21/05/2012 - 21:04

Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Nhờ được hỗ trợ lãi suất, nhiều hộ nông dân huyện Vĩnh Thạnh vay vốn mua máy GĐLH giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Thời gian qua, TP Cần Thơ có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ vốn, giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi giúp nông dân phát triển sản xuất. Nhờ vậy, nhiều nông dân thoát nghèo, vươn lên khá giả, góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển.

Thực hiện chính sách hỗ trợ 100% lãi suất cho nông dân mua máy gặt đập liên hợp (GĐLH) nhằm đẩy mạnh cơ giới hóa phục vụ sản xuất, đến nay, thành phố đã hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua 182/200 máy GĐLH. Chương trình này sẽ kéo dài đến năm 2015. Sự hỗ trợ này tạo điều kiện cho nhiều nông dân chủ động hợp tác với nhau thành lập tổ hợp tác hoặc hợp tác xã (HTX) cơ giới hóa thu hoạch lúa, giúp nông dân nghèo có việc làm, cải thiện cuộc sống.

Năm 2008, HTX Vĩnh Tiến, xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh vay gần 300 triệu đồng mua thêm 2 máy GĐLH, nâng số máy của HTX là 3 máy. Có máy GĐLH, ngoài chuyện giải quyết tình trạng thiếu nhân công chính vụ, chủ động thu hoạch lúa cho các xã viên, 3 máy GĐLH HTX còn giải quyết việc làm cho gần 10 lao động là con em nông dân nghèo không có ruộng đất. Ông Phạm Hữu Bình, Chủ nhiệm HTX Vĩnh Tiến, cho biết: “Mỗi máy GĐLH chỉ cần 2 lao động chính, nhưng HTX nhận thu hoạch và vận chuyển lúa vào tận nhà người dân nên mỗi máy thu hút thêm từ 2-3 lao động, chủ yếu con em xã viên nông dân nghèo. Chỉ riêng vận chuyển, mỗi lao động có thu nhập từ 100 -150 ngàn đồng/ngày. Năm 2011, doanh thu HTX trên 1,4 tỉ đồng, lãi trên 400 triệu đồng. HTX có kế hoạch vay vốn để mua thêm máy GĐLH đáp ứng nhu cầu thu hoạch lúa của nông dân, giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn”. Bên cạnh đó, thực hiện việc cho vay ủy thác qua Hội Nông dân TP Cần Thơ, Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh Cần Thơ đã cho trên 45.000 lượt hộ nông dân vay ưu đãi, phát triển sản xuất với dư nợ trên 360 tỉ đồng. Từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, năm 2011, TP Cần Thơ đã phát vay trên 1.600 hộ với số tiền trên 2 tỉ đồng. Nhờ vậy, năm 2011, TP Cần Thơ có hơn một ngàn nông hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của TP Cần Thơ chỉ còn hơn 6,6%, với hơn 19.000 hộ.

Các cấp Hội Nông dân TP Cần Thơ còn hình thành các tổ, nhóm đoàn kết tương trợ hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, cuộc sống. Năm 2003, tổ đoàn kết tương trợ ấp Trường Thuận, xã Trường Long, huyện Phong Điền thành lập với 23 hộ nông dân. Mỗi tháng, các thành viên góp vốn vào tổ ít nhất 50.000 đồng để vay vốn xoay vòng. Đến nay, số tiền của tổ đoàn kết tương trợ được gần 100 triệu đồng, đã phát vay cho 13 thành viên, mỗi hộ từ 5-15 triệu đồng (tùy vào số tiền đóng góp), với lãi suất chỉ 0,6%/tháng để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Có được nguồn vốn vay với lãi suất thấp, các thành viên còn giúp nhau về con giống, kinh nghiệm trong sản xuất... tạo điều kiện để một số hộ nghèo, cận nghèo trong tổ vươn lên khá giả... Các tổ nhóm đoàn kết tương trợ phát triển mạnh, rộng khắp các cấp hội nông dân, hoạt động hiệu quả ở các huyện Vĩnh Thạnh, Phong Điền, Cờ Đỏ, Thới Lai...

Trước đây, cuộc sống của nhiều hộ nông dân khu vực Thới Hòa, phường Thới An, quận Ô Môn, khó khăn do bình quân mỗi hộ chỉ có hơn 1 công đất (1.000m2) trồng lúa nên thu nhập thấp. Để giúp nông dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, Hội Nông dân và chính quyền địa phương giúp các hộ dân chuyển sang trồng rau an toàn và phát triển thành HTX rau an toàn Hòa Phát, với 12 xã viên tham gia trồng rau an toàn (chủ yếu rau muống), với diện tích trên 3ha. Nhờ được hỗ trợ vốn, áp dụng kỹ thuật an toàn trong canh tác nên các xã viên của HTX tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hiệu quả kinh tế tăng gấp 3 lần so với trước. Cụ thể, trước đây, 1 công đất trồng lúa tối đa chỉ trồng được 3 vụ/1 năm nhưng trồng rau tăng lên 9 vụ. Mỗi vụ trồng rau lãi gấp 4 lần so với trồng lúa. Theo ông Nguyễn Văn Hường, xã viên HTX rau an toàn Hòa Phát, từ khi chuyển sang trồng rau muống thu nhập đã tăng lên đáng kể. Nhờ vậy, gia đình ông dần dần không còn khó khăn và đã thoát nghèo. Ông Nguyễn Văn Hường cho biết: “Được Ngân hàng Chính sách Xã hội, Quỹ Hỗ trợ nông dân Cần Thơ cho vay vốn ưu đãi trồng rau muống nên ba năm qua thu nhập gia đình tôi ổn định. Với 2 công trồng rau muống thâm canh, mỗi năm thu nhập từ trồng rau gần 200 triệu đồng. Gia đình tôi thoát nghèo, có của ăn của để cũng nhờ trồng rau muống. Mặc dù rau an toàn của xã viên giá bán đôi lúc không cao hơn những loại rau thông thường khác nhưng HTX được hỗ trợ giống rau, phân bón, tập huấn kỹ thuật... nên hiệu quả kinh tế mang lại khá cao”.

Tương tự, tổ hợp tác trồng rau an toàn khu vực Thới Bình, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, hoạt động hiệu quả; mô hình sản xuất cá tra bột, sản xuất lúa giống huyện Vĩnh Thạnh; mô hình trồng cây ăn trái kết hợp với nuôi cá của nông dân huyện Phong Điền; nuôi bò sữa ở phường Long Hòa, quận Bình Thủy... giúp nhiều nông dân TP Cần Thơ tăng thu nhập, thoát nghèo vươn lên khá giả.

Bài, ảnh: MINH THANH

Chia sẻ bài viết