hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Câu lạc bộ PNKT thuộc Hội Người khuyết tật TP Cần Thơ được tổ chức Liên minh Na uy tại Việt Nam hỗ trợ một phần kinh phí hoạt động thường xuyên, nên Câu lạc bộ (CLB) tổ chức được khá nhiều hoạt động: họp mặt, tặng quà, tư vấn, tập huấn kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, hỗ trợ khó khăn đột xuất cho chị em,… Ngoài ra, CLB còn tổ chức cho các thành viên tham gia góp vốn xoay vòng. Hội Người khuyết tật ký kết với Quỹ Move Ability hỗ trợ làm nẹp giả, chân giả cho chị em hội viên bị khuyết tật vận động ở chân; tranh thủ các dự án tổ chức dạy nghề, giới thiệu việc làm cho nhiều hội viên, trong đó có PNKT… Tuy nhiên, CLB vẫn còn một số khó khăn trong hoạt động hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho các thành viên. Chị Huỳnh Thúy Niềm, Chủ nhiệm CLB cho biết: "Chúng tôi chưa tìm được nguồn kinh phí hay đơn vị tài trợ cho các chị em được tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh".

Chị Đỗ Thị Ngọc, hội viên của CLB PNKT chia sẻ, vì kinh tế eo hẹp nên dù đã khá lớn tuổi nhưng chị chưa lần nào đi khám, tầm soát bệnh phụ khoa. Còn chị Nguyễn Kim Thanh thì cho biết, một số cơ sở khám chữa bệnh chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật tiếp cận; phần khác, vì không có người hỗ trợ nên chị cũng chưa có cơ hội khám, tầm soát bệnh. Không chỉ có chị Ngọc, chị Thanh mà rất nhiều chị em PNKT khác đều mong muốn được hỗ trợ để có điều kiện tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Với nỗ lực của các tổ chức Hội và sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng, mong rằng thời gian tới các PNKT sẽ được quan tâm chia sẻ nhiều hơn, hướng đến cải thiện chất lượng cuộc sống.

MỸ TÚ

Chia sẻ bài viết